Góc khuất bảo hiểm xe

Thứ Sáu, 26/07/2019 11:18

|

(CATP) Không giống với những loại bảo hiểm (BH) khác về nhà, đất, nhân thọ..., BH xe vô cùng thiết thực trong cuộc sống của người dân hiện nay, bởi nó mang tính bắt buộc, hay nói cách khác là một loại BH mang tính pháp lý.

Đã từ lâu BH xe thuộc loại giấy tờ mà người sử dụng phương tiện bắt buộc phải có, nếu không sẽ bị phạt. Tuy vậy, trên thực tế những loại hình BH này gần như không tồn tại theo đúng tính chất mà lẽ ra nó phải có: BH và bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu phương tiện.

BÁT NHÁO BẢO HIỂM XE

Cách đây 2 năm, bảo hiểm xe máy (BHXM) được bán tràn lan khắp nơi như mớ rau, con cá. Bẵng đi một thời gian, giờ đây nó có vẻ bùng phát trở lại, tuy không lộ liễu như xưa nhưng cũng tấp nập không kém. Hình thức BH này được chào mời tại các cây xăng cùng những đại lý mọc lên như nấm và ngay cả trên đường phố. Chẳng hạn như góc Phan Xích Long, Phan Đăng Lưu, Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội... vào giờ cao điểm thấy xuất hiện nhiều thanh niên phát tờ rơi mời mua BH.

Trong vai người muốn mua BHXM, tôi thực sự bị choáng trước những lời chào mời lẫn giá cả cạnh tranh: từ 20.000 - 40.000đ, 60.000đ, mỗi nơi mỗi kiểu. Những “đại gia” bán hàng qua mạng như Sendo, Lazada cũng chào mỗi người mỗi giá: trong khi Sendo 32.000đ/năm thì Lazada 66.000đ. Những địa chỉ trực tuyến khác như Công ty BH quân đội MIC lại là 55.000đ/năm, trong khi trang bán hàng MoMo thì 60.000đ/năm!

Cũng giống như XM, thị trường BH ôtô cũng “trên trời dưới đất” với đủ kiểu, nhiều giá. Tuy không được bán bình dân đại trà ngay lề đường như XM, nhưng mặt hàng BH này khá xôn xao và cũng luôn lọt top đầu mang tính chất “kinh tế mũi nhọn” trong các loại hình BH hiện nay. Nhưng nếu phí BHXM đồng giá thì phí BH ôtô lại phân biệt theo từng loại, căn cứ vào chỗ ngồi trên xe hoặc theo trọng tải xe.

Cũng chính vì vậy mà nó càng bát nháo hơn trong lúc người mua chẳng biết đường nào mà lần, khi những đơn vị BH lớn, nhỏ như BH ôtô Liberty, Pjico, Bảo Việt, Ebaohiem... mỗi người đưa ra một giá và không ít nơi hứa hẹn giảm giá rất sâu, thậm chí đến 50%, đồng thời tới tận nơi để thực hiện các thủ tục mua bán mà theo lời quảng cáo thì rất nhanh, gọn, lẹ...

Tại sao một loại hình có tính pháp lý như BH xe mà giá cả lẫn cách thức bán hàng lại bát nháo đến vậy? Nguyên nhân đầu tiên lý giải cho hiện tượng này là sự lập lờ đánh lận trong BH. Do thiếu hiểu biết hoặc thậm chí chẳng thèm quan tâm, chỉ muốn mua cho có để đối phó nên không ít người cần BHXM đã vội vã mua ở lề đường với mức giá 20.000đ, xong rồi thì ngơ ngác vì vẫn bị công an (CA) xử phạt như thường.

Bảo hiểm xe máy, ô tô giá rẻ bán tràn lan ngoài đường ở TP.HCM. Ảnh: Quang Định

Hiện nay, theo quy định nhà nước, mức BH bắt buộc áp dụng cho XM: với xe dưới 50 phân khối là 55.000đ/năm, còn trên 50 phân khối là 66.000đ/năm. Vậy tại sao lại có mức giá 20.000đ? Trên thực tế, đây là loại hình BH không bắt buộc, hay còn gọi là BH cho người ngồi trên XM. Với loại BH bắt buộc, người được BH sẽ hưởng đến 100 triệu đồng/ vụ/người và 50 triệu đồng/vụ/xe; còn BH không bắt buộc với mức giá từ 10.000 - 40.000đ thì người được BH chỉ nhận cao nhất 5 triệu đồng/vụ.

Đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người, những tay bán BH đường phố đã chào loại hình BH này với đủ kiểu giấy tờ, con dấu... Nhiều người nhắm mắt mua đại, cho đến khi bị cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu xuất trình loại BH dân sự bắt buộc thì mới ngỡ ngàng nhận ra cái cần chính thì không mua, lại đi mua cái phụ!

HỨA NHƯ TIÊN, ĐÒI TIỀN “ĐẮNG HƠN THUỐC”

Tuy vậy, hiện nay vẫn có không ít nơi bán BH dân sự bắt buộc với cái giá rẻ hơn nhiều so với mức quy định. Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, tôi đã gặp anh Trần Văn Mỹ - người bán BH xe lâu năm, có đại lý (ĐL) trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Theo anh Mỹ thì nguyên nhân từ sự khác biệt về giá và có những nơi bán BH giá rẻ nhiều hơn so với quy định là bắt nguồn từ chính sách khuyến mãi của tổng công ty BH.

Một người hỏi mua bảo hiểm xe giá rẻ ngoài đường

Thông thường, các công ty sẽ chi hoa hồng (HH) cho ĐL 20%, tức khoảng 13.000đ. Sau đó, các ĐL sẽ được cho thêm 50% trên HH, tức 6.600đ để tính vào phương tiện đi lại, kinh doanh... Nếu ĐL đạt được doanh số cao thì sẽ được cho thêm 10% HH nữa. Vì vậy, trên thị trường mới có giá BHXM bắt buộc mà chỉ bán từ 35.000 - 45.000đ. Nhưng vì sao nhiều ĐL thay vì hưởng số tiền HH khi bán BH, lại trừ nó đi để bán rẻ cho khách?

Câu trả lời là: vì họ muốn giữ “mối quan hệ” hàng đầu với tổng công ty và nhờ đó, họ sẽ được hưởng nhiều lợi ích khác về sau. Còn công ty BH, tại sao lại chi HH mạnh tay cho các ĐL? Câu trả lời cũng đơn giản không kém: tuy gọi là BH, nhưng hiện nay quyền lợi của công ty và KH chỉ mang tính một chiều, hay nói cách khác, đa phần người mua BH xe máy chỉ để đối phó với CSGT, chứ khi xảy ra sự cố chẳng mấy ai đi đòi BH, vì họ hiểu rằng nhận được khoản này thì cũng phải bầm dập, trầy vi tróc vảy chứ chẳng chơi.

Cứ cho rằng BHXM là số tiền nhỏ, còn BH các loại ôtô là khoản tiền lớn nên người được BH có thể dễ dàng được đền bù hơn khi xảy ra sự cố, nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản như vậy! Anh Trần Hoàng - Giám đốc Công ty vận tải K.U (trụ sở nằm tại Cát Lái, Q2) - từng thốt lên cay đắng: “Bảo hiểm ư? Khi bán thì hứa như tiên, khi đòi tiền còn đắng hơn thuốc!”. Năm 2018, công ty anh mua BH của Công ty BH Hàng không. Sau đó, xe container của anh gặp sự cố khi lưu thông, tài xế bị va quẹt với người lái XM trên đường. Công ty BH cho người xuống chụp hình làm việc với CSGT.

Mọi thủ tục tưởng đã xong nhưng mãi anh Hoàng vẫn không nhận được tiền BH. Khi gọi đến hỏi thì công ty BH cho biết nhân viên đi xác minh quên... chưa lưu lại hồ sơ từ CA và yêu cầu cung cấp lại. Lúc này đã sang năm 2019, bên CA cho biết hồ sơ đã quá hạn, cất lưu trữ, trong khi người bị va quẹt khi lái XM đã bỏ đi biệt tích xứ nào, biết tìm đâu ra để xác minh?

Có thể nói, các công ty BH, mà đặc biệt là BH ôtô, sở hữu cả thứ “nghệ thuật làm khó” bài bản khi KH gặp sự cố. Việc “làm khó” phổ biến nhất phải kể đến là lôi các tiêu chuẩn thuốc men và tuyến bệnh viện (BV) ra để từ chối bồi thường. Khi một người bị nạn, thường họ sẽ được đưa vào cấp cứu tại BV gần nhất và cho sử dụng những loại thuốc có tác dụng cao nhất để giúp điều trị tốt. Nhưng sau đó BH sẽ lấy cớ BV này không nằm trong tuyến BH, loại thuốc ấy không nằm trong danh sách thuốc chi BH, coi như huề trớt!

Một vụ tai nạn ô tô mà chủ xe trần ai đi đòi tiền bảo hiểm

Thủ tục đầu tiên mà các công ty BH đòi nạn nhân phải có là biên bản hiện trường của CA và cuộc gọi đến đường dây nóng của công ty! Nhưng đa phần điều này cũng không thực hiện được, bởi khi xảy ra tai nạn, điều đầu tiên phải nghĩ đến là đưa nạn nhân vào BV chứ không phải “giữ nguyên hiện trường”; mà thậm chí nhiều trường hợp giữ nguyên hiện trường, nhưng kết luận của CA một đằng, kết luận của phía BH lại một nẻo và có cả luật bất thành văn kỳ cục trong giao thông nước ta là: khi hai xe va quẹt nhau, cứ... xe lớn thường là phía gây ra lỗi, bất kể việc phương tiện này chấp hành đầy đủ Luật Giao thông.

Bảo hiểm xe các loại không chỉ là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mà còn mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, do cách làm việc thiếu chuyên nghiệp lẫn không có sự “sòng phẳng” cần thiết giữa bên bán và phía mua, nên BH xe hiện nay vẫn chưa lấy được lòng tin từ KH, khiến tâm lý nhiều người chỉ mua để mang tính đối phó.

Thiết nghĩ các công ty BH xe cần hướng dẫn một cách rõ ràng từng điều khoản, điều luật với người mua BH, đồng thời cũng nên có chính sách giải quyết linh động để người mua cảm thấy quyền lợi của họ được bảo vệ, chứ không phải từ vị trí “thượng đế” cần được phục vụ, họ lại bị hành bởi “ngàn lẻ một” thủ tục và thủ thuật, khiến họ nản đến mức bỏ cuộc, coi như bỏ không luôn khoản BH mà lẽ ra họ phải được nhận!

Bình luận (0)

Lên đầu trang