Năm Hợi tản mạn chuyện con heo đất

Thứ Hai, 04/02/2019 15:12

|

(CATP) Dẫu chẳng còn ở tuổi ô mai và tuổi tác mỗi năm một tăng theo quy luật tự nhiên, nhưng tôi - cô gái tuổi Hợi chuẩn bị bước qua 36 cái xuân xanh vẫn giữ nguyên sự mê mẩn những con heo đất đến kỳ lạ.

Từ những con heo đất rẻ tiền với đủ màu sắc sặc sỡ hay các sản phẩm được gia công sắc sảo, tôi đều thích hết. Có lúc ước gì tôi có thể mua được tất cả chỉ để về ngắm và bỏ tiền tiết kiệm. Điều đáng nói là heo đất - ký ức tuổi thơ của biết bao người còn là nơi khơi nguồn của rất nhiều câu chuyện nhân văn giữa đời thường.

Lúc tôi còn nhỏ, dẫu không phải đói ăn, đói mặc nhưng đám trẻ tụi tôi làm gì có tiền để nuôi heo đất. Thời ấy chỉ là những con heo làm bằng đất sét nung duy nhất màu gạch, nhưng khát khao được sở hữu nó vẫn là giấc mơ vỗ về lúc đêm về của tôi.

Lớn thêm chút nữa, tôi lại say sưa ngắm nhìn những con heo đất ú nu với đủ gam màu cam, đỏ, vàng… bán tại các tiệm tạp hóa trong khu tập thể hay mỗi lần được mẹ dẫn đi chợ và cảm giác được mẹ mua cho con heo đất đầu tiên đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Những tờ tiền 200 đồng, cao nhất cũng chỉ là 500 đồng được nhét vào đó bằng tất cả sự phấn khích của một đứa trẻ và niềm vui ấy cứ nhân lên mỗi ngày.

Hai con heo đất của tác giả

Đến Tết, bụng heo cũng đầy, tôi hân hoan chờ đợi phút giây đập heo đất để đếm tiền phụ mẹ sắm đồ. Nhưng lạ thay, vào thời khắc ấy, trong tôi vẫn len lỏi cảm giác ngậm ngùi, tiếc nuối khi phải đập vỡ chú heo từng gắn bó với mình, “vừa cười vừa khóc” mỗi lần phải “xử” một con heo đất. Những đồng tiền lẻ “túa” ra trên nền nhà chứa đựng cả một tuổi thơ vụng dại, đầy mơ ước.

Khi được học về văn hóa, tôi lại hiểu thêm heo là loài vật gắn bó lâu đời và gần gũi với con người. Tùy vào cách gọi phương ngữ mà heo còn có tên khác là lợn, ỉn, hợi. Theo văn hóa phương Đông, Hợi đứng hàng cuối cùng trong 12 con giáp và cũng xếp chót trong lục súc.

Vì con lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục và sự nhàn nhã, sung túc nên dân gian thường truyền miệng những ai tuổi Hợi thường có số sướng, số hưởng. Ăn ngon, ngủ ngon, người ta cũng ví von vui miệng “giống con lợn”.

Ngoài ra, con heo với cái bụng căng tròn còn được xem là một biểu tượng về tài chính, nên có thể vì lẽ đó mà lại xuất hiện hình tượng con heo đất giữa đời thường. Điều này đã phần nào giải đáp những thắc mắc ngô nghê hình thành trong tôi khi là học sinh tiểu học: Tại sao lại là heo đất mà không phải chó đất, gà đất hay ngựa đất...?

Những con heo đất được nuôi để làm từ thiện

Theo tìm hiểu của tôi, từ thời Trung cổ con người đã phát minh ra hũ cất tiền được gọi là “pygg” hoặc “big jar”. “Con heo đất” đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đầu tiên được chế tạo ở miền Đông Java vào khoảng thế kỷ 14. Nó được làm từ đất nung, có hình dạng như con heo với một khe nhỏ giữa lưng.

Chẳng biết thực hư thế nào, cũng không biết con heo đất đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào thời gian nào, ở đâu, chỉ biết đó là một vật dụng gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Điều đáng nói là không chỉ những đứa trẻ mới thích “nuôi” heo đất, mà người lớn cũng xem đó là nơi để gởi tiền tiết kiệm an toàn phòng khi cần. Vì thế, hình ảnh con heo đất đã trở nên gần gũi với nhiều gia đình.

Thời buổi công nghệ hiện đại, mặc dù trên thị trường hiện có vô số mẫu mã heo đất để lựa chọn, tùy sở thích và túi tiền mỗi người, nhưng tôi vẫn không thể quên những con heo làm bằng đất nung được bày bán tại các chợ và tiệm tạp hóa ở các vùng xa, bởi mỗi món đồ đều chứa đựng vẻ đẹp cùng giá trị riêng không thể trộn lẫn và so sánh được.

Hơn thế nữa, đó chính là những cảm xúc đầu tiên đọng lại, cho dù không gian, thời gian có thay đổi như thế nào thì nó vẫn mãi ghi dấu. Vì thế, cảm giác lần đầu được ôm heo đất đến giờ với tôi vẫn là ký ức khó phai mờ.

Rồi định mệnh sắp đặt, con bé có sở thích ngắm nhìn và nuôi heo đất ngày ấy đã trở thành phóng viên Báo Công an TP.HCM. Trong khoảng thời gian làm việc bằng tất cả niềm đam mê với nghề, tôi lại được nghe kể những câu chuyện rất xúc động về con heo đất.

Đã có nhiều bạn nhỏ nuôi heo đất bằng tất cả số tiền tiết kiệm của mình, mỗi lần được ba mẹ cho tiền ăn sáng, tiêu vặt hoặc được lì xì mỗi dịp xuân về, các bạn lại nhét vào đó, để rồi một ngày đẹp trời, họ nằng nặc đòi ba mẹ dẫn đến tòa soạn, tay ôm chặt con heo đất để gửi đến những mảnh đời bất hạnh đang cần giúp đỡ. Chứng kiến cảnh trao heo đất - gửi tình thương ấy, ai nấy đều cảm thấy ấm áp vô cùng.

Heo đất chứa đựng những ký ức tuổi thơ (ảnh minh họa)

Trong số này, các bé Nguyễn Thiên Như Quỳnh, Nguyễn Thiên Tâm Như, Nguyễn Trí Anh - cháu của bà Nguyễn Thị Đức (ngụ Q.Thủ Đức, vừa mất cách đây không lâu) đã trở thành những Mạnh thường quân thân thiết của Báo CATP khi đã đóng góp rất nhiều tiền (trong đó có những con heo đất tiết kiệm) để hỗ trợ Quỹ xã hội - từ thiện của Báo CATP xây nhà tình thương, xây cầu cho bà con nghèo…

Ngoài ra còn có những gương mặt thân quen khác, mỗi năm họ đều đặn nuôi heo đất và dành trọn số tiền trong đó trao gởi cho những hoàn cảnh khó khăn.

Có lần tôi được tiếp xúc với Trung tá Nguyễn Văn Tài - Trưởng công an P.Tam Bình, Q.Thủ Đức về những hoạt động có liên quan đến công tác từ thiện “Nồi cháo nghĩa tình” và được đồng chí kể một câu chuyện rất xúc động.

Nghe tin P.Tam Bình triển khai nồi cháo từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Q.Thủ Đức, một bà lão nghèo ở quận 3 đã đón xe ôm mang theo con heo đất đến thẳng trụ sở Công an phường gặp và trao cho anh, nhờ sử dụng số tiền bên trong để phụ nấu cháo.

Đập heo, khóe mắt anh cay cay khi nhìn thấy 300.000 đồng được góp nhặt từ những đồng tiền lẻ do cụ chắt chiu nhét vào đó. Nụ cười hiền lành trên gương mặt nhăn nheo của bà cụ còn khiến đồng chí Tài nhớ mãi khi cụ kể: Ở nhà cụ còn một con heo đất giống vậy để dành tặng bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu.

Bạn đọc của Báo CATP đập heo để chia sẻ, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh

Chẳng biết phong trào “Nuôi heo đất” làm từ thiện bắt đầu từ đâu và tự bao giờ, nhưng nhiều câu chuyện ý nghĩa từ con heo đất đã được dệt lên giữa cuộc sống đầy bộn bề, lo toan này. Người người nuôi heo, hội hội nuôi heo, rồi cùng gom về một mối đó là làm từ thiện, chia sẻ khó khăn cho biết bao trường hợp bất hạnh hay trao những phần quà, xây nhà tình nghĩa, tình thương hoặc những chiếc cầu nối nhịp bờ vui…

Từ khoản tiền tiết kiệm của việc nuôi heo đất đã góp phần giúp nỗi buồn vơi đi, niềm vui được nhân lên gấp bội, tình người lan tỏa nơi nơi.

Một mùa xuân nữa lại về, năm Hợi gợi lên những dòng cảm xúc về con heo đất của người cầm bút. Dù tôi biết rằng cho dù xuân năm nào thì những câu chuyện ý nghĩa về con heo đất cũng sẽ mang đến cho đời những vị ngọt của yêu thương và chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang