Anh giải thích, ban đầu miền quê này có tên Việt là “Điểm 5 kinh tế mới”, đọc gọn là Điểm 5, sau đó đổi thành tên Mỹ Phú là rút gọn của người dân đi kinh tế mới từ hai miền quê: Phù Mỹ (Bình Định) và Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).
Theo lời anh, khi thành lập huyện mới, từ Mỹ Phú được đổi thành Ia Blang. Không ai hiểu vì sao có tên đó. Nghe kể lại, ngay cả người J’Rai sống ở đây hàng trăm năm trước chỉ biết Ia là nước, còn Blang là gì, chẳng ai hiểu. Vậy mà thành tên mới lạ!
Nhớ lại thời còn học chung lớp ở Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Tôi tốt nghiệp phổ thông thì may mắn thi đậu vào trường đại học. Còn anh đã là giáo viên đi dạy 10 năm trước khi mon men vào cổng trường đại học, “để coi thử đại học sẽ học cái gì ở đó?”.
Tôi nghe anh kể về ngôi làng trên miền Cao nguyên như cách gọi của anh. Không biết thực hư mà anh nói rồi cười: “Mình là người J’Rai”. Tôi tin, vì nhìn một người mặt đen, râu ria xồm xoàm, ăn nói bặm trợn, chẳng ra vẻ giống thầy giáo, ít nhất là thầy giáo ở miệt miền Tây sông nước quê tôi…
Trên chiếc xe máy cũ kỹ mượn của cậu em, anh chở tôi xuống làng, “coi cho biết người J’Rai khác gì người Kinh?”. Quê anh chỉ có cái gọi là rẫy. Men theo con đường nhỏ xíu, gập ghềnh giữa những đám rẫy chừng 10 phút là tới làng, anh gọi nó là làng Koái. Viết là vậy, còn đọc là “làng Quái”.
Anh nói: “Đây là làng của người J’Rai”. Tôi ngại ngùng khi thấy mấy cô độ 30 tuổi mà cứ để ngực “trơ trơ, thông thống”. Anh lại cười rồi giải thích: “Họ quen vậy rồi! Từ khi có người Kinh lên đây, họ còn biết lấy áo hoặc tấm vải để che. Còn ở làng, cứ vậy… cho mát.
Với họ, “tốt khoe, xấu che”. Cái gì tốt thì khoe. Vậy mà ai đụng đến, nếu cô gái ấy chưa chồng thì sẽ… “bắt cái chồng” người đó. Còn nếu là gái đã có chồng, bắt phạt con heo, có khi là con bò. Nói vậy thôi, ở đây từ năm 1976 tới giờ, chưa nghe ai bị phạt vì vụ này”.
Đang nghe anh huyên thuyên về chuyện ngực trần của các cô gái J’Rai thì bỗng có tiếng sột soạt trong bụi cây ven đường, rồi một con vật lớn và 5 - 6 con vật nhỏ băng qua đường nơi tôi đang đứng. Tôi hét lên… Anh lại cười: “Đó là con heo thượng hay còn gọi là heo làng để phân biệt với heo của người Kinh nuôi. Nó đi ăn cả ngày, giờ cả bầy tìm về nhà”.
Trời, chưa bao giờ tôi trông thấy con heo có hình thù như vậy! Định thần lại, tôi nhìn kỹ những con vật đen thui, đen thủi đang thủng thỉnh bước. Heo mẹ to chừng con chó, còn mấy con heo con chỉ nhỉnh hơn con chuột ở miền Tây Nam bộ.
Con heo miền Cao nguyên thật lạ, miệng dài xộc, chân ngắn cũn. Cái bụng của con heo mẹ thõng sát đất. Lưng con nào cũng bê bết đất, dơ hầy. “Chắc cả đời không tắm”- tôi nghĩ vậy.
Như lời anh kể, người cao nguyên bản xứ nuôi heo lạ lắm! Heo làng mấy khi được cho ăn, vì làm gì có thức ăn công nghiệp như của người Kinh. Chúng cứ sống đời sống hoang dã như heo rừng, có gì ăn đó. Mùa mưa thì có bắp, cứ ủi cả cây rồi cạp trái bắp ăn. Mùa khô ở Cao nguyên cũng là lúc khoai mì đã có củ, cứ ủi mỏ mà tìm củ sống qua ngày. Mùa nắng thì chui vào rừng lá thấp. Mùa mưa thì chui dưới sàn. Vậy mà chẳng bệnh tật gì. Cứ sinh sôi nảy nở theo kiểu quần hôn.
Nghe nói thỉnh thoảng có lúc sinh ra mấy chú heo con “sọc dưa”, nghi là lai với heo rừng. “Ngó dơ vậy đó, nhưng thịt heo làng còn ngon hơn cả heo rừng. Không quá khô, quá dai, có chút mỡ và mềm hơn heo rừng, phải ăn vài lần mới thấy ngon. Để nói mấy đứa nhỏ đi tìm để ăn cho biết”.
Tôi nghĩ mình là người may mắn, lần đầu tiên được ăn heo làng. Như lời anh nói, chịu khó chà rửa một chút cũng thấy tàm tạm. Mấy anh em lụi cụi đốt lửa thui. Da cũng nổi màu vàng vàng, nhìn thấy dễ chịu, da mỏng dính. Thịt cũng chẳng khá hơn. Con heo làm xong chừng mươi ký, nhưng chỉ lấy được vài ký thịt và da, còn lại là xương.
“Không nên tẩm ướp như ở phố. Cứ xiên vào que mà nướng rồi chấm muối ớt”. Nói đến đó, anh hít hà… Người anh rể ở nhà anh có biệt tài làm muối. Ớt xanh hái ở rẫy. Riềng cũng đào ở rẫy. Muối hột giã vừa vừa, thêm vài lần nặn chanh, vậy là có đồ chấm.
Trời vừa lặn sau dãy núi dài mà anh gọi đó là dãy Trường Sơn, cũng là lúc bắt đầu nướng thịt. Gió bắt đầu thổi, sương xuống. Trời trở lạnh. Đại gia đình anh ngồi xung quanh bếp lửa. Giữ ý tứ, tôi ngồi lùi ra, lạnh xuyên lưng phải xích lại gần.
Mùi thơm quái quỷ của miếng thịt heo đang xèo xèo trên bếp lửa. Muối mặn mặn, chua chua, cay nồng của loài ớt rừng. Tôi ăn ngon lành vì vốn ghiền những món nướng. Miếng thịt heo làng đầu tiên trong cuộc đời. Lạ lùng lắm, khác xa với món nướng ở phố thị Sài Gòn. Rồi đến món thịt luộc cũng chấm với muối. Có chút hoi hoi, nhưng quả thật là thịt heo… bìa rừng!
Từ đó đến nay đã hơn 20 năm rồi, nhưng năm nào anh cũng gởi những món đặc sản từ miền quê Cao nguyên đó, không bao giờ thiếu món heo làng. Anh dặn: “Người J’Rai bây giờ đã biết mua cám tổng hợp rồi, nên khó tìm miếng thịt heo ngày xưa. Khi nào về, nhớ báo trước, sẽ săn tìm con heo mùi làng chánh hiệu”.
Rồi có lần nghe anh kể về “dự án” nuôi heo dưới gốc cà phê già: heo ăn trái cà phê, rau lang, củ khoai mì sống… để làm ra miếng thịt heo “sạch” bán cho dân Sài Gòn! Anh sẽ phục dựng lại cái tên tưởng chừng đã quên trong ký ức của chính người dân quê anh để làm thương hiệu: Heo Làng!
Sài Gòn, ngày cuối năm 2018