Các khu du lịch sinh thái ở miền Tây hút khách

Chủ Nhật, 28/04/2019 13:24  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Thời tiết nắng nóng oi bức và kéo dài nên du khách ở nhiều tỉnh, thành đã tìm đến các khu du lịch sinh thái miền Tây để trốn nóng cũng như thư giãn trong kỳ nghỉ lễ. Do vậy, mới ngày đầu tiên mà lượng khách tăng lên đột biến.

Ngày đầu nghỉ lễ rơi vào dịp cuối tuần nên các khu du lịch sinh thái ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang… trở thành những địa điểm lý tưởng thu hút khách thu lịch trong và ngoài nước.

Tại TP.Cần Thơ, điểm du lịch được nhiều người lựa chọn đó là cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy).

Du khách ngồi đò 5 phút sẽ tới cồn Sơn.

Để đặt chân lên Cồn Sơn, du khách phải bắt chuyến đò ngang từ bến Cô Bắc (phường Bình Thủy) sang. Từ xa, cồn Sơn trông như một hoang đảo xanh rì, được bao bọc bởi dòng sông Hậu. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm vườn.

Vừa làm vườn người dân cồn Sơn kết hợp làm du lịch sinh thái.

Hiện cồn Sơn có khoảng 10 hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch liên kết. Tùy theo khả năng và lợi thế, mỗi nhà sẽ có những sản phẩm riêng để góp phát phát triển loại hình du lịch đậm chất Nam bộ.

Du khách tự hái trái cây để thưởng thức.

Đến các điểm du lịch sinh thái, du khách sẽ được trải nghiệm những vườn trái cây trĩu quả và tận hưởng vị ngon của loại trái cây do tự tay hái. Nắm được thị hiếu đó, vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Oanh (Tư Oanh, 57 tuổi, ngụ khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa) đã phát triển vườn bưởi năm roi trở thành điểm du lịch.

Vườn bưởi của ông Tư Oanh.
Vợ chồng ông Oanh đi hái bưởi đãi khách.

Ông Tư Oanh cho biết: “Vợ chồng chuyển mở điểm tham quan từ tháng 9 năm rồi. Những ngày bình thường, lượng khách đến tham quan chỉ khoảng 20 người. Bắt đầu từ hôm nay lượng khách bắt đầu tăng lên gấp nhiều lần. Đông khách bộ bàn ghế bằng dừa quá tải nên chúng tôi phải trang bị thêm hàng chục ghế nhựa”.

Bè cá của ông Bảy Bon, với giá tham quan 10 ngàn đồng/lượt khách.

Cách nay gần 20 năm, ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) gom góp tiền rời vùng quê U Minh Hạ (Cà Mau) lên Cần Thơ đóng lồng bè nuôi cá trên sông Hậu. Theo thời gian, từ một lồng bè ban đầu, ông phát triển lên hàng chục lồng bè để nuôi hơn chục loài cá như: hô, hồng vỹ, chép koi, thác lác cườm… vừa bán vừa phục vụ du lịch.

Lượng khách đến các điểm du lịch bắt đầu tăng mạnh.
Một trong những loài cá phục vu khách du lịch đếm tham quan.

Còn ông Ông Lê Trung Tín (45 tuổi) bỏ công huấn luyện đàn cá lóc trong vèo… bay như chim để núi chân du khách.

Ông Tín cho biết: “Gia đình bắt đầu làm vườn, đào ao thả cá từ 20 năm nay. Mỗi ao nuôi nhiều loại cá, nhưng chủ yếu là cá lóc, với hàng chục ngàn con/năm. Từ khi cồn Sơn được quy hoạch phát triển du lịch, vườn của tôi cũng có cây trái như các vườn khác, nhưng không hấp dẫn du khách.

Trong quá trình cho cá ăn, tôi thấy một vài con nhảy lên đớp mồi liền nghĩ ra cách huấn luyện cho cá bay để phục vụ du khách”.

Cá lóc bay, một loại hình hút khách ở cồn Sơn.

Nghĩ là làm, ông Tín quan sát thấy cá tập hợp liền tìm cách tung mồi lên cao nhử cho cá bay lên đớp chứ không bỏ thức ăn nổi lềnh bềnh trên ao như trước. Cũng chính từ việc tung mồi lên cao, cá muốn ăn phải bay lên và dần dần trở thành thói quen hằng ngày.

Những hàng cây tạo nên sức hấp dẫn của cồn Sơn.

Theo ông Tín, thời điểm hiện tại, gia đình ông đang nuôi khoảng 18.000 con cá lóc lớn nhỏ, chia ra làm 10 ao; trong đó cá nhỏ nhất nặng từ 0,2 – 0,3kg, con to nhất nặng khoảng 7kg. Những con cá biết bay và đang bay đẹp có cân nặng từ 0,7 - 1,1kg. Mỗi tháng thu nhập từ vườn trái cây và các sản phẩm làm từ đàn cá lóc bay trừ các khoản chi phí vợ chồng ông Tín có nguồn lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Ngoài thưởng thức trái cây tại chỗ, người dân còn mua về.

Cùng gia đình đến cồn Sơn tham quan, anh Trần Văn Hai (ngụ tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây và điều mà gia đình ấn tượng là không khí ở khu du lịch khá trong lành, nhiều cây xanh tạo cảm giác hết sức thú vị”.

Nhiều loại bánh và món ăn phục vụ du khách.

Ngoài việc tham quan các vườn trái cây, xem cá lóc bay, cá phun nước săn mồi, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân gian như: bánh khọt, bánh bò, bánh chuối…

Càng về chiều du khách ở xa đến nhiều hơn.

Theo quan sát, tới hơn 17 giờ lượng khách vẫn tiếp tục di chuyển về cồn Sơn, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và nước ngoài. Một chủ đò cho biết: “Việc tham quan và ăn uống của du khách ở cồn thường kết thúc vào khoảng 9 giờ đêm”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang