(CATP) Còn được biết với tên “âm hôn” (đám cưới ma), đây là nghi lễ kết hôn của 2 người đã khuất hoặc giữa 1 người sống với người đã về với thế giới bên kia. Theo quan niệm xưa ở một số quốc gia Châu Á -trong đó có Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên..., trường hợp chưa kết hôn trước khi chết nghĩa là một phần tâm nguyện chưa tròn, vì thế hôn sự phải được gia đình chu toàn, nếu không linh hồn người đã khuất không tìm được sự bình yên ở thế giới bên kia sẽ quay về quấy nhiễu...
“Minh hôn” để người chết được hạnh phúc, người sống sẽ bình an?
Theo nhiều tài liệu ghi chép, tại TQ, “minh hôn” phát triển mạnh nhất vào đời nhà Tống và chính thức bị cấm sau năm 1949, hiện chỉ còn tồn tại ở một số vùng quê xa xôi hẻo lánh, được chia làm 2 dạng: một là liên quan đến những cặp đôi đã chết trước hoặc sau khi đính hôn, gia đình 2 bên sẽ tổ chức lễ cưới và chôn cất họ cùng nhau; dạng còn lại liên quan đến những cá nhân chưa lập gia đình khi còn sống và được mai mối tổ chức “đám cưới ma” sau khi qua đời.
Điều này, theo các chuyên gia xã hội học lý giải, do người TQ rất chú trọng việc thờ cúng tổ tiên, vì thế gia đình nào chỉ sinh con gái và khi người này mất mà chưa lấy được chồng thì sẽ không có người thờ phụng. Xót con, song thân sẽ tìm mối duyên âm cũng lẻ bóng khác xin kết đôi để bên chồng mang bài vị của cô gái về lo hương khói. Trường hợp bất khả kháng, nhà gái buộc phải tìm mua “rể sống”, đó là những thanh niên chưa vợ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được đàng gái trả tiền để kết duyên âm cùng con gái họ và ngược lại, các cô gái còn sống sẽ kết duyên âm cùng người đàn ông đã khuất với lễ nghi đầy đủ, hồn ma của đôi nam nữ cũng được may áo cưới và cử hành hôn lễ, chôn cùng 1 mộ, quần áo và trang sức là hàng mã được đốt sau lễ âm hôn cho cả hai mang theo dưới suối vàng. “Đám cưới ma” cũng được tổ chức trong trường hợp hai bên đã có hôn ước nhưng 1 trong 2 người đột nhiên qua đời. Thêm một nguyên nhân được cho là liên quan đến phong thủy mồ mả, do người xưa cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của dòng tộc sau này và “minh hôn” là để giúp “hóa giải vận hạn”.
Thường sau nghi lễ âm hôn, 2 bên gia đình thông gia cũng trở nên gắn bó hơn, sẽ thăm viếng nhau vào dịp lễ, Tết, hội hè...
“Minh hôn” vẫn còn tồn tại ở một số khu vực của Trung Quốc
“Âm hôn” và những đường dây phạm tội
Xuất phát điểm là vậy nhưng tập tục trải qua hàng ngàn năm ở TQ này cũng có nhiều mặt trái khi hiện vẫn tồn tại ở những vùng sâu vùng xa ở miền Bắc Trung Quốc. Xác chết và tro cốt của nhiều phụ nữ trẻ dần trở thành món hàng mua bán trong các cuộc minh hôn. Việc một số gia đình khá giả ở nông thôn nước này sẵn sàng bỏ tiền tìm mua “cô dâu, chú rể ma” cho con trai, con gái đã chết để tiến hành “đám cưới ma” là hành vi phạm pháp. Những phụ nữ càng xinh đẹp chết trẻ thì giá càng cao, ở thị trường chợ đen có thể lên tới hàng chục ngàn đôla, dẫn đến hành vi đào trộm mồ mả để mua bán xác chết. Tinh vi hơn, các đường dây phạm pháp này còn nhờ bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ngay trên thi thể vừa đào trộm để trông trẻ hơn, bán được nhiều tiền hơn.
Liên quan đến hành vi trên, tháng 3/2013 bốn đối tượng trộm mộ ở tỉnh Thiểm Tây, TQ đã bị tuyên phạt hơn 2 năm tù vì lấy cắp hơn 10 xác chết để bán ra "chợ đen". Năm 2015, tại tỉnh Sơn Tây, người dân phát hiện 14 thi thể nữ bị đánh cắp, hầu hết sau đó trở thành “quỷ thê”. Năm 2016, một người đàn ông ở tỉnh Cam Túc đã sát hại 2 phụ nữ mắc bệnh tâm thần để bán thi thể cho các cuộc “minh hôn” và bị cáo này đã phải nhận án tử hình vào năm 2021. Tháng 11/2021, tro cốt của một cô gái nổi tiếng trên mạng ở tỉnh Sơn Đông đã bị nhân viên nhà tang lễ đánh cắp và bán cho 1 gia đình ở địa phương để tổ chức “minh hôn”.
Thủ phạm trong các đường dây này có thể kiếm từ 50.000 - 70.000 nhân dân tệ (tương đương 7.000 - 10.000 USD). Hiện Chính phủ TQ vẫn tiếp tục nỗ lực dẹp bỏ hủ tục này, bất cứ ai đánh cắp hoặc tiêu hủy xác chết đều có thể bị phạt tù tới 3 năm.
Theo các nhà xã hội học, cho dù đó là vì mục đích tốt đẹp muốn cho người đã khuất hạnh phúc nơi suối vàng, “minh hôn” suy cho cùng chỉ nhằm giúp những người đang sống được an ủi và giải tỏa khỏi sự dằn vặt.
Dựa theo hủ tục trên, mới đây Hàn Quốc đã sản xuất bộ phim điện ảnh cùng tên, xoáy sâu vào những góc khuất tội ác của con người, tái hiện nghi thức minh hôn để vạch trần bộ tội ác của giới tài phiệt đối với những người vô tội. Bộ phim được đánh giá cao nhờ cách xây dựng bối cảnh ma mị của những nghi lễ gọi hồn, “minh hôn” sát với đời thực, mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh của người Á Đông khiến người xem bị ám ảnh.
(CATP) Dù có nhiều phiên bản sao chép thể hiện ấn tượng để lại của tác phẩm hội họa từng được yêu thích này, nhưng những người sở hữu thường thấy ẩn sâu bên trong các nét vẽ được tạo nên bằng tình cảm của người cầm cọ luôn là sự bí ẩn đáng sợ khiến tất cả trở nên ám ảnh hơn.
Nguyễn Xuân (theo Chinapress, Beijing News)