Thái Nguyên:

“Vỡ trận” các dự án tái định cư hàng trăm tỷ đồng

Thứ Năm, 09/05/2019 10:25  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương đã được tỉnh Thái Nguyên đầu tư vào 8 dự án khu tái định cư (TĐC) tập trung, theo Chương trình bố trí dân cư tại TP.Sông Công và các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều tồn tại nhiều bất cập. Có dự án thi công được hơn 80% khối lượng thì “đứng bánh”, các dự án khác thì thiếu nước sinh hoạt; nhà cửa, đất đai bỏ hoang, dân không có đất canh tác... Nhiều bất cập ở các khu TĐC khiến dư luận bức xúc.

KỲ 1: “THÁO CHẠY" KHỎI KHU TÁI ĐỊNH CƯ

Tái định cư tập trung theo Chương trình bố trí dân là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước trong việc bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng, với mục đích ổn định đời sống nhân dân, mong muốn bà con những vùng này có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Từ Quyết định số 193 ngày 24-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ và được bổ sung, thay thế bằng Quyết định số 1776 ngày 21- 11-2012, hàng loạt dự án TĐC được thực hiện tại các tỉnh trong cả nước.

Trong đó, Thái Nguyên triển khai 8 dự án TĐC tập trung, với mục tiêu ổn định cuộc sống cho người dân khu vực lòng hồ Ghềnh Chè, vùng bán ngập hồ Núi Cốc và những vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổng kinh phí các dự án là hơn 300 tỷ đồng.

Bỏ khu tái định cư để về nơi ở cũ

UBND tỉnh Thái Nguyên giao Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư cả 8 khu TĐC. Khi triển khai, các dự án TĐC tồn tại nhiều bất cập.

Huyện Đại Từ có 4 dự án TĐC, chiếm phân nửa trong tổng số dự án TĐC của tỉnh, dự kiến ổn định chỗ ở cho 178 hộ dân, gồm: Dự án di dân cư vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại xã Văn Yên, 3 khu TĐC vùng bán ngập hồ Núi Cốc (các xã Vạn Thọ, Lục Ba, Tân Thái). Tổng số tiền đầu tư cho 4 dự án này khoảng 100 tỷ đồng.

Khu TĐC Văn Yên, huyện Đại Từ sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn hẩm hiu. Người dân đến nhận đất xây nhà tạm rồi "tháo chạy" khỏi KTĐC.
Môi trường sống tại TĐC Văn Yên nhếch nhách, ô nhiễm, ngược với mục tiêu mà Chương trình đề ra.
Diện tích đất tại TĐC Văn Yên chia không đều, không đúng so với báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Khu TĐC Văn Yên vẫn còn nhếch nhác. Nằm ngay trục đường chính liên xã, ở vị trí đắc địa, từng hy vọng sẽ thay đổi bộ mặt nông thôn tại đây, nhưng khu TĐC Văn Yên mới chỉ lác đác một số hộ đến ở, chủ yếu là cán bộ hưu trí, kinh doanh nhỏ... Có một số người ở là mua lại suất đất TĐC hoặc không “chính chủ”.

Phía sau mặt tiền, khu TĐC này hiện ra cảnh lạc hậu, tạm bợ, đìu hiu. Đất đai bỏ hoang, cỏ dại mọc ngang đầu che khuất ngôi nhà xây tạm luôn cửa đóng then cài. Một số người dân địa phương cho biết, trước đây còn có con nghiện đến các bãi cỏ này để chích hút.

Đi sâu vào Khu TĐC Văn Yên, những ngôi nhà “siêu” nhỏ được xây dựng vội rồi bỏ không, mốc meo, nằm san sát nhau, vắng bóng người qua lại.

Một trong những tiêu chí đối với khu TĐC là đem lại sự tươi mới, môi trường sống xanh, sạch, phát triển hơn cho người dân, nhưng ở khu TĐC Văn Yên, những bãi rác nằm chình ình. Rác thải sinh hoạt, đất đá, cát sỏi chất đống cao, che khuất gần hết khu nhà tạm. Đất, đá còn án ngữ cạnh nhà văn hóa xây dựng với kinh phí vài trăm triệu đồng rồi bỏ không.

Vì sao ở vị trí đắc địa như thế, khu TĐC Văn Yên lại vắng người ở? Qua tìm hiểu, sau khi được duyệt TĐC, nhiều người dân trong diện được cấp đất chỉ đến nhận đất và tiền hỗ trợ, dựng nhà tạm bợ chủ yếu để giữ đất rồi “tháo chạy” khỏi khu TĐC này.

Ông Đào Văn Thanh (Trưởng xóm Dưới 1) nói về Khu TĐC Văn Yên: “TĐC là phải đông vui, sạch sẽ, người dân có cuộc sống tươi đẹp hơn chỗ cũ, nhưng ở đây dường như ngược lại. Ngày thường, khu này vắng vẻ, hẩm hiu. Chỉ khi có đoàn kiểm tra ở tỉnh về, người dân được “xi nhan”, họ sẽ kéo về dọn dẹp nhà cửa, cỏ hoang, rác thải, vui như chuẩn bị đón tết. Nhưng khi đoàn vừa đi, cánh cửa các nhà được đóng lại, họ nhanh chóng trở lại chốn cũ”.

Còn anh Vũ Văn Vẽ (ngụ thôn xóm Mây, xã Văn Yên) được bình xét diện TĐC, cho biết lý do nhận đất xong, nhưng không đến ở vì chưa thể lập nghiệp, đất chật hẹp, chỉ làm được cái bếp thì làm sao mà sống được?

Khu TĐC Tam Va tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ còn nhiều nền đất dân chưa làm nhà

Người dân được cấp đất qúa ít

Tình trạng dân chê, “tháo chạy” khỏi khu TĐC diễn ra ở nhiều dự án. Khu TĐC ở xóm Bậu (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) cũng tương tự. Tại đây, nhà cửa thưa thớt, phần lớn là những ngôi nhà “tí hon”, cửa đóng im ỉm. Đất đai vẫn bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi.

Bà Dương Thị Móng ở Khu TĐC Đồi Tròn (xã Lục Ba, huyện Đại Từ) chia sẻ: “Nhiều người xây nhà, ít ở. Vào dịp lễ, tết thì họ mới về, còn lại đóng cửa đi xa hoặc về lại nhà cũ cho tiện việc đồng áng”.

Chị Lý Thị Gái ở Khu TĐC Tam Va (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) cho biết, người dân ở khu TĐC này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đất chật hẹp, môi trường gò bó, họ không thể thích nghi với cuộc sống mới khi thiếu đất canh tác.

Khi đất canh tác không có, lấy gì để người dân làm kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài, chứ chưa nói đến xóa nghèo, phát triển kinh tế như mục tiêu đề ra? Bởi vậy, không khó để lý giải vì sao người dân “tháo chạy” khỏi khu TĐC.

Tái định cư đến với người dân nghèo vùng ảnh hưởng thiên tai như một “giấc mơ”, nhưng thời gian sau, họ nhận ra đó không phải là “miền đất hứa”. Bà con phải đối mặt với cuộc sống nông thôn, nhưng lại chật hẹp, gò bó như chốn thị thành, không đất canh tác, không được học nghề... Có hộ dân khi bình xét đủ điều kiện nhận đất, nhưng đã từ chối vì sợ phải đánh “một canh bạc” với việc TĐC.

Cuộc sống của người dân tại một số dự án TĐC ở Thái Nguyên không được cải thiện so với nơi ở ban đầu.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên xác định mỗi hộ TĐC được cấp từ 250 - 350m2 đất thổ cư (tùy từng dự án), với diện tích bình quân khoảng 300m2 đất là đủ điều kiện để ổn định đời sống cho người dân. Nhưng tại Khu TĐC Văn Yên, người được nhận đất nhiều nhất là 180m2, người nhận ít nhất là 91m2.

Còn tại Khu TĐC Lục Ba, có hộ chỉ nhận được 200m2. Chưa kể các khu TĐC còn nhiều khu đất trống bỏ hoang, dân chưa đến ở vì chê nhỏ, chỉ phù hợp làm công trình phụ, như nhà vệ sinh và bếp. Đơn cử như Khu TĐC Lục Ba còn 5 ô đất, Khu TĐC Văn Yên còn 20 ô đất chưa phân lô, Khu TĐC Tam Va còn khoảng chục khoảnh đất trống...

Một cán bộ địa chính xã Văn Yên nhận định, cấp đất chưa tới 100m2 thì nông dân không thể ở được, chỉ phù hợp với cán bộ, công chức. Việc phân lô không hợp lý, chỗ nhiều, chỗ ít cũng làm người dân bức xúc. Xã đã đề nghị cấp mỗi lô hơn 300m2 như mong muốn của người dân, nhưng chủ đầu tư không đồng ý.

Một lãnh đạo xã Văn Yên cho biết, nguyên nhân cơ bản là khu TĐC không phù hợp. Trước đây, người dân ở chỗ cũ đất đai rộng, ruộng nhiều, sống thoải mái. Còn khi đến khu TĐC thì chật hẹp, gò bó, không thể trồng trọt, chăn nuôi, tư liệu sản xuất đều ở chỗ cũ.

Vị lãnh đạo này ngao ngán: “Ở chỗ cũ, nhiều người dân có tới hơn ngàn mét vuông đất canh tác, còn khi ra đây cấp được vài trăm mét đất, không làm được gì cả, chỉ phù hợp với người có lương. Có người còn từ chối khi được bình xét TĐC, vì ra đó không sống được. Diện tích chia cho các hộ cũng không công bằng, người ta xây nhà bé chủ yếu để hợp thức lấy 20 triệu tiền hỗ trợ”.

Nói về việc bất hợp lý khi triển khai TĐC tại xã Văn Yên, vị lãnh đạo trên cho rằng, người dân ở nơi cũ không phải khi nào cũng gặp lũ ống, lũ quét, có khi 5 - 10 năm mới gặp một trận. Tuy nhiên, khoảng 8 năm nay, chưa khi nào bị nữa, người dân vẫn ở chỗ cũ được vì đã có dự án kè dọc suối Đầm Mây, yên tâm xây thêm nhà cửa. Dự án kè suối gần như song song với dự án TĐC.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang