Du lịch Lào Cai - có thể bạn chưa biết!

Thứ Ba, 12/02/2019 09:10

|

(CAO) Lào Cai là tỉnh địa đầu biên giới phí Bắc, giáp Trung Quốc, là trọng điểm du lịch của cả nước. Lao Cai có Sa Pa sương mù lãng mạn, thủ phủ của du lịch Tây Bắc và Việt Bắc. Có Fansipan, ngọn núi cao nhất Đông Dương trong vườn Quốc gia và dãy Hoàng Liên Sơn kiêu hãnh. Có núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây và nhiều bản làng các dân tộc đẹp như mơ.

Lào Cai còn có chợ phiên Bắc Hà đặc trưng, ruộng bậ thang Y Tý và Phong Thổ điệu đàng cùng nhiều di tích, danh thắng. Có cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu nối Lào Cai với Vân Nam - Trung Quốc. Là nơi sông Hồng xuôi về Việt Nam.

Du lịch Lào Cai nằm trong top 5 các tỉnh, thành có doanh thu cao nhất trên mỗi khách; xếp sau thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng. Trước đây, đường bộ vất vả, du khách thường chọn đi xe lửa qua đêm. Ngày nay, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai rút ngắn thời gian hơn một nửa, chỉ còn 3 - 4 tiếng thong dong, lại tha hồ ngắm cảnh ven đường. Đi du lịch Lào Cai quanh năm, lúc nào cũng tiện. Hà cớ gì phải chọn dịp Tết?

Sa Pa quyến rũ, níu chân du khách. Ảnh: ST

Các tỉnh, thành Việt Nam, hầu hết đều nằm ven hai bờ của những dòng sông. Lào Cai cũng vậy. Sông Hồng xuôi dòng đổ ra Biển Đông. Ngoài các phụ lưu chính như sông Đà, sông Lô, sông Nâm Na, sông Nho Quế… còn có các phụ lưu nhỏ hơn như Nậm Thi, còn gọi là sông Ngâu hay Ngưu.

Nậm Thi “nhỏ nhưng có võ”, cung cấp nước cho thành phố Lào Cai, là biên giới tự nhiên giữa Lào Cai và Vân Nam, vùng biên ải trọng yếu nhộn nhịp giao thương; chứng kiến bao dâu bể, thăng trầm của mối quan hệ Việt - Trung.

Với sông Hồng và Nậm Thi, Lào Cai là thành phố Ngã Ba Sông chính hiệu. Lâu nay, người Việt chỉ gọi Việt Trì (Phú Thọ), nơi sông Lô, phụ lưu tả ngạn của Ba sông Hồng hợp lưu cùng sông Mẹ (sông Hồng còn được gọi là sông Thao) là thành phố Ngã Ba Sông.

Gọi như vậy là khiên cưỡng vì Việt Trì còn có sông Phó Đáy, phụ lưu của sông Lô nên phải gọi là Ngã Tư Sông mới đúng. Thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam) và thành phố Lào Cai chỉ cách nhau dòng sông Nậm Thi, được nối bởi cầu Hồ Kiều dài 138m và rộng 14m, khánh thành ngày 8/1/2001. Cầu cũ hẹp hơn, làm bằng sắt, hoạt động từ ngày 29/3/1898, trước cả cầu Long Biên, Hà Nội.

Việt Nam – Trung Quốc có 1.406 km đường biên giới chung với hàng chục cửa khẩu nhưng chỉ có Lào Cai - Hà Khẩu là có thể nói chuyện xuyên quốc gia. Nhà bên này cãi nhau, nhà bên kia thính tai đều nghe rõ. Bên này làm gì, bên kia cũng thấy, nếu mắt tinh tường. Múi giờ cách nhau một tiếng, nên các hoạt động truyền thống như lễ - tết với nhiều điểm tương đồng, có thể tham gia cùng lúc cả hai bên. Đây là điểm nhấn đặc biệt mà không nơi nào ở Việt Nam có được.

Cầu Hồ kiều, nhìn từ Lào Cai, bên kia là Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh TL

Lên Lao Cai, tôi thường tha thẩn dọc ngã ba sông, ngắm bên này Lào Cai, bên kia Hà Khẩu. Thích nhất là vào mấy quán nhâm nhi cà phê, nghe hai dòng sông thầm thì kể chuyện và ríu rít đùa vui. Sông Hồng mùa này trong xanh tĩnh lặng, êm đềm như tiếng mẹ ru. Sông Nậm Thi ít xanh hơn nhưng cũng điệu đàng nắng sớm.

Cầu Hồ Kiều trước đây là bằng sắt, khai trương ngày 29/3/1898. Ảnh wikimapia.org

Cận tết, dòng người hối hả ngược xuôi, tất bật; chẳng biết ai là Việt, ai là Hoa. Ngoài hoa kiểng, trái cây, thịt cá, bao lì xì, đi chùa…; Tết Việt có thêm bánh chưng; người Hoa thêm tục đốt pháo. Trung Quốc cấm đốt pháo tại các thành phố lớn, còn vùng quê thì tha hồ.

Gần chục năm nay, việc cấm đốt pháo ở Việt Nam là nét văn hóa mới, tiết kiệm lại an toàn. Nhưng nhiều người ghiền màu đỏ, mê mùi thuốc pháo nên gần giao thừa là qua Hà Khẩu mua pháo đốt xả láng. Múi giờ Trung Quốc trước Việt Nam một tiếng, nên dân hai nước cùng được đón giao thừa của nhau.

Giao thừa Hà Khẩu thì trên trời rực rỡ pháo hoa, dưới đất đinh tai pháo trái. Thi nhau “đốt tiền”, càng nhiều càng tốt. Chỉ khổ người già và trẻ con, no tai vì tiếng nổ nhức óc, ngập phổi vì khói thuốc pháo và bụi đường. Giao thừa Lào Cai thì pháo hoa khoe sắc trên trời, người người trẩy hội xông đất, khoe sắc hái lộc, chúc xuân.

Người Việt, người Hoa đều có thói quen viếng đền, chùa đầu năm mới. Ở Lào Cai, khi giao thừa vừa sang là dòng người lũ lượt đổ về đền Thượng và đền Mẫu, bên cạnh dòng Nậm Thi, cầu quốc thái dân an, gia cang hạnh phúc, non sông vững bền. Đền Mẫu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII.

Đền thượng thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, xây dựng từ cuối thế kỷ XVII trên gò Mai Lĩnh, còn gọi là núi Hỏa Hiệu. Đây là vị trí chiến lược, dân quân nước Việt từng dùng lửa làm hiệu lệnh chống giặc. Tương truyền Đức Thánh Trần từng đến đây thị sát phòng tuyến chống quân Mông Cổ vào cuối thế kỷ XIII.

Ngã ba sông bình yên và xinh đẹp này từng chứng kiến bao cuộc chiến tranh giữ nước oai hùng, khốc liệt và bi tráng, chống lại những kẻ thù từ bên kia sông. Không phải tự nhiên mà cha ông mình lại xây đền Thượng, thờ Quốc công Tiết chế; biểu tượng cho ý chí vệ quốc ngay cửa ngõ biên giới. Để cháu con, cứ mỗi dịp xuân về là “Ôn cố tri tân”, cầu cho giang sơn xã tắc bền vững.

Đền Thượng Lào Cai. Ảnh TL.

40 năm trước, thành phố Lào Cai từng bị san bằng, đền Thượng bị phá hủy. “Sau bão giông là sóng yên, biển lặng”; thành phố và đền Thượng được xây dựng lại, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Người Việt nhắc lại chuyện xưa để đề cao cảnh giác, hành xử đúng mực và trân trọng hòa bình. Người Hoa cũng không ai thích đánh nhau, bởi “Chiến tranh đâu phải trò đùa”. Cuộc chiến nào thì nhân dân cũng lãnh đủ.

Gặp những người dân Hà Khẩu, họ ngại nhắc lại chuyện xưa. Ai cũng mong muốn hòa bình để yên ổn làm ăn. Xảy ra xung đột thì bên nào cũng thiệt và người dân đều khổ. Người Việt, người Hoa đều có niềm tin và ước mơ tương tự.

Lễ hội đền Thượng thờ Hưng Đạo đại vương ở Lào Cai tổ chức vào dịp đầu xuân thay vì tháng 8 là nét văn hóa độc đáo. Trong dòng người lũ lượt về dự, có nhiều người Hoa. Quốc Công là vị thần chung của vùng biên ải. Người xưa từng truyền tụng “Nếu dân tộc Việt Nam sinh ra ở phương Bắc, thì vó ngựa quân Mông Cổ không thể dẫm nát châu Âu. Nếu Trần Quốc Tuấn sinh vào đời Tống thì người Trung Quốc không bị quân Nguyên đô hộ cả trăm năm!”.

Chiều tối 30, tản bộ dọc sông Hồng hay sông Nậm Thi, hoặc ngồi trong quán, chứng kiến sự giao thoa trời đất giữa năm cũ - mới và suy gẫm chuyện đời, sẽ thấy cuộc đời này sao mà thú vị và đáng yêu như vậy. Sáng mồng Một xuất hành đi Sapa, ngồi cáp treo rồi vượt 600 bậc thang lên đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương; thả ước mơ về một năm mới AN VUI, luôn BIẾT & DÁM SỐNG TỐT VỚI ĐỜI.

Bình luận (0)

Lên đầu trang