(CAO) Bị mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, anh Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, huyện Ứng Hoà, TP.Hà Nội) phải làm bạn với giường bệnh từ ngay khi còn nhỏ. Thấm thoát đã hơn 20 năm là chừng ấy năm, anh sống chung với bệnh tật.
Năm nay 26 tuổi, chừng ấy tuổi là chừng ấy năm anh Nguyễn Văn Tuyên phải đối diện với căn bệnh quái ác liên quan về máu.
Từ khi 9 tháng tuổi, anh Tuyên đã phải nhập viện vì căn bệnh Hemophilia (tan máu bẩm sinh). Cũng từ đó đến nay, thời gian anh ở viện còn nhiều hơn ở nhà.
Trung tâm Hemophilia - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương chính là ngôi nhà thứ hai của anh. Các bác sĩ tại đây như những người bác, chú, anh chị của anh Tuyên.
Chừng ấy năm nằm viện không biết bao khoản chi phí cả gia đình anh phải tần tảo làm đủ thứ việc. Thậm chí phải tha phương làm việc kiếm tiền chạy chữa cho anh.
Mỗi lúc căn bệnh thêm trầm trọng thì chi phí điều trị và nằm viện thêm cao. Dù có làm việc cật lực, gia đình anh cũng không đủ chi phí lo cho anh.
Đang lúc không biết kiếm đâu ra tiền viện phí để níu kéo tính mạng của anh, gia đình anh như vớ được “phao cứu sinh” với việc tham gia bảo hiểm Y tế và được hưởng những chính sách giúp giúp anh vượt qua những đau đớn và gánh nặng tài chính để chữa trị bệnh tật.
Anh Tuyên chia sẻ: “26 năm gắn bó với giường bệnh, sau mỗi đợt điều trị khoảng nửa tháng tôi được về thăm nhà vài ngày. Mỗi đợt điều trị tốn hàng trăm triệu đồng.
BHYT chi trả 100% chi phí điều trị đã giúp anh Tuyên bớt đau đớn và những lo âu về chi phí điều trị căn bệnh quái ác.
Gần đây, bác sĩ còn cho biết, bệnh tôi đã chuyển sang thể kháng thuốc nên thời gian từng đợt điều trị sẽ dài thêm và chi phí cũng tăng lên. Đợt điều trị gần nhất trong tháng 6/2019, tổng chi phí hết 1,04 tỷ đồng”.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập chính từ làm ruộng, chăn nuôi và cửa hàng tạp hoá nhỏ của mẹ. Mấy năm gần đây, cả bố mẹ và hai người em đều vào Nam để làm thuê nhưng cũng khó có đủ kinh phí để chạy chữa cho anh.
“Nếu không được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị, không biết bây giờ tôi và gia đình như thế nào?”, anh Tuyên xúc động nói.
Nam thanh niên 26 tuổi bồi hồi: “Tôi không nhớ cụ thể mình có thẻ BHYT từ bao giờ. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy tấm thẻ màu xanh này. Mẹ tôi vẫn nói đó là “bùa hộ mệnh” của tôi. Quả thật, căn bệnh của tôi quá hiểm nghèo, điều trị lâu dài và rất tốn kém nhưng nhờ có thẻ BHYT mà tôi có thể yên tâm chữa bệnh”- anh Tuyên tâm sự.
Anh Tuyên cho biết, hình ảnh khiến anh nhớ mãi là người bà nội năm nay đã 74 tuổi và tấm thẻ BHYT. Bà đã cao tuổi đó vẫn hằng ngày bên anh, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, xoa dịu những cơn đau, dày vò của bệnh tật.
Còn tấm thẻ BHYT tuy không ở cạnh, nằm im lìm trong tập hồ sơ bệnh án nhưng với anh Tuyên nó vẫn rất thân thương, gần gũi và là chỗ dựa tinh thần cũng như vật chất cho anh trên hành trình còn nhiều gian nan.