Đồng bằng sông Cửu Long: Lo rừng cháy, hồ trơ đáy

Thứ Sáu, 26/04/2019 13:03  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Trong cao điểm nắng nóng, có lúc nhiệt độ lên đến gần 40 độ C khiến cho hàng chục ngàn héc-ta rừng tại các tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu… đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Do đó, việc triển khai các biện pháp phòng chống cháy (PCCC) rừng là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Trong khi đó những hồ nước thủy lợi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chống biến đổi khí hậu, chữa cháy lại cạn trơ đáy, trở thành “công trường” khai thác cát.

NGÀY ĐÊM BẢO VỆ “LÁ PHỔI XANH”

Theo ghi nhận của PV Báo Công an TPHCM tại núi Dài (thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang) những đám cỏ dưới tán rừng đã chuyển sang màu vàng khô.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có gần 17.000 héc-ta rừng và đất lâm nghiệp.

Một cánh rừng ở An Giang có nguy cơ cháy rất cao.

Tính đến tháng 3-2019, có hơn 7.300 héc-ta rừng bị khô hạn trầm trọng, nguy cơ cháy cấp 5. Lực lượng chức năng đã thực hiện việc phát dọn, xây dựng đường băng cản lửa chống cháy lan tại các khu vực trọng điểm thuộc núi Cấm, Phú Cường (Tịnh Biên), núi Sam (TP.Châu Đốc).

Ngoài ra, cũng đề xuất bổ sung kinh phí 1,4 tỷ đồng phục vụ công tác PCCC rừng cũng như trang bị 4 xe tải, 65 xuồng máy, 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 11.000 thùng chứa nước sẵn sàng dập lửa khi có sự cố.

Ông Lý Vĩnh Định - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn cho biết: “Do địa bàn rộng cũng như ở đồng bằng và đồi núi nên việc bảo vệ hết sức gian nan. Thời điểm này nhiệt độ tăng cao và dự báo rừng ở đồng bằng nguy hiểm hơn rừng ở đồi núi do mực nước ngầm xuống thấp. Ngoài việc canh giữ nghiêm ngặt lực lượng kiểm lâm còn quản lý chặt không để người lạ mặt tự ý vào rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy”.

Lực lượng chức năng An Giang kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Tại tỉnh Cà Mau, hơn 45.000 héc-ta rừng tràm khô kiệt từng ngày nên nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó cảnh báo cháy cấp nguy hiểm là trên 15.000 héc-ta và cấp cực kỳ nguy hiểm gần 19.000 héc-ta, tập trung tại liên tiểu khu U Minh 1, sông Trẹm, Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh Hạ cho biết, đã phân công lực lượng trực xuyên suốt và theo dõi sát biễn biến thời tiết. Bên cạnh đó, chủ động đắp đập giữ nước, tiến hành các tuyến lưu thông đường bộ và thủy thuận lợi. Đặc biệt nghiêm cấp hầm than, đốt cây cỏ trên đất sản xuất trong và ven rừng suốt mùa khô.

Dù cái nắng gay gắt nhưng nhiều cán bộ thuộc Vườn chim Bạc Liêu (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vẫn đứng trên chòi dõi mắt quan sát toàn bộ khu rừng. Ông Lê Chí Linh – Phó giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng vườn chim Bạc Liêu cho biết: “Đầu mùa khô tiến hành thu gom các vật liệu dễ cháy để xử lý nhằm giảm bớt nguồn gây cháy.

Hiện đang giữ nước ở hệ thống kênh mương nhằm tạo đổ ẩm cho khu rừng, tăng cường công tác tuyên truyền đối với cư dân sống xung quanh cũng như khách tham quan. Đối với khu vực quản lý bố trí mỗi ca trực gồm 12 người, các thành viên chia nhau canh lửa ở 3 tháp cũng như kết hợp tuần tra bất kể ngày đêm”.

Bảo vệ Vườn chim Bạc Liêu túc trực đài quan sát dưới cái nắng nóng.

Tại Đồng Tháp, việc một số cơn mưa xuất hiện trái mùa tạo nên mối lo ngại về trái rừng, vì khi nắng nóng trở lại hơi nước sẽ bốc nhanh, lá ủ, tạp chất ở các chân rừng sẽ trở thành vật liệu cháy rất nhanh.

Theo ông Bùi Văn Son – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp, ba khu vực có khả năng cháy lớn và lan nhanh mức cấp 5 là rừng phòng hộ biên giới, cặp kênh Hội Kỳ Nhất và rừng tràm phía sau Khu quản lý di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

HỒ TÍCH NƯỚC BIẾN THÀNH “CÔNG TRƯỜNG”

Huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) vào mùa mưa nguồn nước tự nhiên dồi dào, không sử dụng hết nhưng đến mùa khô lại thiếu nước trầm trọng. Do vậy, ngành chức năng đã xây dựng hệ thống hồ chứa nước lớn cặp theo chân núi Dài, Cô Tô, Cấm...

Mục đích chính của các hồ là chống biến đổi khí hậu, phục vụ việc sản xuất, phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân vùng Bảy Núi. Thế nhưng đến nay theo đánh giá vùng đất này vẫn đang “khát nước”, chưa phát huy được hiệu quả vốn có.

Hiện mực nước ở hồ Soài Check còn rất ít.

Hồ Soài Check (xã Núi Tô) là 1 trong 3 hồ của huyện Tri Tôn do Sở NN-PTNT An Giang làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi cấp IV, có diện tích 50,9 ha, tổng mức đầu tư trên 119 tỷ đồng. Với mục đích nêu trên nhưng đến nay hồ dần trơ đáy khiến cho người dân rất bức xúc.

Ông Chau Tum (40 tuổi) cho biết: “Dù gần hồ nhưng ruộng đất của bà con chủ yếu bỏ hoang chờ trời mưa vì thiếu nước. Việc múc cát trong hồ diễn ra mấy tháng nay”.

Hồ Soài Check trở thành "công trường" khai thác cát.

Theo quan sát dọc 2 bên đường nhựa gần hồ có nhiều chiếc ao để phục vụ công tác PCCC rừng nhưng cũng cạn khô. Tiến vào trong là cảnh từng đoàn xe tải chở cát chạy dập dìu, khói bụi bay mù mịt. Đứng ở đường dẫn nhìn vào sẽ thấy lòng hồ cạn khô, nhiều máy kô-be đang đào xúc cát cho lên xe tải.

Cách hồ Soài Check khoảng cây số là hồ Soài So. Hồ này được xây dựng và tích trữ nước từ nguồn nước của con suối Vàng trên đỉnh đồi núi Cô Tô, cao khoảng 614m so với mực nước biển. Nơi đây nước chảy quanh năm, lưu lượng vô cùng dồi dào, nhất là mùa mưa. Thế nhưng đến nay việc quản lý hồ chưa được chặt chẽ, kém hiệu quả.

Cống hồ Soài Check cạn khô từ rất lâu.

Theo quan sát, lượng nước trong hồ còn nhiều nhưng khá thấp hơn so với mọi năm. Các đường dẫn nước cỏ mọc um tùm và cạn khô từ rất lâu kèm theo đó là xuống cấp.

Hồ Ô Thum lượng nước ở mức thấp.

Tương tự hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) là hồ ngăn nước dưới chân núi Cô Tô. Từ ngày thấy công trình được khánh thành nhiều người dân địa phương tỏ ra vui mừng. Thế nhưng nhiều mùa khô đến ruộng đất người dân cũng trong cảnh bỏ hoang, nhất là thời điểm hiện tại.

Người dân sử dụng máy xăng để bơm lấy nước từ hồ Ô Thum.

Đau xót hơn nó giờ đã trở thành "công trường" phục vụ cho việc khai thác cát. Một nông dân có 3 công ruộng gần đó cho biết: “Nông dân canh tác ruộng trên hầu như đều lệ thuộc vào trời mưa. Hạn hán kéo dài làm cho mùa màng thất bát do đất khô cằn.

Chúng tôi nghĩ hồ Ô Thum có trữ lượng nước rất lớn nông dân có thể tận dụng trồng lúa, hoa màu vào mùa khô, vậy mà đến nay vẫn thất nghiệp. Việc canh tác không được nhưng với tình trạng hồ khô cạn và xả ra lấy nước thì khi xảy ra cháy rừng lấy gì chữa”.

Các phương tiện khai thác cát rầm rộ tại hồ Ô Thum.

Ông Lương Huy Khanh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh An Giang cho biết: “Toàn tỉnh có 12 hồ thủy lợi, trong đó có 5 hồ lớn như: Thanh Long, Ô Tức Sa, Ô Thum, Soài Check, Ô Tà Sóc. Hiện tại đã vào mùa khô nên lượng nước trong các hồ có thấp hơn nhưng vẫn ở mức trung bình. Hiện hồ Soài Check và Ô Thum đang được cải tạo để nâng dung tích nhằm phục vụ sản xuất”.

Theo lời ông Khanh, năm nay mùa khô theo dự báo nhiệt độ bình quân cao hơn từ 0,5 – 1 độ C và kéo dài. Đối với hệ thống kênh, mương mực nước thấp hơn từ 10 – 20cm nên việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.

CHỐNG CHỌI VỚI "CƠN KHÁT"

Bước vào mùa khô tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân ở vùng Bảy Núi diễn ra khá trầm trọng. Do vậy ngoài việc lấy nước từ các “giếng trời” người dân còn xây dựng các bồn chứa để chống chọi với cơn khát.

Ông Trương Hoàng Oanh (58 tuổi, ngụ ấp Ba Xoài, xã An Cư, huyện Tịnh Biên) kể, thấy cuộc sống khó khăn, gia đình chuyển từ thị trấn Chi Lăng về cạnh chân núi Cấm khai khẩn đất hoang lập vườn trồng củ sắn, cây ăn trái.

Để có nước sinh hoạt hàng ngày cũng như phục vụ việc sản xuất ông phải cất công đi tìm mạch nước. Sau nhiều ngày thăm dò, ông phát hiện được dòng nước ngầm mát lạnh, nên rủ một số người thân lên cùng khai thác, lập nghiệp.

Ông Oanh đang bơm nước vào bồn để trữ cho người dân sử dụng.

Cuộc sống tạm ổn, thấy việc hàng ngày người dân đi gánh nước giếng hàng cây số, khổ nhất là mua khô. Vì vậy, cách nay 5 năm, ông Oanh tiến hành xây dựng 2 cái bồn làm trạm chứa trữ nước. Cứ mỗi lần hết nước người dân gọi điện là ông Oanh gắn ống dẫn nước về kiệu, thùng phuy cho họ.

Nhờ ông Oanh mà vườn xoài 5 công có đủ nước tưới và phun xịt, ông Trần Hoàng Phước cho biết: “Ban đầu, gia đình phải ra những chiếc giếng cách nhà cả chục cây số để lấy nước sử dụng. Làm về mệt cỡ nào cũng phải đi chở nước, còn nay chỉ cần alo anh Ba là xong”.

Ông Trần Lý Cống, Phó ấp Ba Xoài cho biết: “Ấp có 710 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn một nửa. Nhờ chú Ba Oanh trữ nước mà hơn 30 hộ dân đỡ phần vất vả, nhất là vào mùa khô hạn”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Biến đổi khí hậu đang diễn ra ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất ở ĐBSCL, biểu hiện thông qua sự thay đổi về nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài trong mùa khô, mưa trái mùa, nước biển dâng và những sự kiện cực đoan. Thời tiết đang nắng nóng gay gắt chính là hiện tượng của El Nino.

Ông Nguyễn Thế Hanh – Phó giám đốc VQG Tràm Chim (Đồng Tháp): Đơn vị đã tiến hành nạo vét các tuyến kênh, ao, khu vực vùng đệm, thực hiện việc điều tiết nước để hạn chế cháy và đảm bảo phục vụ công tác dập lửa. Bên cạnh đó, triển khai phương trâm 4 tại chỗ và túc trực 24/24 tại 21 trạm, 1 lều trại và 7 đài quan sát. Ngoài ra còn lắp đặt 8 camera quan sát, 1 flycam và 2 camera hành trình để tăng cường cho hoạt động tuần tra và bảo vệ rừng.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang