“Đón lộc, cầu duyên” ở phiên chợ không nói thách, không mặc cả

Thứ Ba, 05/02/2019 19:56

|

(CAO) “Đầu năm đón lộc, cầu duyên. Trầu cau anh gánh đi phiên chợ Gò". Đó là câu ca dao quen thuộc trong tâm trí của người dân tỉnh Bình Định mỗi khi Tết đến, xuân về.

Hội chợ Gò – Trường Úc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định) là phiên chợ chỉ họp một lần duy nhất vào sáng mùng 1 Tết mỗi năm.

Người dân tới đây để mua các mặt hàng tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc như trầu cau, đu đủ, quả sung… điều đặc biệt là người bán và người mua không nói thách cũng như không mặc cả. Điều cốt yếu của việc có mặt ở phiên chợ độc đáo này là để du xuân, gặp gỡ đầu năm, cầu lành chúc phúc cho nhau.

Từ khi trời còn chưa sáng hẳn, cô gái trẻ Trần Thị Phúc (20 tuổi, xã Phước An, huyện Tuy Phước) đã mang ra chợ một nong trầu cau để bán. Theo thông lệ, ai cũng có thể tới chợ Gò để bán trầu cau, nông sản, cứ tới trước thì “lấy chỗ” trước, nên người bán thường phải đi từ nửa đêm.

Đây là năm thứ 2, cô gái này bán trầu cau ở chợ Gò, Phúc vui vẻ cho biết: “Cứ 6 lá trầu, 1 quả cau và 1 gói vôi em bán với giá 10 ngàn đồng, kèm theo lời chúc năm mới sung túc, bình yên, an khang thịnh vượng cho khách. Nếu bán hết chỗ trầu cau này trong sáng nay, em sẽ có thêm vài ba trăm ngàn để chi tiêu, mua sắm Tết”.

Cô gái Trần Thị Phúc (trái) tươi cười bán trầu câu cho khách

Tuy không nói thách, không mặc cả nhưng việc mua bán rất tấp nập, vui vẻ. Các “đặc sản cầu may” được bày bán ở lễ hội chợ Gò chủ yếu là các mặt hàng “cây nhà lá vườn”, đậm tính chân chất, mộc mạc của người dân nơi đây, với mức giá chỉ khoảng 5, 10 ngàn đồng.

Ngoài trầu cau là mặt hàng truyền thống, thì các loại rau, trái có tên mang ý nghĩa sung túc, no ấm, may mắn đều được người dân vui vẻ mua bán. Nhiều mặt hàng có ý nghĩa ngộ nghĩnh, vui vẻ như: mua rau muống là “muốn” gì được nấy, mua đu đủ thì “đủ” ăn tiêu, mua mãng cầu là “cầu cho sung mãn”, mua sung là “sung túc”… Chính vì vậy, mỗi người đi chợ đều gửi gắm những mong ước riêng của mình trong năm mới.

Năm nay chị Nguyễn Trần Nguyên Ly (30 tuổi, sống tại TP.HCM) lần đầu tiên về quê chồng ăn Tết, sáng mùng 1 Tết, chị Ly cùng mẹ chồng đi lễ hội chợ Gò du xuân. Nguyên Ly rất vui vì qua lễ hội này, có thể hiểu thêm nhiều hơn về văn hóa, phong tục, con người Bình Định.

Chị Ly cho biết: “Mình và mẹ chồng đã mua khá nhiều các sản vật cầu may ở chợ, năm nay là năm Heo Vàng, mình và cả gia đình đang mong ước có một em bé. Hy vọng lễ hội chợ Gò sẽ mang may mắn về với gia đình mình”.

Còn em Đỗ Thị Tứ Phi (20 tuổi, quê Quy Nhơn, sinh viên năm 2 Trường Đại học Luật TP.HCM) thì đến chợ Gò với mục đích tìm về bản sắc văn hóa của quê hương Bình Định. Khi tới đây, Phi cảm nhận được một phần của chính mình, một người con “xứ Nẫu”.

“Em mong muốn tất cả các bạn trẻ hãy cùng tham gia và cảm nhận các lễ hội đặc sắc của cha ông, của quê nhà để tô đậm hơn tình yêu và lý tưởng của mình. Tới lễ hội chợ Gò, em chúc cho gia đình cùng tất cả mọi người sẽ có một năm mới an lành, sung túc.” - Phi chia sẻ.

Tương truyền từ hàng trăm năm trước, chính vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã cho mở phiên chợ Gò đầu tiên. Khu vực chợ Gò – Trường Úc năm xưa là nơi nhà Tây Sơn đóng quân để bảo vệ đầm Thị Nại, cửa biển Quy Nhơn, cảm thương nỗi lòng những người lính ăn Tết xa nhà, vua Quang Trung đã cho mở phiên chợ này vào dịp năm mới.

Đây là dịp để bà con du xuân, buôn bán, giao lưu văn hóa, đồng thời cũng để gia đình, vợ con có dịp đi thăm những người lính đang đóng quân ở đây. Cứ thế, hội chợ Gò đã tồn tại qua hàng trăm năm nay, hiện được ghi danh vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” (do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn).

Ngày nay, khách đến với hội chợ Gò không chỉ để mua sắm cầu may, mà còn để hòa mình vào một lễ hội văn hóa đặc sắc, đậm chất con người Bình Định. Hương vị Tết cổ truyền được tái hiện rõ nét, sinh động, từ hội thi dựng cây Nêu, hội đánh Bài Chòi, trình diễn Bả Trạo, múa võ cổ truyền, đến các gian hàng tò he, con vật đất nung… Gần đây, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Bình Định ngày càng quan tâm, tổ chức lễ hội chợ Gò bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tuy Phước cho biết: Trong năm 2018, UBND huyện Tuy Phước đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, lập hồ sơ khoa khọc để trình Bộ Văn hóa xếp hạng lễ hội chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nếu được thì sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp chúng tôi tuyên truyền, quảng bá, phát triển lễ hội, qua đó phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng nội dung, cơ sở vật chất, để khôi phục lại lễ hội dân gian đúng bản sắc, phong phú hơn.

Hàng ngàn khách du Xuân mọi lứa tuổi, mọi vùng miền đến với lễ hội chợ Gò trong chuyến xuất hành đầu năm mới đầy cảm xúc. Những ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay chúc tụng nồng nhiệt khởi đầu một năm mới yên bình, ấm no, hạnh phúc với mọi người dân nơi đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang