(CAO) Hàng trăm trường hợp tảo hôn mỗi năm tại huyện Ia Grai (Gia Lai), nhiều trường hợp làm mẹ khi đang là học sinh THCS. Ngoài “ưng cái bụng”, thì mạng xã hội, điện thoại… còn tiếp tay cho tình trạng tảo hôn những năm gần đây.
Chiều xuống, các buôn làng ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn, bà con đã bắt đầu trở về nhà sau một ngày dài vất vả lao động, sản xuất trên nương rẫy. Không khó để bắt gặp những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em.
Thậm chí, nhiều bé gái người Jrai, dù mới chỉ 14-15 tuổi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Ông Rơ Mah Lép (làng Sát Tâu, xã Ia Pếch) năm nay mới 37 tuổi nhưng đã lên chức ông ngoại. Trong căn nhà nhỏ được chính quyền địa phương xây cho, ông Lép kể: “Mình lấy vợ từ 15 tuổi, khi đó vợ mới 14 tuổi. Tới giờ 2 vợ chồng đã có với nhau 6 người con, 2 đứa đầu đã lấy chồng, còn đứa nhỏ nhất đang mới 4 tháng tuổi.
Từ khi lấy vợ đến giờ chưa có một ngày nào no đủ. Mình lấy vợ khi trong tay không có gì cả, cái ăn cái mặc chỉ trông chờ vào 2,5 sào cà phê và tiền công làm thuê thất thường. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng nhà mình không nằm trong diện hộ nghèo của xã”.
Hai đứa con của ông Lép cũng đi vào vết xe đổ của cha mình. Hiện đứa con trai đầu 20 tuổi đã có vợ, có con; con gái thứ 2 mới 15 tuổi nhưng đã lấy chồng ở tận xã Ia Kênh (TP.Pleiku) gần được 1 năm.
Vợ chồng anh Rơ Mah Lép lấy nhau sớm, giờ đến lượt con cái cũng vậy
Lấy nước rót ra để mời khách, ông Lép tiếp câu chuyện: “Biết lấy chồng, lấy vợ sớm là khổ nhưng giờ con mình đòi “bắt chồng” cũng phải chiều nó. Mà nhà mình nhỏ thế này con đông không có chỗ ở, với lại lấy gạo đâu mà nuôi tụi nó”. Nói thế, nhưng khi hỏi đã có ý định kế hoạch hóa gia đình chưa, thì ông Lép cười bảo: “Hai vợ chồng dự tính sinh khoảng 9 đứa mới thôi”.
Dáng người nhỏ nhắn, mặt non nớt nhưng Siu Hạnh (16 tuổi, ở làng O Pếch, xã Ia Pếch) đã lấy chồng hơn một năm nay. Đã “bắt chồng” nhưng Hạnh vẫn sống nhờ cha mẹ mình vì không có điều kiện ra riêng.
“Em đang học lớp 3 thì nghỉ học. Sau một thời gian về làm rẫy cùng gia đình, em quen chồng hiện tại qua mạng xã hội. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại làm quen, em đã “bắt chồng” khi 15 tuổi. Bạn bè cùng tuổi với em cũng đã nghỉ học và lấy chồng, lấy vợ nhiều rồi”, Hạnh chia sẻ.
Huynh và Hạnh chỉ là 2 trong rất nhiều những trường hợp hôn nhân “trẻ con”, hình thành theo kiểu cưới trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn vẫn diễn ra ở nhiều buôn làng tại xã Ia Pếch.
Ông Siu Thunh – Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch cho biết, đa số các cặp tảo hôn ở trên địa bàn xã là đang học các lớp cuối cấp của bậc trung học cơ sở. Nhiều trường hợp các em đang học, bố mẹ ngăn cấm yêu đương thì sử dụng mạng xã hội để làm quen, hẹn hò. Có tình trạng dọa tự tử nếu bố mẹ không cho yêu đương, cưới hỏi. Ở xã Ia Pếch chưa xảy ra trường hợp tự tử, nhưng xã bên đã có vài trường hợp vì cha mẹ không cho cưới.
“Mặc dù có nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, nhưng rồi “đâu lại vào đấy” bởi tư tưởng “không cho mình cũng lấy”. Do không đăng ký kết hôn được nên các cặp vợ chồng trẻ khi sinh con, làm giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ.
Khi đã đủ tuổi, các cặp này mới lên xã đăng ký kết hôn. Sau đó để hợp thức hóa, các cặp này lại làm thủ tục nhận cha con, khi đó giấy khai sinh mới có cả tên cha lẫn tên mẹ”, ông Siu Thunh cho biết thêm.
Mới sinh năm 1983 nhưng vợ anh Lép đã là mẹ của 6 người con và đã có cháu
Theo thống kê của UBND huyện Ia Grai, giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn có 395 cặp tảo hôn, trong số đó rơi vào người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến trên 99%. Riêng trong năm 2018 phát sinh thêm 117 cặp tảo hôn. Xã Ia O và Ia Pếch có số lượng cặp tảo hôn nhiều nhất huyện Ia Grai.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Ia Grai nguyên nhân của việc tảo hôn ở huyện còn cao, là do ảnh hưởng của phong tục tập quán và truyền thống văn hóa lâu đời của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung còn nghèo; một số gia đình thiếu người làm nên bắt con lấy vợ, lấy chồng sớm để gánh vác công việc gia đình.