Cần sửa luật để chặn ngay nỗi ám ảnh mang tên... “bệnh nghiện”

Thứ Hai, 06/05/2019 08:48

|

(CATP) Liên tiếp gần đây, những vụ án chấn động làm chết nhiều người cùng lúc do những con nghiện ma túy đá gây ra đã tạo ra những nỗi đau không gì khỏa lấp không chỉ đối với riêng gia đình nạn nhân mà cả xã hội.

Cùng lúc đó, lượng ma túy do cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ có số lượng khủng lên tới hàng tấn cho thấy tác hại của ma túy đá ngày càng trở nên đáng sợ.

Có lẽ, đã đến lúc cần phải có cái nhìn đúng đắn về thực trạng người nghiện ma túy đá để có chế tài pháp luật xử lý quyết liệt hơn đối với người buôn ma túy đá và cả người nghiện.

Trên thực tế, tội phạm ma túy là nguyên nhân của các loại tội phạm có tính chất dã man do ảnh hưởng ma túy loạn thần gây ra nên đã đến lúc không thể cứ tiếp tục coi người nghiện là người bệnh.

Phải xem lại khái niệm người nghiện là người bệnh

Ma túy đá hay còn gọi là hàng đá, chấm đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng thức tinh thể, có chứa methamphetamine(meth) và amphethamine (amph), niketamid được phối trộn phức tạp từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau trong đó thành phần chính là methamphetamine.

Những người thường xuyên sử dụng ma túy gây ra hậu quả thường thấy ảnh hưởng cho xã hội như chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, nặng hơn sẽ mắc bệnh tâm thần, suy kiệt thể chất và suy giảm khả năng tình dục.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có số người nghiện nhiều nhất nước, khoảng 23.508 người nghiện. Hiện số người nghiện đang có mặt tại TPHCM là 10.473 người. Trong đó 566 người đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Hơn 5.700 người đang điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Trong năm 2018, tòa án cũng đã ra quyết định đưa gần 6.000 người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, đó là số lượng người nghiện có hồ sơ quản lý, còn trên thực tế số người nghiện, sử dụng ma túy ngoài xã hội vẫn còn cao hơn và tỷ lệ sót lọt quản lý rất cao, đến hơn 80%. Tội phạm ma túy là nguyên nhân của các loại tội phạm với tính chất dã man do ảnh hưởng ma túy loạn thần gây ra.

Trương Tín kẻ giết 3 người thân ở quận Bình Tân, TP.HCM trong cơn ngáo đá
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ thảm án do Trương Tín

Người nghiện mới ngày càng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy đá nên có tác hại khôn lường và thực tế họ là những đối tượng tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho người xung quanh. Nhiều trường hợp người nghiện phê ma túy xong, rơi vào trường hợp bị ảo giác và đã trở thành đối tượng giết giết người, giết nhiều người đặc biệt nghiêm trọng.

Mới đây, ngày 3-5-2019, tại Q Bình Tân, Công an quận Bình Tân phối hợp cùng Công an TPHCM bắt giữa Trương Tín (SN 1990, là đối tượng nghiện ma túy, có hồ sơ quản thúc tại địa phương từ năm 2017) là kẻ đã gây ra cái chết cho bà Lê Thị Điểu (SN 1942, là bà ngoại Tín), bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1963, mẹ ruột Tín) và bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (SN 1965 ,dì ruột Tín). Một người dì khác và đứa cháu nhỏ may mắn thoát nạn do kịp trốn trong tủ áo.

Còn trước đó, vào chiều 11- 3-2019, Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993) sau khi chơi hàng đá thì bị ảo giác nên đã ra tay sát hại 4 người thân tại huyện Hóc Môn (TPHCM) và Long An mà nguyên nhân chỉ vì bị ngăn cấm khi yêu. Theo lời khai của Nam, thời gian trước đó hắn và một cô gái 22 tuổi yêu nhau được khoảng 1 năm song đã bị bà ngoại người yêu phản đối, bản thân gia đình Nam cũng không đồng ý.

Do đó, sau khi sử dụng ma túy đá, Nam nảy sinh ý định giết người nên đã chạy xe về nhà bà Nguyễn Thị Nết (SN 1961 ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An, là bà ngoại người yêu của Nam) và ra tay sát hại người này.

Rời nhà bà Nết, y chạy xe về về nhà mình tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và ra tay với mẹ ruột là bà Trịnh Thị Bé Hai (SN 1969). Tiếp đó, y di chuyển về nhà bà nội là cụ Nguyễn Thị Liêng (82 tuổi) tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và ra tay sát hại bà nội. Ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, cha của Nam, đang ở cùng cụ Liêng) cũng bị y đâm, chém và chết sau đó tại bệnh viện...

Không để con nghiện tiếp tục tăng với cấp số nhân

Đó chỉ là những vụ án điển hình có tính chất dã man do ảnh hưởng ma túy loạn thần gây ra. Trên thực tế, trước đây đã có không ít những ý kiến cho rằng trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện ma tuý có người do bị sức ép công việc, sức ép xã hội, có người thấy bế tắc trong cuộc sống, có người do bồng bột đua đòi và không làm chủ được mình nên phải coi người nghiện là bệnh nhân nên họ cần được chữa bệnh và Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ người nghiện chữa bệnh.

Điều này thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo nên đã dẫn tới việc đã bãi bỏ điều 199 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội “sử dụng trái phép chất ma túy” trong khi trên thực tế điều luật này đang có một giá trị phòng ngừa rất tích cực

Việc coi người nghiện là người bệnh đã khiến số người nghiện tại TPHCM tăng nhanh chóng về số lượng. Nếu như năm 2013, số lượng người nghiện tại TPHCM thống kê được chỉ khoảng 7.000 người nhưng sau đó 1 năm đã tăng lên 19.000 người và hiện nay con số thống kê trên sổ sách là hơn 23.000 người. Trên thực tế cho thấy có rất nhiều người không đồng tình với quan điểm xem người nghiện là người bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bôn (ngụ Củ Chi): “Những đối tượng nghiện ma tuý không thể đáng thương mà phải đáng trách và cần xử lý thật nghiêm vì những đối tượng nghiện ma tuý thường là những kẻ không biết lo làm ăn mà lo chơi bời đua đòi và làm cho tệ nạn xã hội càn ngày càng nguy hiểm hơn .vì lẽ đó cần phải giải quyết cứng rắng và quyết liệt".

Số lượng người nghiện bị phát hiện trong các quán bar, vũ trường mỗi lần công an kiểm tra lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm

Nhiều người cũng cho rằng, việc thông cảm cho người nghiện đã khiến xã hội phải gánh chịu những hệ lụy của xã hội phải gánh chịu do những người nghiện gây ra. Việc thể hiện lòng tốt, sự nhân đạo của con người, của xã hội phải được đặt đúng chỗ, đúng người chứ không thể hiểu một cách hời hợt, nông cạn, không đúng cách.

Do đó, cần phải nhận thức danh từ bệnh nhân chỉ gười bệnh đang được điều trị, trong quan hệ với cơ sở điều trị và với thầy thuốc chỉ nên dành cho những người mang những căn bệnh mà bản thân họ không hề mong muốn bị, không cố tình tạo ra tình trạng bệnh lý trong người, có ý thức tự phòng tránh và tìm mọi cách để khám chữa bệnh khi được chẩn đoán phát hiện.

Còn với các đối tượng nghiện ma túy thì việc cấm sử dụng ma tuý, cai nghiện bắt buộc, chính là việc làm nhân đạo cho chính người nghiện, cho gia đình họ và cho cả cộng đồng. Việc làm này là cần thiết và đúng đắn để ngăn ngừa một thảm hoạ xã hội ở ngay trước mắt nếu cứ để số người nghiện ma tuý ngày càng tăng theo tỉ lệ thuận với các loại tội phạm hình sự...

Bởi lẽ, việc nghiện các chất ma tuý sẽ đồng nghĩa với việc hệ thần kinh - cơ quan kiểm soát các hành vi và ý thức của con người sẽ bị huỷ hoại nhanh chóng, trực tiếp, dẫn đến việc người nghiện ma tuý trở thành một mối nguy hiểm đến sự an toàn cho chính những người thân trong gia đình, cho hàng xóm, bản thân họ và cả cộng đông.

Do nghiện ma tuý là cái sai rất khó sửa vậy thì tốt nhất phải bắt buộc họ cai nghiện theo luật chứ không thể chờ họ tự sửa sai một cách tự nguyện và chờ đợi họ tự giác khai báo tình trạng nghiện.

Hiện nay, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” và Thông tư số 05/2018/TT-BCA của Bộ Công an quy định về việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Tuy nhiên trong các văn bản còn chưa thống nhất, chồng chéo, nên số lượng đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc còn hạn chế.
Từ 1-1-2014 đến nay, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi không còn được thực hiện trong khi cai nghiện tự nguyện ma túy đối với đối tượng nghiện dưới 18 tuổi hiện nay đang bị bỏ ngỏ cũng đang là một vấn đề lớn trong công tác cai nghiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang