(CAO) Dù nông thôn hay thành thị, chợ bệt luôn có chung một điểm: nơi hội tụ của những người nghèo khó. Chợ bệt ngày Tết cũng thế, không sạp, không kệ, chỉ có tấm bạt trải trên vỉa hè, người mua kẻ bán cũng nghĩa tình đến lạ.
Quê tôi những ngày giáp Tết người ta siêng đi chợ. Nhiều người ra chợ không phải chỉ để mua mà còn để ngắm nhìn. Tôi cũng không ngoại lệ. Xa quê nhiều năm, tôi trở về thăm quê thường là vào dịp Tết và vẫn có thói quen dạo chợ bệt.
Đủ loại hàng là sản vật vùng quê ngày Tết ở chợ bệt
Mặt trời chưa lên chợ đã rộn. Mỗi người một mặt hàng, một góc nhỏ hai bên đường bày biện hàng hoá. Bó rau, buồng chuối, rổ trái sung, bó lá trầu, vài nhành cau, bó lá dong, lá chuối... tất cả đều của nhà trồng.
Chợ bệt ở quê những ngày cuối năm nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Đó không chỉ là nơi người dân mua sắm Tết, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ. Đến với chợ quê xứ Nghệ, là đến với tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình.
Dù tất cả là người trong làng nhưng ra chợ họ vẫn cảm thấy như lâu ngày chưa gặp: "Anh sắm Tết chi rồi? Gói bánh chưa? Thịt lợn mua năm ni mấy cân?"... gặp nhau là hỏi nhau! Ai đi qua nhau cũng nán lại vài giây trò chuyện đôi lời. Đó là cái nét tình người vốn dĩ là "đặc sản" các vùng quê.
"Ông mua được chi rồi?"
Tôi rảo qua khu bán hoa cúng Tết. Đa số là cúc vàng và vạn thọ. "Chú mua hoa đi chú?". Giọng một cô bé tầm 13 tuổi cất lên mời. Góc bày hoa của cô bé này nằm trong kẹt cùng của con hẻm quê. Vị trí mà dân kinh doanh thường bảo là "góc chết" vì vắng người qua lại.
Mua cho cô bé bó hoa rồi gợi chuyện, cô bé cho biết nhà có 4 anh chị em, bé là chị cả. Dịp Tết em phải phụ mẹ bán buôn kiếm tiền sắm Tết. "Cháu bán từ 23 Tết tới chừ, đến tối 30 cháu mới nghỉ. Tết bán cũng được, cũng đủ tiền mua cho em cháu mỗi đứa bộ đồ mới".
Đang trò chuyện với tôi thì một chiếc xe hơi đời mới đỗ vào hỏi mua hoa. Cô gái dáng thành thị tầm trên dưới 20 cầm bó hoa lên rồi trả giá. "Mấy đây? Ba chục hả, đắt quá, bớt tau mới mua". Cô bé trả lời: "Hai bảy nha chị!". "Không! Hai lăm". Cô gái "quý tộc" dứt khoát. Bé bán hoa lắc đầu. Cô gái kháy mắt, nhăn mặt bỏ đi ra chiều bực bội. "Bán rứa cháu lỗ chú à, hoa lời không mấy cả mà nó hao lắm. Bán không kịp hư là chỉ đem bỏ thôi".
Cô bé bán hoa ở góc chợ bệt
Có chút gì cay cay ở sống mũi tôi. "Tết Tết đến đến rồi, tTt đến trong tim mọi người". Tiếng nhạc ở quán cà phê gần đó vang lên sao nghe nặng đến lạ. Với cô bé bán hoa, có lẽ Tết chỉ đến khi bán hết số hoa đã lấy trong ngày.