(CAO) Tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt của 7 bị hại khoảng 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 1 cá nhân xác nhận bị lừa mất 5,6 tỷ, nhưng không làm đơn tố cáo, cho là quan hệ dân sự. 5 bị hại khác mất 1 tỷ đồng, nhưng được xác định là quan hệ dân sự và 1 bị hại “sập bẫy” bị lừa mất trên 10 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 20-3, TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm hình sự.
Ba bị can sắp hầu tòa trong vụ án gồm “siêu lừa” Trần Thị Thu Trang (SN 1975, trú huyện Di Linh); Võ Cảnh (SN 1980, trú tỉnh Khánh Hòa) và Phạm Thị Tùng Thanh (SN 1971, trú Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh).
Trang bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cảnh và Thanh cùng hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Đối tượng Trần Thị Thu Trang (Ảnh Facebook nhân vật)
Theo kết quả điều tra, vào các năm 2017, 2018, Trang thuê tổng số 23 chiếc xe ô tô, các nhãn hiệu KIA, Ford, Huyndai... của nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh, với giá từ 16 triệu đến 30 triệu đồng/chiếc/tháng và cho thuê lại để kiếm tiền chênh lệch.
Trang sau đó nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách đem xe đã thuê cầm cố cho người khác để lấy tiền. Khi Trang mang xe đến nhà bà Võ Thị Kim Ng., do các xe Trang thuê đều không có giấy chứng nhận đăng ký xe (ĐK xe) - bản gốc và đều đang thế chấp vay vốn ngân hàng nên bà Ng. yêu cầu Trang phải có giấy tờ chính chủ và làm hợp đồng ủy quyền thì mới cầm xe.
Trang lên kế hoạch làm giả các giấy ĐK xe mang tên mình để cầm cho bà Ng. lấy tiền nên thuê Võ Cảnh và chuyển các thông tin về xe, giấy tờ tuỳ thân, gửi cho Cảnh qua mạng xã hội zalo.
Cảnh kết nối với Phạm Thị Tùng Thanh để Thanh trực tiếp làm giả giấy tờ xe mang tên Trang. Họ chuyển giấy tờ đã làm giả cho nhau theo đường xe khách, chuyển tiền qua tài khoản.
Đối với mỗi giấy ĐK xe giả, Cảnh lấy của Trang 4 triệu đồng, đưa cho Thanh 1,8 triệu. Ngoài ra, Trang còn nhờ Cảnh làm giả 1 giấy CNQSDĐ mang tên chủ sở hữu là Trang, địa chỉ tại phường 5, TP. Đà Lạt, với giá 9 triệu đồng.
Cảnh sau đó thuê Thanh làm với giá 5 triệu đồng. Tổng cộng, 3 đối tượng làm giả 23 giấy ĐK xe ô tô và 1 giấy CNQSDĐ đều mang tên chủ sở hữu là Trang. Cảnh thu lợi bất chính trên 54 triệu đồng, Thanh trên 46 triệu đồng.
Trang sau đó đem số xe đã làm giả giấy tờ cầm cố, thế chấp cho 6-7 người, vay tổng cộng số tiền khoảng 17 tỷ đồng. Trong số này, bà Ng. bị lừa “đậm” nhất, tới 18 xe ô tô kèm giấy tờ giả, 1 giấy CNQSDĐ giả, mất tổng cộng 10 tỷ 300 triệu đồng.
Đối tượng Thành thực hiện lại thao tác làm giả giấy tờ trên máy vi tính
Việc cầm cố, thế chấp giữa Trang với bà Ng., cả hai đến phòng công chứng Vương Đình Hợp (huyện Di Linh) lập hợp đồng ủy quyền để giao toàn quyền định đoạt chiếc xe trên cho bà Ng. Trang còn lừa bà Ng. bằng cách sau khi mang xe ô tô thế chấp cho bà Ng., Trang đến mượn lại rồi dùng giấy tờ bản phô tô công chứng của chủ chính thức đi thế chấp chỗ khác lấy tiền.
Người đầu tiên Trang cầm cố, thế chấp tài sản sau khi làm giả giấy tờ là chị P.T.T.V. với 11 chiếc xe ô tô các loại, lấy 6 tỷ đồng. Trang dùng thủ đoạn mượn lại xe đã thế chấp với V., sau đó mang đi thế chấp xe lòng vòng, vay tiền của 4-5 bị hại khác ở địa phương và tỉnh Đồng Nai, trong đó có bà Ng. Đến nay, Trang mới trả cho V. 350 triệu tiền gốc.
Quá trình điều tra, chị V. không yêu cầu xử lý Trang mà đồng ý trả xe và cho Trang trả nợ dần. Do đó, CQĐT không có cơ sở để kết luận hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Trang đối với số tiền nợ chị V. Những người cho Trang thuê xe đều không yêu cầu xử lý Trang về mặt hình sự sau khi đã nhận lại các xe ô tô cùng giấy tờ hợp pháp của họ.
Vụ án do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng (PC44) thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Ngành chức năng cho rằng, việc Trang mang các xe ô tô và sử dụng giấy ĐK xe photo (chính chủ) công chứng được ngân hàng cấp để mang đi cầm cố vay tiền của những người trên và họ vẫn cho mượn tiền (khoảng 1 tỷ) là quan hệ dân sự, không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trang. Do vậy, CQĐT đã hướng dẫn họ khởi kiện ra TAND huyện Di Linh để giải quyết.
Đến nay, Trang mới trả tiền lãi cho Ng. là 97,5 triệu đồng, còn trên 10 tỷ tiền gốc. Đối tượng Trang khai rằng, toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt được, chị ta dùng trả nợ gốc và lãi cho các khoản vay trước đó và trả tiền thuê xe cho cảc chủ xe. Hiện không còn tài sản gì.
Hành vi của Trang phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 BLHS, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Do khi Trang bị khởi tố điều tra, đối tượng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được áp dụng biện pháp tại ngoại – cấm đi khỏi nơi cư trú. Hai đối tượng Cảnh, Thanh đã nộp lại số tiền chiếm đoạt nêu trên, cũng được cho tại ngoại chờ hầu tòa.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra làm việc với Văn phòng công chứng (VPCC) Vương Đình Hợp. Lãnh đạo Văn phòng công chứng này cho biết quá trình công chứng hợp đồng ủy quyền đúng quy trình, VPCC không biết các giấy chứng nhận ĐK xe là giả nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.
Một trong số giấy tờ xe do Thành làm giả
Tuy nhiên, theo chúng tôi, những giấy tờ xe giả mang tên Trang do đối tượng Thanh làm in màu vi tính, nhòe nhoẹt, kém tinh xảo, không có dấu nổi của Cơ quan Công an...
Với kinh nghiệm, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, trước việc một người đem hàng chục chiếc xe hơi đứng tên mình đi cầm cố tư nhân (chắc chắn lãi suất cao, dù họ khai là lãi suất thỏa thuận) mà không thế chấp ngân hàng hoặc thế chấp ngân hàng mà còn mang đi cầm cố thì phải nhận ra điều bất thường, từ đó có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn hoặc phối với với cơ quan chức năng làm rõ, tránh việc "tiếp tay" cho tội phạm.