Khốn khổ đi tìm công lý

Chủ Nhật, 15/09/2024 11:49

|

(CATP) Ông Cao Văn Tư (SN 1938, ngụ KP.Bến Đò, P.Long Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM) có đơn gửi đến Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM, phản ánh về việc một số cán bộ thuộc UBND P.Long Bình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, xây dựng và bao che cho doanh nghiệp sử dụng đất trái mục đích.

MÒN MỎI ĐI KHIẾU NẠI

Theo ông Tư, toàn bộ diện tích hơn 19,5ha là đất trồng cây lâu năm, thuộc các thửa đất số 228, 231a và 231b, tờ bản đồ số 2, xã Long Bình, huyện Thủ Đức (nay là P.Long Bình, TP.Thủ Đức) là của ông. Trước năm 1975, đây là đất của ông Hoàng Đôn Thận. Đến năm 1974, ông Thận giao cho ông Tư quản lý, sử dụng đến nay và đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Trên phần đất này, gia đình ông Tư trồng cây lâu năm như: điều, tràm, mít, xoài. Hiện nay, UBND P.Long Bình cho rằng phần đất này là do Nhà nước quản lý trên giấy.

Từ năm 2013, Công ty TNHH MTV San lấp mặt bằng Long Bình (Công ty Long Bình) dùng phần đất nêu trên để làm cảng container, kho bãi và nhà xưởng, dù cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa cho phép chuyển mục đích từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp, chưa có giấy phép thành lập cảng. Nhưng ở đây, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng nhà xưởng kiên cố mà không có giấy phép xây dựng và mất an toàn. Mới đây nhất, vào tháng 3/2024, doanh nghiệp này tiến hành đổ sàn bê-tông với diện tích khoảng 5000m2, ông Tư đã trình báo UBND P.Long Bình, nhưng không được giải quyết.

Ông Cao Văn Tư

“Với tư cách là các cán bộ được Nhà nước giao thẩm quyền quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn, cán bộ UBND P.Long Bình phải xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích của Công ty Long Bình và các doanh nghiệp liên quan theo quy định, buộc công ty này và các doanh nghiệp chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục hiện trạng. Nhưng, một vài cán bộ phường đã cố tình làm ngơ không xử lý theo quy định, cho doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, để một cảng container không giấy phép hoạt động gần 10 năm nay. Tôi vốn là một du kích đã chiến đấu với quân thù không sợ chết để giải phóng và bảo vệ quê hương, trong đó có mảnh đất này. Song, nay đã gần 90 tuổi, lại phải tiếp tục chống lại các hành vi sai trái của một số cán bộ và cá nhân liên quan tới phần đất này. Dù đã gửi nhiều đơn khiếu nại tố cáo đến nhiều nơi mà vẫn chưa được xem xét giải quyết làm tôi rất buồn!” - ông Tư bức xúc.

Ngày 05/9, chúng tôi đề nghị làm việc với ông Phạm Ngọc Lượng - Chủ tịch UBND P.Long Bình để nắm thêm thông tin. Ông Lượng thoái thác đang bận họp tại TP.Thủ Đức nên PV gửi câu hỏi qua email. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm. Tương tự, từ ngày 06/9, PV đã để lại câu hỏi tại bộ phận tiếp công dân của UBND TP.Thủ Đức, nhưng cũng chưa nhận được phần trả lời để thông tin tới bạn đọc.

Khu vực đất ông Tư đi đòi quyền lợi

NGUỒN GỐC ĐẤT

Tại biên bản cuộc họp với UBND P.Long Bình ngày 10/5/2024, đại diện phía ông Tư cho biết, thửa đất 231a và 231b do ông Tư trực tiếp quản lý và sử dụng liên tục từ năm 1974 đến nay. Ông Tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước đến năm 2010 (khi Nhà nước miễn thuế đất nông nghiệp).

Trong quá trình sử dụng, trên phần đất này gia đình ông Tư trồng cây lâu năm, một phần đã bị chặt phá bởi bà Phạm Thị Mỹ Châu. Việc này được bà Châu thừa nhận tại biên bản làm việc giữa hai bên vào ngày 16/3 và 19/3/2024. Việc bà Châu tự ý chặt phá cây, ông Tư có đơn gửi UBND P.Long Bình. Đồng thời, tại biên bản kiểm kê cây trồng ngày 07/02/2000, được lập bởi Công ty Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, thể hiện trên đất có gần 2.000 cây do ông Tư trồng.

Ngày 30/8, chúng tôi liên hệ làm việc với bà Phạm Thị Mỹ Châu, chủ của Công ty Long Bình. Bà Châu thừa nhận, công ty của bà đang cho nhiều doanh nghiệp thuê lại. PV đặt hẹn làm việc với bà Châu tại tòa soạn báo vào sáng 04/9 để xác minh thông tin thì bà Châu nói đang bận đi Hà Nội và cả Trung Quốc.

Về ý kiến cho rằng phần đất thuộc thửa 231a và 231b là đất công là chưa đúng với thực tế và không có cơ sở pháp lý, vì Nhà nước chưa có văn bản xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với hai thửa đất này.

Nhiều doanh nghiệp thuê lại đất từ bà Châu

Tại báo cáo số 245/BC-TTCP ngày 27/02/2018 của Thanh tra Chính phủ ghi: “... theo báo cáo của UBND Quận 9 tại văn bản số 617/UBND-TNMT ngày 15/3/2016, thì từ sau 30/4/1975 phần đất của ông Thận mua tại thửa 231a và 231b có diện tích 71,27ha do chính quyền địa phương quản lý toàn bộ, nhưng chưa có quyết định quản lý, tịch thu, trưng thu, trưng mua, thu hồi”. Điều này nghĩa là, Nhà nước chưa xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với các thửa đất này. Do đó, nếu nói ông Tư lấn chiếm thì lấn chiếm của ai?

Nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải nộp thuế cho Nhà nước, do ông Tư là người trực tiếp quản lý sử dụng từ năm 1974 nên Nhà nước đứng ra thu thuế. Phiếu thu thuế do Chủ tịch UBND P.Long Bình Nguyễn Hoàng Hải ký ngày 10/01/1991, với số tiền 28,4 triệu đồng (tương đương 7.100kg lúa).

Ông Tư là người trực tiếp quản lý và sử dụng đất từ năm 1974 đến nay, trên phần đất này đang có tài sản của khổ chủ là cây lâu năm và tồn tại hàng rào để bảo vệ đất. Chưa có một văn bản nào kết luận đây là đất công, ông Tư chưa một lần bị xử phạt vì việc sử dụng đất này, nên phải được công nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, ngày 16/9/1992, Chủ tịch UBND huyện Thủ Đức (cũ) có công văn số 741/CV-UB đề nghị đền bù hoa lợi, đất đai cho ông Hoàng Đôn Thận và ông Cao Văn Tư. Vào năm 1995, khi Nhà nước thu hồi 5,9ha giao cho Công ty Đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn lại bồi thường đất cho ông Thận và ông Tư?

Luật sư (LS) Phan Thanh Bình - Đoàn LS TPHCM nhận định, tại Điều 12, Luật Đất đai 2013: Hành vi lấn chiếm đất và sử dụng đất không đúng mục đích là những hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 170, Luật Đất đai về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, có quy định: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Đây là đất nông nghiệp nên các cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng hệ thống nhà xưởng và làm cảng trung chuyển hàng hóa mà không có giấy phép xây dựng là vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư. Các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm phải bị xử phạt và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại Nghị định 91/2019 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc vi phạm về sử dụng đất và xây dựng ở khu vực này diễn ra ở quy mô lớn và kéo dài nhiều năm, do đó có cơ sở khẳng định một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra giám sát.

Bình luận (0)

Lên đầu trang