Miền Tây ngóng lũ:

Kỳ cuối: Lũ về muộn, nhiều dòng sông nước thấp lịch sử

Thứ Bảy, 27/07/2019 09:10  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Theo dự báo của ngành chức năng, hiện mực nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Biển Hồ và trên sông Mê Công đang ở mức thấp kỷ lục. Điều này khiến cho lũ về muộn, thấp và gây ra bao hệ lụy như: hạn hán, xâm nhập mặn...

Nước sông Hậu đang xuống thấp, khiến làng cá bè Cồn Tiên (An Giang) kém nhộp nhịp như năm lũ lớn.

Nước sông Mê Công, Biển Hồ thấp kỷ lục

Mới đây, Ủy ban Sông Mê Công vừa phát đi thông báo cho biết mực nước sông Mê Công đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Từ thượng nguồn của lưu vực hạ lưu sông Mê Công ở Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) đến Viêng Chăn (Lào), xa hơn đến Nong Khai (Thái Lan) và Prey Veng (Campuchia) mực nước đều thấp hơn mức năm 1992 – năm được ghi nhận thấp nhất trong lịch sử.

Theo đó, mực nước hiện tại ở Chiang Saen là 2,1m, thấp hơn 3,02m đo được trong 57 năm qua (1961 – 2018) và thấp hơn 0,75m so với mức tối thiểu từng ghi nhận.

Còn tại Biển Hồ là nơi điều tiết nước ngọt cho khu vực hạ lưu sông Mê Công. Toàn bộ Biển Hồ giáp với 5 tỉnh của Campuchia là Siem Reap, Kampong Chnang, Kampong Thom, Patampang và Pursa. Mùa khô hiện tích hồ là khoảng 10.000 km2 và thường tăng lên khoảng 16.000 km2 vào mùa mưa. Tuy nhiên, thời điểm này đang vào mùa mưa nhưng mực nước ở Biển Hồ cũng đang xuống thấp ở mức kỷ lục.

Lũ không về cảnh đánh bắt cá linh không diễn ra như những năm trước.

Tại Hội nghị tổng kết sản xuất vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2019 khu vực Nam bộ vừa mới diễn ra ở tỉnh Hậu Giang, ông Lữ Cẩm Khường – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang - cho biết: “Theo dự báo, mùa lũ năm nay sẽ không đến sớm và chỉ ở mức báo động 2. Hàng loạt đập ở thượng nguồn chặn hết rồi làm gì có nước nữa”.

Theo ông Khường, tuy lũ về muộn và nhỏ sẽ thuận lợi cho các địa phương trong tỉnh sản xuất lúa thu đông. Hơn nữa, nhiều năm qua, tỉnh đã chủ động đắp đê bao khép kín nhiều vùng trồng lúa nên người dân an tâm sản xuất.

Dự báo miền Tây sẽ có lũ nhỏ và muộn.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, mùa lũ năm 2019 sẽ ít khả năng xuất hiện sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ có thể xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2018.

Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cũng dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với TBNN, dao động từ báo động 1 đến báo động 2, xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Lũ về muộn miền Tây mặt với hạn mặn khốc liệt.

Lũ không về, hạn mặn "tấn công"

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, một năm trung bình sông Mê Công có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về.

“Nước ở lưu vực Mê Công ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán”, ông Thiện nói. Về cách ứng phó, ông Thiện khuyến cáo, đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.

“Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn, vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô ích. Đó là vì những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra.

Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau, nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong” - thạc sĩ Thiện chỉ rõ và dẫn chứng.

ĐBSCL đứng trước nhiều nguy cơ khi lũ nhỏ và về muộn.

Trước câu hỏi các đập thủy điện có tác động ra sao đối với lượng nước sông Mê Công và ĐBSCL, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lý giải: “Đầu tiên chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Tác động chính của các đập thủy điện Mê Công là chặn phù sa và cát, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại còn do một yếu tố nội tại đó là phần lớn diện tích khu vực này đã có đê bao khép kín không cho lũ vào”.

Trước những tác động nêu trên, thạc sĩ Thiện cho biết về lâu dài cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, còn bớt đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược. Như vậy sang mùa khô, đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

Không những sông mà hồ trữ nước cũng cạn khô.

Những giải pháp cấp bách

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, mực nước trên sông Mê Công qua ĐBSCL thấp so với cùng kỳ. Đó là chỉ dấu cho thấy mùa lũ sắp tới nếu có cũng sẽ rất thấp. Mùa lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như: phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Qua đó làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng.

Hồ Soài Check - nơi trữ nước của vùng Bảy Núi (An Giang).

Về giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Ngoài ra tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại, trong đó những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Ngoài ra là chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.

Giảm lúa vụ 3 là một trong những giải pháp ứng phó.

Theo ông Trần Anh Thư – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Sở NN-PTNT lên ngay kế hoạch giảm 20.000 héc-ta của vụ lúa thu đông để đưa vào chương trình xả lũ năm nay. Trong bối cảnh này mà tính chuyện chuyển lúa sang loại cây trồng khác sẽ khó khăn vì tiêu thụ thế nào, liên kết ra sao. Cái dễ làm nhất là những vùng nằm trong lộ trình phải xả lũ theo quy định sẽ ưu tiên, còn những vùng lẽ ra sang năm cũng đưa vô luôn để tăng diện tích được xả lũ.

Ngoài ra cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tại hội nghị về phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Nam năm 2019 do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 19 và 20-7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Dự báo mới nhất, khoảng từ năm 2025-2030, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 7%, giảm rất nhiều, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông rất đáng quan tâm. Hiện nay, chúng ta mới có 13/19 tỉnh có xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, 6 tỉnh còn lại phải khẩn trương hoàn thiện phương án. Đề nghị các địa phương cần thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát hành trình, cảnh báo thiên tai…

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang