Điều đáng báo động là tình trạng ly hôn ở những cặp vợ chồng với tuổi đời còn khá trẻ và chủ yếu là công nhân lao động ở các công ty, xí nghiệp,…đang có dấu hiệu tăng đột biến.
Những con số “giật mình”
Theo số liệu của TAND tỉnh Long An, tính từ đầu năm 2015 đến nay, TAND các huyện, thành phố trong tỉnh đã thụ lý 3.522 vụ án ly hôn, trong đó giải quyết 3.450 vụ ( so với 9 tháng đầu năm 2014 là 3.092 vụ, giải quyết 3.019 vụ).
Điều đáng nói, số vụ ly hôn tăng đột biến lại diễn ra tại các các huyện công nghiệp, nơi tập trung nhiều công ty, xí nghiệp,…
Một số địa phương có nhiều vụ ly hôn cao như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước… Số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng có độ tuổi từ 18 – 30 tuổi là 687 vụ với phần lớn là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, làm nghề tự do khá nhiều. Những con số “giật mình” trên phản ánh một thực trạng đáng báo động về những cặp vợ chồng ở độ tuổi còn khá trẻ, chiếm đa số là lao động công nhân, họ chưa trang bị kĩ năng và chưa nhận thức được rõ những hệ lụy tìm ẩn từ việc ly hôn gây ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
Một bộ phận công nhân ở khu công nghiệp ly hôn khiến số vụ ly hôn tăng đột biến, để lại nhiều hệ lụy xã hội - Ảnh: Phi Hùng
Trao đổi với báo CATP, Bà Huỳnh Thị Huệ - Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An, cho biết :“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn như do nhận thức về quan hệ hôn nhân của đôi lứa chưa được thấu đáo, chưa tìm hiểu một cách cặn kẽ người bạn đời trước khi đi đến việc kết hôn nhất là trong giới trẻ.
Mặt khác, do tác động của nền kinh tế cùng với lối sống buông thả, thờ ơ và thiếu trách nhiệm với gia đình; vấn đề kinh tế gia đình; ngoại tình; những thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc làm nảy sinh mâu thuẫn, xung đột gia đình…
Mặc dù đã sống với nhau nhiều năm, các nguyên nhân kể trên vẫn khiến nhiều cặp vợ chồng phải đệ đơn ra tòa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng tại ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, từ đầu năm 2015 cho đến nay đã có gần 10 vụ ly hôn mà chủ yếu là công nhân lao động và làm nghề tự do nằm trong độ tuổi còn rất trẻ từ 20-30 tuổi. Được biết, nơi đây tập trung khu công nghiệp Long Cang – Long Định nên lao động ở khắp các tỉnh thành đến địa phương làm việc.
Điển hình là trường hợp của chị Nguyễn Thị N (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) làm công nhân tại công ty TNHH giày Chingluh (khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An), chồng là Nguyễn Minh. Q làm thợ hồ. Gia đình chung sống với nhau đã có một con khoảng 2 tuổi. Do bất đồng quan điểm trong hôn nhân nên chị N. đã ra tòa ly hôn.
Hay như trường hợp của vợ chồng chị Trần Ngọc. C. (sn 1979, ngụ ấp 1 xã Long Cang, huyện Cần Đước). Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân tại công ty giầy Chingluh . Hai anh chị đã sống với nhau có hai mặt con (cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi). Được biết, do mâu thuẫn gia đình và đã có “người tình mới” nên chị C. đã chủ động đệ đơn ly hôn. Sau đó chị bỏ nhà ra đi cho đến nay để lại hai đứa con thơ đang cần mẹ.
Hiện nay, có khá nhiều gia đình tại nông thôn phải chịu cảnh ly hương. Một số người chuyển đổi nghề làm ruộng – một trong những nghề thuần nông đặc trưng. Tuy nhiên, do cơ giới hóa nông nghiệp cùng với công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều công ty, xí nghiệp hình thành lên như nấm mọc sau mưa ngay tại chính các vùng quê. Vì vậy, đa số người dân chọn giải pháp đi làm công nhân tại các khu công nghiệp để đổi đời, bớt khó khăn, vất vả hơn.
Đối với những gia đình có chồng hoặc vợ đi làm công nhân nếu nơi làm ở gần nhà sáng đi chiều về thì bình thường, tuy nhiên đối với những hộ có chồng hoặc vợ đi làm ăn xa, phải ở trọ thì có nhiều vấn đề phát sinh xung quanh.
Theo một người dân địa phương ở xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cho biết, “Hiện nay, tại ấp Bình Tây 1 và Bình Tây 2 có khá nhiều người đi làm công nhân, do địa phương không có khu, cụm công nghiệp nên họ phải đi xa, thường là ở trọ một tuần mới về nhà. Từ đó, đã xuất hiện nhiều cặp có mâu thuẫn tình cảm, trong đó nhiều cặp đã ly hôn.”.
Và những “hệ lụy"
Bên cạnh nỗi lo giải quyết công ăn việc làm cho người dân thì nỗi lo hạnh phúc hôn nhân cũng đặt nặng trên vai lãnh đạo, ban ngành, đoàn thể các xã nghèo.
Bởi vì, hậu quả của nó không chỉ là sự đổ vỡ của một gia đình mà kéo theo sự thiếu quan tâm giáo dục đến con cái, nhiều em hư hỏng, học hành không đến nơi đến chốn và là gánh nặng cho xã hội. “Nạn nhân” của những cuộc hôn nhân này chính là những đứa trẻ vô tội bị tác động tâm lí nặng nề vì thiếu tình thương của cha mẹ.
Một cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, vừa qua có một trường hợp nữ công nhân tên là N.H (quê ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau).
Chị N.H đã có gia đình và 2 người con. Do hoàn cảnh gia đình “cơm, áo, gạo, tiền” nên đành rời miền quê sông nước lên làm việc tại công ty T thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Sau một thời gian làm việc tại đây, chị đã nảy sinh tình cảm và có con ngoài giá thú với người khác. Chị đành bỏ con trước cổng chùa Giác Nguyên (khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc).
Thực tế cho thấy, những năm gần đây ở nước ta đang nổi lên một hiện trạng đáng báo động khác, đó là sự trẻ hóa đối tượng phạm tội. Đây là nạn nhân từ các vụ ly hôn của những căp vợ chồng dẫn đến tình cảnh con cái phải chịu cảnh bơ vơ.
Con trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, nhiều em chán nản bỏ nhà đi theo các đối tượng xấu rồi vướng vào vòng lao lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, cho biết: “ Thời gian gần đây, chúng tôi có giám sát hoạt động xét xử tại tòa án và nhận thấy hiện tượng nhiều cặp gia đình trẻ ly hôn mà chủ yếu là công nhân lao động, trong đó có cặp không đăng ký kết hôn cho đến khi ly hôn thì tiến hành xét xử hủy hôn nhân trên thực tế.
Cũng có nhiều cặp ly hôn do vợ hoặc chồng đi là ăn xa ít quan tâm lẫn nhau, môi trường xấu tác động,…”