(CAO) Thế giới trong năm 2024 trải qua nhiều biến động từ chính trị, xã hội đến môi trường.
Về chính trị, quốc tế đổ dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với sự trở lại chính trường của cựu tổng thống Donald Trump. Ông đã chiến thắng áp đảo mở ra một nhiệm kỳ mới với nhiều quyết sách được dự báo sẽ gây “náo động” chính trường quốc tế như áp thuế nặng lên các mặt hàng xuất khẩu của các đối tác thương mại có thâm hụt lớn với Mỹ, trục xuất người nhập cư trái phép hay buộc các nước thành viên trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi cho ngân sách quốc phòng chung.
Cuộc chiến tại Trung Đông với chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza, những màn đấu pháo qua lại xuyên biên giới giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Li-băng đã gây ra nhiều thiệt hại cho dân thường vô tội cũng như hạ tầng tại khu vực.
Xung đột tại khu vực này một lần nữa khắc sâu mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc âm ỉ trong nhiều thập kỷ.
Tàu container Dali tông sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Mỹ vào ngày 26/3 khiến 6 người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Cuộc chiến tại Ukraine - cuộc chiến lớn nhất trên đất Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai cũng đem đến nhiều đau thương, mất mát với sự giằng co qua lại giữa hai bên đặt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trong khu vực.
Về xã hội, xung đột vẫn âm ỉ diễn ra trong lòng xã hội của nhiều nước: đó là sự trỗi dậy của tư tưởng bài ngoại, phản đối làn sóng người nhập cư ở nhiều nước Châu Âu, biểu tình chống chính phủ diễn ra ở nhiều nơi phản đối các chính sách công mà nhiều người cho là bất cập, tình trạng phân hoá giàu – nghèo vẫn còn đó tạo ra mâu thuẫn về tầng lớp trong các xã hội.
Về môi trường, tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều nơi ở các quốc đảo Thái Bình Dương được dự báo sẽ chìm dưới mực nước biển nếu các quốc gia không chung tay cùng hành động để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Bên cạnh những “mảng tối”, vẫn còn đó những “gam màu” tươi sáng trong bức tranh toàn cầu. Đó là những bước tiến về khoa học – công nghệ điển hình là thế hệ các tên lửa đẩy có thể sử dụng nhiều lần của Space X giúp con người tiến gần hơn với giấc mơ đưa người lên sao Hoả…
Tất cả tạo nên bức tranh muôn màu cho thế giới trong năm 2024.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bị thương sau khi bị ám sát hụt tại bang Pennsylvania hồi tháng 7. Bất chấp 2 lần bị ám sát hụt trong năm và vướng vào những rắc rối pháp lý, ông đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 để trở lại Nhà Trắng - Ảnh: AP
Không ảnh chụp nhà cửa chật chội chen chúc nhau trên những ngọn đồi ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti vào ngày 13/5. Haiti là một trong những quốc gia nghèo nhất Thế giới, trong năm qua tiếp tục chìm trong xung đột - Ảnh: AP
Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi vẫy chào đám đông ủng hộ vào ngày 4/6 khi ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Ấn Độ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ xung đột biên giới với Trung Quốc, bạo lực tình dục xảy ra đối với phụ nữ cho đến xung đột giai cấp cần ông Modi giải quyết trong nhiệm kỳ mới - Ảnh: AP
Lực lượng cứu hộ tìm người sống sót sau trận động đất ở Hoa Liên, Đài Loan vào ngày 3/4. Trận động đất này có cường độ lên đến 7,4 độ richter. Trong năm qua không chỉ động đất mà nhiều loại thiên tai khác như bão, lũ, hạn hán đã quét qua nhiều khu vực trên toàn cầu đã gây ra nhiều đau thương, mất mát - Ảnh: New York Times
Biểu tình rầm rộ chống chính phủ ở Bangladesh vào ngày 5/8 đã dẫn đến sự ra đi của thủ tướng Sheikh Hasina sau nhiều năm cầm quyền - Ảnh: Getty
Một đứa trẻ người Palestine bị thương, được chữa trị ở bệnh viện tại Rafah sau đòn không kích của Isarel vào ngày 7/2. Xung đột tại dải Gaza tiếp tục leo thang trong năm qua khi Tel Aviv tiến hành không kích và đưa bộ binh vào dải đất này nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas - Ảnh: Getty
Khu phố đổ nát sau đòn không kích của Israel nhắm vào thành phố Rafah, phía nam dải Gaza vào ngày 22/2 - Ảnh: AP
Những người Isarel cầm ảnh của người thân là những con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc, tuần hành đến Jerusalem yêu cầu chính phủ Israel hành động để các con tin được trao trả - Ảnh: Getty
Một người đứng ở đảo Sicily, Ý quan sát dòng nham thạch phun ra từ núi lửa Etna vào ngày 15/7 - Ảnh: Reuters
Lực lượng quân đội tiếp cận hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân trong trận lở đất ở Liangshui, Trung Quốc vào ngày 22/1 - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden gặp nhau tại Nhà Trắng vào ngày 13/11 sau khi ông Trump đắc cử, chính thức trở lại Nhà Trắng - Ảnh: Getty
Khung cảnh cháy khu nhà tạm ở thủ đô Manila, Philippines vào ngày 24/11 khiến 2000 hộ gia đình trở thành vô gia cư. Nó cho thấy bức tranh chênh lệch giàu - nghèo ở nước này - Ảnh: AFP
Người dân tập trung ở quảng trường Umayyad, thủ đô Damascus, Syria vào ngày 9/12 sau khi hay tin lực lượng phiến quân đã lật đổ chế độ của tổng thống Assad - Ảnh: New York Times
Đội tuyển Pháp vẫy cờ trong lễ khai mạc Thế vận hội (Olympic) mùa hè vào ngày 26/7 tại thủ đô Paris, Pháp - Ảnh: AP
Vận động viên cầu lông Trung Quốc Liu Yuchen cầu hôn bạn gái Huang Yaqiong tại Olympic Paris vào ngày 2/8 sau khi cô và Zheng Siwei đạt huy chương vàng trong nội dung hỗn hợp - Ảnh: AFP
Một chiếc máy bay bay qua bầu trời khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần ở Bloomington, bang Indiana, Mỹ vào ngày 8/4 - Ảnh: Getty
Những người hành hương đổ về thánh địa Mecca (Ả Rập Saudi) vào ngày 11/6. Mecca là thánh địa linh thiêng nhất cùa Hồi giáo - Ảnh: Getty
Những nhà lập pháp thuộc đảng đối lập tập trung tại toà nhà quốc hội ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 6/12 để phản đối tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật bất ngờ. Hành động của ông Yoon đã đẩy Hàn Quốc lún sâu vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ - Ảnh: AP
Tên lửa đẩy siêu nặng của SpaceX, vừa phóng tàu vũ trụ Starship chưa có người lái, đã quay trở lại bãi phóng thành công gần Boca Chica, Texas, , Mỹ vào ngày 13/10. Đây là chuyến bay thử nghiệm mới nhất của hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo - Ảnh: Getty
Đội cứu hộ giải cứu một người đàn ông bị vùi trong đống xà bần sau đợt không kích của Nga nhắm vào Kharkiv, Ukraine vào ngày 1/9. Năm qua chiến sự tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt khi lực lượng hai bên tiếp tục giằng co nhau trên chiến trường - Ảnh: New York Times
Lính cứu hoả tại một khu dân cư ở Kharkiv, Ukraine sau đòn tập kích của Nga vào ngày 10/2 - Ảnh: AP
Người dân Ecuador sống trong cảnh mất điện do hạn hán vào ngày 23/9. Nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng - Ảnh: Reuters
Cả khu phố ở Valencia, Tây Ban Nha tan hoang vì lũ lụt vào ngày 30/10. Các loại hình thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng nhiều trên Thế giới do biến đổi khí hậu - Ảnh: Getty
Cháy rừng diễn ra ở bang California, Mỹ vào ngày 7/8 do tình trạng hạn hán kéo dài - Ảnh: AP
Băng tan ở Bắc Cực do tình trạng nóng lên toàn cầu. Ảnh chụp vào ngày 6/7 - Ảnh: Getty
Thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) ngập lụt do mưa lớn vào ngày 18/4 - Ảnh: AP
Những người nhập cư Venezuela cố băng qua hàng rào biên giới để vào đất Mỹ ở địa phận El Paso, bang Texas vào ngày 26/3. Thất nghiệp, bạo lực băng đảng ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ khiến nhiều người bất chấp tính mạng để vượt biên vào Mỹ - Ảnh: Getty
Hai người ôm nhau trên đường phố ở thủ đô Vienna, Áo vào ngày 26/9 - Ảnh: AP
(CAO) Khi năm 2024 gần kết thúc, hãng tin Reuters đã tổng kết các chủ đề chính chi phối bức tranh chính trị, kinh tế và xã hội thế giới trong suốt một năm qua, nổi bật ở các khía cạnh: Lạm phát, các cuộc bầu cử và chiến tranh xung đột.