Học sinh, người vừa mổ xong cùng đồng lòng dập lửa cứu rừng

Thứ Hai, 01/07/2019 18:48

|

(CAO) Những ngày qua, tại Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi hàng trăm hecta rừng. Để cứu rừng, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ... và người dân đã đồng lòng ngày đêm căng mình chống chọi với “giặc” lửa.

Hình ảnh dãy núi Hồng Lĩnh chìm trong biển lửa khiến ai chứng kiến cũng quặn lòng

Vụ cháy rừng lịch sử

Sau 3 ngày dầm mình trong khói, bụi để dập lửa cứu dãy núi Hồng Lĩnh, Trung tá Nguyễn Văn Lộc – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Hà Tĩnh vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng về vụ cháy rừng.

“Đó là vụ cháy rừng lịch sử, kéo dài suốt gần 3 ngày. Chiều 28-6-2019, khi xảy ra vụ cháy, chúng tôi đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 xe cứu hỏa và 4 máy bơm công suất lớn nhanh chóng có mặt tại hiện trường để phối hợp với các lực lượng chức năng dập lửa.

Sau 10 giờ dầm mình trong biển lửa, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, đến 3 giờ sáng ngày hôm sau lửa lại bùng phát cháy trở lại, anh em lại cấp tốc chỉnh đốn đội hình triển khai phương án chữa cháy.

Lúc đó, mặc dù ai cũng uể oải, mệt mỏi nhưng việc dập lửa cứu rừng là chức trách của mình nên ai cũng phải thực hiện theo mệnh lệnh, gạt qua những mệt mỏi tiếp tục chống chọi thêm một đợt lửa bùng phát kéo dài đến sáng 30-6-2019. Đến nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục trực 24/24 giờ đề phòng lửa tái phát”.

Lực lượng PCCC và công an các đơn vị chiến đấu suốt ngày đêm trong biển lửa để cứu rừng

Đám cháy 2 lần bùng phát trở lại, kéo dài gần 3 ngày, những người tham gia dập lửa cứu rừng ai cũng kiệt sức vì mất ăn, mất ngủ và chịu đựng dưới nắng gắt, lửa khói bỏng rát để ngăn chặn đám cháy. Trong số họ, đa số đều bị bỏng hoặc trầy xước do cây cối đâm vào. Tuy nhiên, trước những đám lửa đang bén sát vào nhà dân, họ đều quên đi những vết thương trên thân thể mình. Tất cả đều nắm chặt vòi nước và dụng cụ để ngăn chặn khống chế đám lửa hung tợn.

Sau 3 ngày đêm gần như thức trắng, Thượng tá Nguyễn Quang Thành – Trưởng Công an H.Nghi Xuân trở về nhà với đôi mắt sâu vì thức trắng mấy đêm liền cùng với nước da đen sạm vì nắng, lửa. Trong những ngày xảy ra cháy rừng, Thượng tá Thành luôn có mặt những vị trí xung yếu để chỉ đạo công tác chữa cháy.

Dãy núi Hồng Lĩnh, nơi bị lửa bao trùm có địa hình phức tạp, dốc đứng. Mặc dù vậy, Thượng tá Thành phải di chuyển liên tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Công an huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng các lực lượng khác để linh hoạt trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Ngoài ra, Công an H.Nghi Xuân cũng phải sớm triển khai phương án di dời dân, đảm bảo an toàn cho những hộ dân lân cận do ảnh hưởng của cháy rừng.

Công an H.Nghi Xuân xuyên đêm di dời tài sản cho những người dân sống gần khu vực xảy ra cháy

“Khi nhận được tin báo xảy ra cháy tại khu vực rừng phòng hộ thuộc núi Truông (thôn 7, xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân), chúng tôi đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân tích cực chữa cháy. Đám cháy lan rộng, chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch di tản giúp 80 hộ dân sinh sống dưới chân núi đến nơi an toàn” – Thượng tá Thành kể lại.

Bữa ăn trưa vội vã bằng những ổ bánh mì và chai nước lọc của cảnh sát PCCC

Không chỉ các lực lượng vũ trang và chức năng xông pha vào giặc lửa, khi xảy ra cháy rừng, những người dân ở gần khu vực cũng là những chiến sĩ can đảm, quyết liệt. Với vết mổ trên vai chưa đầy tuần, khi nghe báo cháy rừng, ông Hồ Khắc Biển (SN 1949, trú thôn 4, xã Xuân Hồng) đã chạy đến hiện trường cùng mọi người cùng dập lửa. Khi đuối sức, ông Biển lại chuyển sang làm việc nhẹ nhàng hơn là dùng dao, rựa chặt cây rừng tạo “đường băng” để cản lửa.

“Trước hỏa hoạn, mọi người ai cũng chung tay quyết liệt chứ không phải riêng tôi. Sống ở dưới chân núi, việc dập lửa cứu rừng chúng tôi cũng đã quen. Đó là một việc làm tập thể và phải đoàn kết với nhau thì mới làm tốt nhiệm vụ được” – ông Biển tâm sự.

Đang là học sinh lớp 8, Trường THCS Lam Hồng, khi xảy ra cháy rừng, em Trần Văn Nam chứng kiến người lớn tay cầm dụng cụ kéo nhau đi dập lửa, Nam cũng đã chạy theo để phụ giúp. Tuổi nhỏ, sức yếu, Nam chọn cách xách nước uống và bánh mì từ chân núi lên cho những người đang trực tiếp dập lửa uống. Cứ thế, suốt đêm Nam làm công tác tiếp tế không biết mệt mỏi với mong muốn đám cháy nhanh chóng được dập tắt.

Nhà hàng đóng cửa, nấu 1.000 suất cơm phục vụ người cứu rừng

Chiều 29-6-2019, ông Lê Văn Hồng, chủ Trung tâm tổ chức sự kiện nhà hàng Minh Hồng (TP.Vinh, Nghệ An) đang nằm trong phòng thì lên mạng đọc thấy, dãy núi Hồng Lĩnh lại bị lửa bùng phát cháy trở lại. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vũ trang cùng các lực lượng chức năng và đông đảo người dân đang dầm mình trong biển lửa để dập tắt.

Một ý nghĩ góp công, góp sức được ông Hồng nảy sinh trong đầu đó là nấu cơm phục vụ những người đang trực tiếp cứu rừng. Ông đã đăng lên Facebook với dòng trạng thái “Có ai nấu cơm miễn phí cho các chiến sĩ công an, bộ đội đang cứu rừng thông không”. Sau khi đăng dòng trạng thái lên Facebook, ông Hồng không thấy ai bình luận trả lời.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ động viên, khen ngợi nghĩa cử vợ chồng ông Hồng

“Thấy vậy, tôi liền bật dậy gọi vợ đóng nhà hàng rồi huy động 30 nhân viên đi chợ mua đồ ăn về chế biến. Đến 19 giờ tối, chúng tôi cũng chuẩn bị được 500 suất cơm, mỗi suất kèm 1 lon nước ngọt và 1 chai nước suối đưa lên phục vụ những người đang dập lửa cứu núi Hồng Lĩnh” – ông Hồng kể lại.

Suốt những ngày xảy ra cháy rừng, vợ chồng ông Hồng tổng cộng nấu 1.000 suất cơm, kèm 1.000 lon nước ngọt và 1.000 chai nước suối để phục vụ miễn phí cho những người tham gia dập lửa. Trong buổi chiều 30-6-2019, vợ chồng ông Hồng đang phát cơm cho lực lượng cứu hộ thì thấy Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến động viên, biểu dương, tặng quà. Trước sự quan tâm của Phó Thủ tướng, vợ chồng ông Hồng rất xúc động và cảm thấy việc làm của mình càng có ý nghĩa hơn.

Vợ chồng ông Hồng chuẩn bị hàng trăm suất cơm miễn phí cho những người dập lửa cứu rừng

Được biết, cứ vào ngày thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, vợ chồng ông Hồng lại nấu nhiều suất cháo phục vụ miễn phí cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Trong ngày 1-7-2019, khi nghe tin bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, trú xã Nam Kim, H.Nam Đàn, Nghệ An) bị tử vong trong lúc dập lửa cứu rừng, ông Hồng đã lên trao 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Hoa. Ngoài ra, ông Hồng còn hỗ trợ 20 triệu đồng huyện Nam Đàn và 5 triệu đồng xã Nam Kim để khắc phục hậu quả của vụ cháy rừng vừa qua.

Theo các cơ quan chức năng, tính đến chiều tối nay (1-7), các đám cháy rừng ở Hà Tĩnh đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn túc trực 24/24 đề phòng lửa bùng phát trở lại.

Bắt tạm giam đối tượng liên quan đến cháy rừng ở Hà Tĩnh

Chiều 1/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Phan Đình Thành (SN 1973, trú thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015. Các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Phan Đình Thành tại cơ quan công an

Liên quan đến vụ việc, vào ngày 28/6, Phan Đình Thành trong lúc gom rác ở trong vườn để đốt nhưng do trời nóng, gió thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn nhà. Sau khi sự việc xảy ra, mặc dù Thành đã dùng xô múc nước cũng như hô hoán mọi người đến để dập tắt đám cháy nhưng bất thành.

Ngọn lửa sau đó bùng phát gây cháy tại thôn 7, xã Xuân Hồng và tiếp tục lan rộng, gây cháy rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An. Sau gần 3 ngày huy động hàng ngàn người cùng các phương tiện tham gia chữa cháy, đến sáng 30/6, đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nghi Xuân, hành vi của Phan Đình Thành đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy". Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Nghi Xuân đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phan Đình Thành để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang