Gỗ “khủng” bị khai thác hàng loạt giữa 2 trạm bảo vệ rừng

Thứ Năm, 18/04/2019 13:26

|

(CAO) Hai trạm bảo vệ rừng chỉ cách nhau khoảng 14km, nhưng ở giữa hai trạm này gỗ rừng tự nhiên ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vẫn bị tàn phá trong một thời gian dài.

Theo tin báo của người dân, PV Báo Công an TP.HCM đã thâm nhập những cánh rừng tự nhiên tại xã Ya Tăng và chứng kiến cảnh gỗ “khủng” ở đây bị triệt hạ.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu rừng tự nhiên tại xã Ya Tăng cách Trạm Bảo vệ rừng Ya Tăng, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy khoảng 4km, và cũng cách Trạm Bảo vệ rừng Sê San 3 của công ty này khoảng 10km. Đây là khu vực rừng giáp ranh với xã Ia Khai, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Gỗ bị khai thác nằm giữa 2 trạm bảo vệ rừng

Ngay tại tuyến đường nhựa nối giữa 2 trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy có nhiều con đường mòn được mở đủ để cho xe cơ giới ra vào. Dọc con đường mòn vào rừng có rất nhiều vết lằn in dưới đất, mà theo người dân là do xe công nông hay xe bò vàng vào chở gỗ.

Theo các con đường mòn này, chúng tôi đi thẳng vào rừng khoảng 1km, thì tận mắt thấy thấy hàng chục cây gỗ có đường kính từ 1 đến 2 người lớn ôm bị đốn hạ trơ gốc. Những gốc cây có đường kính 80cm-1m bị chặt hạ còn vết mùn cưa.

Những lóng gỗ "khủng" chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Dừng chân tại 1 bãi đất trống, nghi là các đối tượng dùng để làm điểm nghỉ chân và bãi tập kết gỗ. Tại đây có rất nhiều cây rừng và cây bụi bị chặt trụi, tạo thành 1 bãi đất trống đủ lớn để làm điểm trung chuyển gỗ khai thác trong rừng lên xe cơ giới.

Vị trí này cũng có nhiều bếp củi, nhiều vật dụng sinh hoạt đang được bỏ lại. Từ đây, chúng tôi bỏ xe máy men theo con đường mòn dẫn vào rừng cạnh khe suối. Đi bộ được chưa đầy cây số, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi đa số các cây gỗ lớn đã bị chặt hạ gần hết, chỉ còn sót lại cây nhỏ.

Xung quanh khe suối có gần 20 chục cây đường kính lớn, dài khoảng 20m đã bị cưa hạ. Vết cưa mới có, cũ có. Phần lớn các cây gỗ đã bị cắt khúc chở đi, chỉ còn trơ gốc. Một số cây còn lại thì các đối tượng cưa xong rồi để nguyên thân cây, hoặc xẻ thành lóng nhưng chưa kịp chở đi.

Nhiều ván gỗ sau khi được cưa xẻ đã bị vứt lại trong rừng

Tại hiện trường còn có rất nhiều dây cáp và móc xích dùng để kéo, vận chuyển gỗ, đang nằm lại dưới đất. Mở rộng tìm kiếm ở các lối mòn khác trong rừng chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều cây cổ thụ đã bị cưa hạ chỉ còn trơ gốc, thỉnh thoảng bắt gặp lóng gỗ đang nằm dưới đất.

Ông Võ Minh Văn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy sau khi tiếp nhận thông tin PV phản ánh, hứa sẽ cho lực lượng vào hiện trường kiểm tra ngay và sẽ thông tin khi có kết quả.

Một số hình ảnh ghi nhận thực tế tại các điểm phá rừng ở xã Ya Tăng:

Dây cáp để tời gỗ còn bị vứt lại tại hiện trường
Những cây có đường kính 1m, dài 20m chưa kịp đưa ra khỏi rừng
Gốc cây vừa bị đốn hạ chưa lâu
Phần lớn những cây lớn trong rừng ở đoạn này đã bị cưa hạ
Những lóng gỗ có đường kính rất lớn
Điểm phá rừng, 2 đầu đều có trạm bảo vệ rừng chốt chặn

Bình luận (0)

Lên đầu trang