MỖI NĂM MẤT KHOẢNG 500 - 600 HÉC-TA ĐẤT
Ngày 9-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo về tìm giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì, cùng các chuyên gia và lãnh đạo những tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo tại hội thảo, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL trở thành thách thức lớn đối với lãnh đạo địa phương. Ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) nhận định: “ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng là nơi chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Từ năm 2007 - 2014, qua số liệu tổng kiểm kê lâm nghiệp, có 8.780 héc-ta đất ven biển bị mất. Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp, khó lường”.
Thực trạng diện tích lớn đất rừng và bờ biển bị sạt lở, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. Ông Nguyễn Long Hoai (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau) lo âu: “Gần đây, tình hình sạt lở ở Cà Mau rất phức tạp.
Cà Mau là tỉnh có bờ biển dài 254km, với 87 cửa sông thông ra biển nên dễ bị tổn thương do xói lở”. Tỉnh này đang có 57km bị sạt lở nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm là 40,5km ở tuyến đê biển Tây. Riêng tuyến đê biển Đông có 48km bị sạt lở.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL
Tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó, từ tạm thời đến kiên cố, bước đầu cho thấy có hiệu quả cao. “Hiện tỉnh đã khắc phục được 82km, không xảy ra vỡ đê trong những năm gần đây. Rút kinh nghiệm các đợt kè, hiện địa phương có 3 loại kè mang lại hiệu quả, gồm: kè tạo bãi cọc bê-tông ly tâm kết hợp đá hộc, kè đê trụ rỗng và kè cấu kiện bằng bê-tông cốt phi kim phá sóng” - ông Hoai chia sẻ. Ba loại kè chống sạt lở này là một bước cải tiến mới của công nghệ, mang lại hiệu quả đối với các tuyến đê biển ở Cà Mau.
Cùng lo âu với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Hiện nay, qua khảo sát, sạt lở từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu và Cà Mau rất rõ. Sạt lở từ nhiều tới ít, nguyên nhân sâu xa nhất là thiếu phù sa. Khi không còn phù sa nữa thì nó sạt lở tới mức nào, không bao giờ chống được sạt lở...”.
Ông Võ Thành Ngoan (Phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đoạn sông Tiền dòng chính chạy qua tỉnh này dài 123km thì có tới 101km bờ sông bị xói lở. Từ năm 2005 - 2018, tỉnh mất hơn 322 héc-ta đất do nước cuốn trôi. Tỉnh phải di dời hơn 8.000 hộ dân, ước tính còn hơn 6.000 dân đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời.
Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) nói: “Tình trạng sạt lở tại ĐBSCL rất kinh khủng, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống, sản xuất của cả khu vực. ĐBSCL sẽ đắm chìm”. Mỗi năm, 13 tỉnh khu vực ĐBSCL mất từ 300 - 500 héc-ta đất, kéo theo đó hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.
NHIỆM VỤ NẶNG NỀ
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ĐBSCL là vùng hạ lưu của châu thổ sông Mê Kông, với địa hình trũng thấp. Tổng diện tích 4 triệu héc-ta, dân số gần 20 triệu người. Là nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống đường bờ biển dài gần 800km. Đây là nơi có vai trò quan trọng về an ninh lương thực, hàng năm cung cấp khoảng 90% lúa và 60% thủy sản phục vụ xuất khẩu.
ĐBSCL hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm, cần phải xử lý để đảm bảo ổn định dân sinh, kinh tế - xã hội của địa phương. Dự báo năm 2020, lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 - 65% so với năm 2017. Theo tốc độ xây dựng hồ, đập phía thượng nguồn hiện nay, đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3 - 5%, tình trạng sạt lở sẽ càng trầm trọng.
Những năm qua, Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Sạt lở ở ĐBSCL gây thiệt hại nặng nề
Năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các địa phương xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ 1.000 tỷ đồng xử lý sạt lở từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và 36 triệu USD từ dự án của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị, đưa ra các giải pháp hữu ích để khắc phục sạt lở ở khu vực ĐBSCL, như: cấm khai thác cát; lựa chọn phương án công nghệ kè tạo bãi, sử dụng các công nghệ mới được áp dụng và phải có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ việc sử dụng các phương án thí điểm từng vùng, công nghệ được nhà khoa học nghiên cứu cần chuyển giao để được áp dụng rộng rãi...
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao những giải pháp của đại biểu tại hội nghị và ghi nhận những kiến nghị bổ sung nguồn vốn của các địa phương. “Vùng ĐBSCL hiện đang bị sụt lún nghiêm trọng cùng với mực nước biển đang dâng cao. Nếu không khắc phục được khó khăn này, 50 năm nữa ĐBSCL sẽ bị đắm chìm.
Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề. Chúng ta phải có giải pháp căn cơ để chống sạt lở. Việc rà soát, tìm phương án phải phù hợp với thực tế, vừa chống sạt lở, vừa gắn với công tác ổn định dân cư, an sinh xã hội. Muốn làm được điều này, địa phương phải gần dân, cùng nhân dân chung tay bảo vệ bờ sông, bờ biển” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Về diễn biến sạt lở, các cơ quan chức năng cần thiết lập sơ đồ sạt lở toàn vùng để cho nhân dân biết. Còn xây dựng bờ kè hết thì tiền đâu mà làm bờ kè? Điều cần làm là chúng ta phải lập quy hoạch dân cư đô thị, dự trù nhìn xa, sao cho khoảng 100 năm nữa mới bị ngập. Trước mắt, các địa phương cần hạn chế khai thác cát, chứ còn hút cát là còn sạt lở.
Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Cà Mau chỉ mới thành công trong việc tạo bãi gây bồi để bảo vệ rừng. Hiện nay, cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa phù hợp, dẫn đến việc nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý tưởng của nhà khoa học rất hay, nhưng muốn triển khai rất khó, do nguồn vốn khoa học còn hạn chế. Nếu thực hiện cơ chế thí điểm, thành công thì không có vấn đề gì, còn nếu thất bại thì trách nhiệm những người liên quan sẽ rất nặng nề.