CHÂN DUNG CỦA ÔNG CHỦ “DU LỊCH ĐA CẤP”
Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ngụ P. Quang Trung, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) là người từng tham gia bán hàng cho một công ty đa cấp, học được nhiều “chiêu” dẫn dụ những người hám lợi, cả tin.
Đầu năm 2010, Hùng tìm hiểu thông tin trên mạng, biết trang web “…Diamond Holiday Travel - DHT” (du lịch, kỳ nghỉ kim cương) hoạt động kinh doanh du lịch đa cấp với “gói SP” dành cho 2 người ở khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao hoặc các khu resort hạng sang trên toàn thế giới trong 3 đêm 4 ngày, với giá chỉ 325 USD. Nếu người tham gia rủ thêm được nhiều người mua “gói SP” này sẽ được “thưởng” từ 1.000 USD - 40.000 USD.
Sau đó, Hùng cùng 2 “chiến hữu” Phạm Hồng Thanh (SN 1967, ngụ Q. Đống Đa, Hà Nội) và Phạm Thị Thủy (SN 1973, ngụ Q. Ba Đình, Hà Nội), đặt mua “gói SP” từ một người trong hệ thống DHT.
Sau khi chuyển nộp 1.000 USD, 3 người được cấp 3 “mã số ID” trở thành thành viên của DHT. Trong đó, Hùng có mã ID “Hung68” , Thủy là “Thuyvn” và Thanh là “David 688”.
Có “mã”, bộ 3 bắt đầu dẫn dụ, lôi kéo nhiều người tham gia. Cả 3 bay sang Hồng Kông, gặp Hsueh Cho-Ting (tức Andy Hsu, quản lý mạng DHT), thỏa thuận thành lập Câu lạc bộ (CLB) Du Khách DHT tại Việt Nam (do Hùng làm Chủ nhiệm, Thanh và Thủy làm Phó chủ nhiệm) cũng như học thêm “bài” chiêu dụ các “con mồi”.
Lâm Phúc Hùng trong một lần diễn thuyết dẫn dụ “con mồi”
Bộ 3 được Andy Hsu cho phép chuyển 100.000USD tiền ảo từ hệ thống DHT vào “ví điện tử” (E-wallet) gắn với mã số ID “Thuyvn”. CLB Du Khách sử dụng số tiền ảo này trả thưởng cho những người mua “gói SP”, thu lại tiền thật.
Ngoài CLB Du Khách, nhóm Hùng đứng ra thành lập và liên kết với một loạt doanh nghiệp để khuyếch trương, gây thanh thế, tạo niềm tin như Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHĐ) do Hùng làm Tổng GĐ, Công ty CP thương mại Diamond Holiday Việt Nam (DHV), Công ty CP thương mại và du lịch Thượng Hải (do Nguyễn Thị Bắc làm GĐ)…
Theo hướng dẫn và trợ giúp của “sư phụ” Andy Hsu, nhóm Hùng đã bán “gói SP” mang tên “kỳ nghỉ kim cương” bằng hình thức kinh doanh điện tử đa cấp. Người mua “gói SP” này phải trả tiền thật và trở thành thành viên của CLB Du Khách.
Thành viên này nếu mời gọi thêm người khác mua “gói SP” sẽ được thưởng bằng tiền ảo trong “ví điện tử”. Lôi kéo càng nhiều người mua thì tiền thưởng ảo càng lớn, khi đó sẽ được đổi lấy tiền thật từ người mua sau.
Hùng nghe lệnh khởi tố, bắt tạm giam
Cụ thể: Người mua phải trả 340 USD (gồm 325 USD cho một “gói SP” và 15 USD “thu thêm” cho quỹ CLB Du Khách), sẽ được cấp một “mã số ID” để tham gia hệ thống DHT và xếp vào “bàn du khách”.
Lúc đầu, thành viên được xếp vào “bàn vàng”; nếu lôi kéo được 15 người mua “gói SP” thì được thưởng 1.000 USD vào “ví điện tử” đồng thời được thăng lên chức bàn trưởng “bàn kim cương”.
Nếu dẫn dụ thêm 64 người thì biến thành được thưởng 15.000 USD, trong đó 5.000 USD đi du lịch, 10.000 USD vào “ví điện tử”.
Theo đà, thành viên trước biến người sau thành thành viên; người sau tiếp tục lôi kéo thêm thành viên mới. “Kỳ nghỉ kim cương” như vết dầu loang nhanh chóng được mở rộng khắp địa bàn Hà Nội rồi lan sáng các tỉnh lân cận, sau đó mở rộng khắp cả nước.
Để dẫn dụ thêm nhiều người mua “gói SP”, nhóm Hùng tung chiêu thưởng hậu hĩnh tiền hoa hồng. Tiền thật thì rơi vào túi của nhóm Hùng và “chân rết”; còn người mua “gói SP” được đi du lịch “trong mơ”(!)
HƠN 87.000 NGƯỜI RƠI VÀO “VÒNG XOÁY”
Sau một thời gian tác oai tác quái, Hùng 8 đồng phạm sa lưới pháp luật. Hơn 87.000 người ở nhiều tỉnh bị lôi kéo đóng tiền để được “kỳ nghỉ kim cương”. Cơ quan điều tra xác định có 11.644 bị hại, thường là những người có quan hệ bạn bè, quen biết, thậm chí là thân nhân trong gia đình, dòng họ, do cả tin nên cùng nộp tiền để được du lịch giá rẻ trên toàn thế giới.
Hoàn tất hồ sơ, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án ra xét xử ngày 18-7-2016, tuyên án ngày 8-8-2016. Có 9 đối tượng đều ở TP. Hà Nội, bị truy tố cùng tội danh “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 226b Bộ luật hình sự. Đó là bộ ba Hùng - Thanh - Thuỷ, Nguyễn Thị Bắc (SN 1959), Nguyễn Thị Ái Dân (SN 1954), Đỗ Trang Đoan (SN 1976), Bùi Đức Cường (SN 1985), Lê Hữu Thinh (SN 1976) và Lê Văn Trọng (SN 1974).
Hai “chân rết” của Hùng ở Tây Ninh chia nhau 24 năm tù
Các đối tượng cộm các trong hệ thống DHT tại Việt Nam hầu tòa
Kết quả điều tra và cáo trạng xác định: CLB Du khách lôi kéo, bán “gói SP” cho 2.403 người, thu 14 tỷ đồng (số tròn). Hùng và Thanh còn ký hợp đồng “xúc tiến thương mại” với Công ty IQCom (sau đổi thành Công ty DHV) do Nguyễn Thị Ái Dân làm GĐ, quảng bá, bán “gói SP” cho 3.948 người, thu gần 28 tỷ đồng.
Năm 2011, giữa Hùng và Dân xảy ra mâu thuẫn dẫn đến DHV chấm dứt hoạt động. Hùng sử dụng Công ty DHĐ do y làm Tổng GĐ, tiếp tục bán “gói SP” cho 1.680 người, thu 11,8 tỷ đồng.
Công ty Xuân Bắc tham gia vào hệ thống của Hùng, bán “gói SP” cho 3.577 người, thu hơn 25,2 tỷ đồng…
Tổng cộng, có đến 11.644 nạn nhân sập bẫy, với số tiền 79 tỷ đồng. Đã có hơn 2.000 bị hại được cơ quan điều tra xác định, làm rõ.
Trong vụ án này, Hùng và các đồng phạm biết rõ “gói SP” là kinh doanh thương mại điện tử đa cấp trên mạng internet. Việc kinh doanh này là ảo, vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài như quảng bá. Tiền thưởng trả vào “ví điện tử” cũng là ảo. Việc trả tiền thật cũng là thu của người sau “thưởng” cho người trước, thông qua việc người tham gia sau bỏ tiền thật mua lại tiền ảo.
Dù biết là ảo nhưng Hùng cùng các đồng phạm vẫn tìm cách lôi kéo nhiều người tham gia bằng những thông tin sai sự thật để chiếm đoạt tiền. Trong đó Hùng chiếm hưởng 8,5 tỷ đồng; các bị cáo còn lại, được hưởng từ 50 triệu đến 6,3 tỷ đồng.
Tại toà, bị cáo Hùng tỏ thái độ hối hận, xin lỗi tới tất cả các bị hại (chỉ hơn 100 người có mặt tại phiên xử). “Vì bị cáo mà gia đình, vợ con ly tán, hạnh phúc của các con bị dang dở. Những điều đó là quá đau xót và quá sức chịu đựng đối với bị cáo”, Hùng nói trong sự thành ý, dù có muộn màng…
HĐXX tuyên phạt Hùng 14 năm tù; Bắc 13 năm tù; Thanh 10 năm tù; Dân 9 năm tù; Thủy 7 năm tù; Cường và Thinh, mỗi người 3 năm 1 tháng 13 ngày tù; Đoan 36 tháng tù cho hưởng án treo; trọng 30 tháng tù treo.
“CHÂN RẾT” Ở TÂY NINH LĨNH ÁN
Không chỉ ở khu vực phía Bắc, DHT còn vươn “vòi bạch tuộc” đến các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Tây Ninh. Sau khi nhóm Hùng sa lưới, hai “chân rết” của Hùng là Lâm Văn Liêu (SN 1962, ngụ xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) và Huỳnh Thị Rảnh (SN 1958, ngụ P.4, TP.Tây Ninh) cũng bị vạch trần.
Học theo “sách” của nhóm “thầy” Hùng, Liêu và Rạnh ký hợp đồng làm “đại lý” cho DHĐ, rồi đứng ra lập công ty, quảng bá rầm rộ (hội nghị, hội thảo, quảng cáo…) bán “gói SP” với giá 375USD.
Cơ quan điều tra xác định: Có 1.171 người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã mua “gói SP” gia nhập hệ thống DHT. Trong đó, Rảnh “hút” 627 người, thu hơn 10 tỷ đồng; Liêu kéo 544 người thu 6,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra chỉ làm rõ được 340 bị hại, bao gồm 191 người nộp trên 3 tỷ đồng cho Rảnh và 149 người nộp 2,1 tỷ đồng cho cho Liêu.
Đưa vụ án ra xét xử ngày 30-9-2016, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt Rảnh - Liêu, mỗi bị cáo 12 năm tù giam theo điều 226b Bộ luật hình sự; buộc 2 bị cáo bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.
Qua bài báo này, một lần nữa, Báo CATP lưu ý người dân phải hết sức cảnh giác khi “dịch DHT” đã quay trở lại, với nhiều thủ đoạn rất tinh vi…
Mới đây, tại một quán cà phê hạng sang ở Q. Phú Nhuận, PV Báo Công an TP.HCM được một thanh niên xưng là thành viên của “DHT Hoa Kỳ” mời mua “gói SP” với những lời dẫn dụ tương tự như nhóm của Lâm Phúc Hùng đã lừa trước đây.
Hàng chục thành viên khác cũng có mặt tại quán cà phê, ra sức thuyết phục nhiều “con mồi” đã được nhóm này lôi kéo đến đây. Nếu không cảnh giác, sẽ có nhiều nạn nhân sập bẫy trước những lời “đường mật” cộng với món lợi “khủng”…