Đội “đặc nhiệm” chống cát tặc

Thứ Sáu, 12/04/2019 16:29  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Tình trạng khai thác cát lậu trên hai con sông Tiền và Hàm Luông (đoạn thuộc tỉnh Bến Tre) vẫn còn diễn ra rầm rộ, khiến nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, đời sống của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.

 Trước thực trạng trên, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre quyết liệt đấu tranh, thành lập nhiều đội phòng chống cát tặc tại các “điểm nóng”.

LIÊN TIẾP BẮT GIỮ GHE TÀU HÚT CÁT

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an tỉnh Bến Tre đã bắt quả tang hơn 30 vụ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, với 70 đối tượng tham gia, xử phạt hành chính khoảng 1 tỷ đồng.

Lúc 3 giờ ngày 25-3, Phòng CSMT Công an tỉnh này đang tuần tra tuyến đường thủy nội địa, phát hiện tàu sắt biển kiểm soát: BTr 0159 (trọng tải 150 tấn) và chiếc ghe gỗ không biển số (trọng tải 20 tấn) do Huỳnh Văn Sơn (ngụ xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm), Nguyễn Anh Quốc (ngụ xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) điều khiển, đang hút cát trên sông Hàm Luông đoạn qua xã Tân Thành Bình.

Thời điểm kiểm tra, trên 2 phương tiện có hơn 60m3 cát. Các đối tượng này thực hiện thủ đoạn rất tinh vi, hoạt động vào ban đêm, sử dụng vòi hút kéo trên bề mặt lòng sông để vừa hút, vừa di chuyển nhằm ngụy trang, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Lực lượng công an đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc phải bơm cát trả lại lòng sông.

Các tàu ghe hút cát trái phép liên tiếp bị lực lượng chức năng Bến Tre bắt giữ, bất kể ngày đêm

Rạng sáng 14-2, lực lượng chức năng bắt quả tang 3 tàu sắt (trọng tải khoảng 50 tấn/ tàu) đang hút trộm cát trên sông Hàm Luông. Sáu đối tượng vi phạm, gồm: Nguyễn Văn Ly (45 tuổi), Nguyễn Minh Nghĩa (34 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi), Võ Văn Minh (43 tuổi), Nguyễn Văn Thêm Em (32 tuổi), Lê Văn Tuấn (25 tuổi, cùng ngụ huyện Giồng Trôm).

Ba tàu này không có giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện, người điều khiển cũng không xuất trình được chứng chỉ chuyên môn. Lực lượng chức năng đã buộc các đối tượng bơm cát trả lại lòng sông và tiến hành xử lý theo pháp luật.

Trước đó, sáng 20-1, tổ công tác của Phòng CSMT Công an tỉnh Bến Tre bắt quả tang 3 tàu sắt khác đang khai thác cát lậu trên sông Tiền, đoạn ngang xã Phú Túc (H.Châu Thành, Bến Tre), do Nguyễn Lâm Em (ngụ địa phương), Trần Văn Hoàng (ngụ huyện Giồng Trôm) và Nguyễn Thanh Liêm (ngụ Tiền Giang) điều khiển. Các phương tiện có trọng tải từ 87 - 121 tấn, 2 phương tiện không mang biển kiểm soát. Lúc này, các phương tiện này đã hút được khoảng 30m3 cát...

LẬP ĐỘI CHỐNG CÁT TẶC Ở “ĐIỂM NÓNG”

Tuyến sông Tiền và sông Hàm Luông (đoạn qua xã Tân Phú, H.Châu Thành, Bến Tre) được xem là “điểm nóng” về khai thác cát sông trái phép. Điểm hạn chế trong việc phòng chống cát tặc là lực lượng chức năng còn khá “mỏng”.

Sau nhiều lần khảo sát, tham vấn ý kiến, Công an tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND xã Tân Phú thành lập 3 Tổ phòng chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép trên địa bàn 2 ấp Tân Bắc và Phú Luông, với gần 50 thành viên.

Người dân tại ấp Tân Bắc cho biết: Trước đây, mỗi ngày có hàng chục ghe gỗ, sà lan đến hút trộm cát trên sông Tiền. Chỉ sau thời gian ngắn, hệ thống đê bao, đất sản xuất ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Lai (Tổ trưởng Tổ phòng chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép ấp Tân Bắc) kể: “Lúc bấy giờ, tôi cùng với một số bà con quá bức xúc nên lấy ghe chạy ra sông, nơi các đối tượng đang hút cát để ngăn cản. Có hôm xảy ra xung đột, các đối tượng sử dụng vòi phun bắn nước trực tiếp vào ghe chúng tôi. Thấy nguy hiểm, bà con quay vào bờ. Các đối tượng lại tiếp tục đưa vòi xuống lòng sông hút cát. Từ đó, người dân đề xuất thành lập tổ phòng chống cát tặc”.

Khen thưởng người dân nhiệt tình chống cát tặc

Các Tổ phòng chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép được trang bị 2 đèn pha, 3 ghe máy, 15 đèn pin và 30 áo phao. Các thành viên được tập huấn kỹ thuật lái tàu, ghe an toàn; phương thức tuần tra, phối hợp với lực lượng công an khi phát hiện các phương tiện hút trộm cát sông.

Mỗi ngày, các thành viên đi dọc tuyến đê, ẩn nấp ở vị trí kín đáo, quan sát ra hướng sông Tiền và sông Hàm Luông để theo dõi, phát hiện các ghe, sà lan hút cát lậu rồi báo ngay cho tổ trưởng để thông tin đến lực lượng chức năng cùng vây bắt.

Ông Tạ Thanh Vũ (Trưởng công an xã Tân Phú) cho biết: “Chỉ hơn một năm thành lập, tổ đã đẩy đuổi, tham gia bắt giữ hàng chục phương tiện khai thác cát vi phạm trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương mời giáo dục 18 chủ phương tiện và nhiều đối tượng hút cát lậu trên địa bàn. Nhờ vậy, tình hình khai thác cát sông trái phép trên sông Tiền và sông Hàm Luông đoạn qua địa bàn xã giảm hơn 90%”.

HỆ LỤY KHỦNG KHIẾP TỪ CÁT TẶC

Thời gian gần đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở là nạn khai thác cát sông trái phép.

Đơn cử những vụ sạt lở kinh hoàng ở sông Vàm Nao (An Giang) khiến 108 hộ dân phải di dời, tổng trị giá thiệt hại hơn 90 tỷ đồng; ven sông Tiền (Đồng Tháp), làm hơn chục căn nhà bị thiệt hại; tại Bến Tre cũng có nhiều khu vực sạt lở đáng báo động...

Điển hình là dòng sông Cổ Chiên đoạn chảy qua 2 ấp Phú Hòa và Hòa Thuận (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre), mỗi ngày có gần chục tàu sắt, ghe gỗ ngang nhiên hút trộm cát sông. Anh Lê Thanh Bình (ngụ địa phương) lo lắng: “Không đêm nào chúng tôi ngủ ngon giấc, bởi máy móc hút cát lậu rầm rộ. Việc khai thác trái phép cả ngày lẫn đêm khiến nhiều tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng. Địa phương phải bỏ ra cả chục tỷ đồng làm đê, kéo rọ đá, đóng cừ... để chống sạt lở”.

Tương tự, cồn Tiên Lợi (xã Tiên Long, H.Châu Thành, Bến Tre) có diện tích 117 héc-ta, với hơn 1.000 nhân khẩu thuộc 247 hộ gia đình sinh sống. Nạn cát tặc đã khiến cuộc sống người người dân bị đảo lộn vì phải liên tục di dời nhà.

Hút cát trái phép gây ra sạt lở khủng khiếp ở sông Tiền và sông Hàm Luông

Ông Phạm Thành Thảo (Trưởng ấp Tiên Lợi) nói: “Cồn Tiên Lợi được bao bọc bởi những vườn sầu riêng, chôm chôm trĩu quả. Trước đây, cồn có mỏ cát khổng lồ nên bọn cát tặc đưa ghe, tàu tới hút cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở dữ lắm! Cứ sau một thời gian lại phải di dời nhà cho bà con ở đầu cồn. Nhiều hộ di dời xong vẫn chưa yên ổn, vì tốc độ sạt lở nhanh tới... chóng mặt!”.

Tại Đồng Tháp, sau trận sạt lở nghiêm trọng, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Pho (71 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Thanh Bình) bị xói mòn, phải di dời ra sát QL30. Ông Pho kể: “Trước đây, nền nhà tôi cách mé sông 150m, nhưng sau vài năm mép sông đã tới sát vách như hiện tại.

Sau trận sạt lở kinh hoàng, căn nhà không còn ở được nữa nên gia đình tôi buộc phải tháo dỡ, di dời ra phía trước để có chỗ che nắng, che mưa. Nguyên nhân sạt lở là do việc hút cát sông. Hiện cách bờ 80m có 2 hố xoáy sâu tới 30 - 40m. Hằng ngày, cả nhà tôi phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ”.

Đại tá Trần Thị Bé Nhân - Phó giám đốc Công an tỉnh Bến Tre:

Công tác đấu tranh phòng chống nạn khai thác cát sông trái phép của lực lượng chức năng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tình hình đang diễn ra. Đối tượng hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, thời điểm lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra, tiếp cận. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động.

Để góp phần phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả trước tình trạng trên, cần có sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ. Vì thế, sau khi hình thành, đi vào hoạt động các Tổ phòng chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép đã phát huy tối đa hiệu quả, ngăn chặn tình trạng hút trộm cát sông.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra trên diện rộng, cả ở bờ sông, bờ biển và có vẻ đang tăng tốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính gây sạt lở là do thiếu hụt phù sa mịn và cát lòng sông. Khai thác cát sẽ tác động, ảnh hưởng rất xa, đến hàng trăm cây số, vì tạo ra những hố sâu nhân tạo mà cát năm sau không thể vượt qua đi tiếp xuống bên dưới.

Trước mắt, để tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, các cơ quan chức năng cần tiến hành ngay việc khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao để cảnh báo, ngăn chặn; đồng thời chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm. Về lâu dài, cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sông lẫn cát biển, kể cả khai thác trái phép và khai thác có phép.

Bình luận (0)

Lên đầu trang