Vụ "Nhà đất, cây xăng trị giá 6 tỷ đồng, bán... 300 triệu" ở Ninh Thuận:

Chánh án TAND Tối cao kháng nghị lần 2

Thứ Hai, 09/09/2024 15:56  | Văn Cương

|

(CATP) Quyết định (QĐ) kháng nghị Giám đốc thẩm lần 2 của Chánh án TAND Tối cao cho thấy phản ánh của Chuyên đề (Báo) Công an TPHCM là có căn cứ. Vụ án đã trải qua 5 phiên tòa và sắp diễn ra phiên thứ 6 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao! Hành trình kêu oan của ông Ngô Quang Viễn (SN 1957, ngụ khu phố Khánh Sơn 1, thị trấn Khánh Hải, H.Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đang chờ cái kết có hậu, công lý sẽ được thực thi...

Trắng tay sau 2 lần phúc thẩm

Như Báo Công an TPHCM đã phản ánh, ông Viễn chung sống như vợ chồng với bà Bùi Thị Ngọc Lan từ năm 1986, không kết hôn và không có con chung. Hai người đã tạo lập khu đất tại khu phố Khánh Sơn 1, được UBND H.Ninh Hải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) năm 2004 với 1.180m2 thuộc thửa 41a. Cuối năm 2004, ông Viễn - bà Lan lập DNTN Khánh Sơn, xây dựng cây xăng có 4 trụ bơm và nhà điều hành trên thửa đất 41a. Cũng trên thửa đất này, năm 2008, hai người xây căn nhà 125m2 để ở.

Bà Lan mắc bệnh hiểm nghèo nên ngày 07/3/2013, bà cùng ông Viễn ký hợp đồng (HĐ) tặng cho ông Bùi Văn Thức (SN 1966, cháu bà Lan) DNTN xăng dầu Khánh Sơn. Tiếp đến, ngày 20/3/2013, hai người ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 41a và tài sản trên đất (gọi tắt "HĐCN 20/3/2013") cho ông Thức giá 6 tỷ đồng, nhưng công chứng 300 triệu để giảm thuế. Theo thỏa thuận miệng, ông Thức phải trả cho ông Viễn 3 tỷ đồng, còn lại 3 tỷ bà Lan cho ông Thức.

Do không có tiền, ông Thức đề nghị các bên hoàn tất thủ tục sang tên để ông thế chấp vay ngân hàng trả tiền cho ông Viễn. Tuy nhiên, sau khi sang tên, ông Thức không thực hiện.

Ông Ngô Quang Viễn viết đơn kêu oan và khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm

Liên quan căn nhà 125m2, hai bên thỏa thuận không chuyển nhượng mà để ông Viễn và bà Lan ở; sau khi bà Lan mất thì ông Thức quản lý, thờ cúng. Thế nhưng, ông Thức đã đuổi ông Viễn khỏi nhà, hưởng trọn thửa đất và tài sản trên đất.

Ngày 10/7/2016, ông Viễn khởi kiện, yêu cầu hủy HĐCN 20/3/2013; hủy sổ đỏ do UBND H.Ninh Hải cấp cho ông Thức ngày 18/6/2013; hủy HĐ tặng cho DNTN; chia tài sản chung do ông Viễn, bà Lan tạo lập theo tỷ lệ 5/5.

Bị đơn Thức cho rằng ông Viễn - bà Lan đã ký HĐ tặng cho DNTN và HĐCN 20/3/2013 cho ông với giá 300 triệu đồng. Ông đã trả đủ tiền cho bà Lan. DNTN Khánh Sơn đã được chuyển thành Công ty TNHH DV xăng dầu Khánh Hải do ông Thức làm Giám đốc.

Xử sơ thẩm lần 1 ngày 29/9/2017, TAND tỉnh Ninh Thuận bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn. Tại phiên xử phúc thẩm lần 1 ngày 13/11/2018, TAND Cấp cao tại TPHCM y án sơ thẩm.

Ông Viễn kêu oan. Ngày 24/3/2020, Chánh án TAND Tối cao ký QĐ kháng nghị đối với hai bản án trên. Tại Bản án Giám đốc thẩm số 39/2020/DS-GĐT ngày 06/8/2020, TAND Tối cao tuyên hủy cả hai bản án để xét xử lại sơ thẩm.

Xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên Bản án số 23/2022/DS-ST (Bản án số 23) ngày 29/9/2022: Buộc ông Thức phải trả cho ông Viễn 3,925 tỷ đồng. HĐXX nhận định: Theo chứng thư thẩm định, tài sản tranh chấp có tổng giá trị 7,851 tỷ đồng. Ông Thức không chứng minh được đã trả đủ tiền của HĐCN 20/3/2013 cho bà Lan, ông Viễn. Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TPHCM, xác định: "Chữ ký mang tên Bùi Thị Ngọc Lan trên HĐCN 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013 không phải chữ ký của bà Lan". Về giá trị thửa đất 41a và tài sản trên đất: Theo kết quả định giá 27/4/2012 của ngân hàng là 1,052 tỷ đồng, cao hơn giá HĐCN nhiều lần.

HĐXX kết luận: Thửa đất 41a và tài sản trên đất là tài sản chung của ông Viễn - bà Lan chưa được phân chia. Bà Lan không ký vào các giấy tờ liên quan. Ông Thức không chứng minh được đã trả tiền cho ông Viễn dẫn đến HĐCN 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN bị vô hiệu. Đây là tài sản chung nên ông Viễn yêu cầu chia tỷ lệ 5/5 là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 22/9/2023, TAND Cấp cao tại TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán Chung Văn Kết (Chủ tọa), Phạm Công Mười và Hoàng Minh Thịnh, tuyên Bản án số 673/2023/DS-PT (Bản án 673): Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn.

Cây xăng do ông Viễn và bà Lan tạo lập

"Đèn trời" soi xét (!)

Trong đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm và đơn kêu oan, ông Viễn cùng nhóm luật sư trợ giúp pháp lý chỉ ra hàng loạt bất thường của Bán án 673. Trong đó, có hai điểm mấu chốt của vụ án đã được TAND Tối cao chỉ ra là giá chuyển nhượng và nghĩa vụ thanh toán. Tòa sơ thẩm đã tập trung làm rõ nhưng bị cấp phúc thẩm bác toàn bộ. Quan trọng hơn, án sơ thẩm đã xác định rõ chữ ký trong HĐCN 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013 không phải của bà Lan. Đây cũng là điểm mấu chốt của vụ án, nhưng Bản án 637 "quên" đề cập (?!).

Sau khi xem xét, ngày 30/8/2024, Chánh án TAND Tối cao ký QĐ số 76/2024/KN-DS kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án 673 của TAND Cấp cao tại TPHCM. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm, hủy Bản án 673 và giữ nguyên Bản án số 23 của TAND tỉnh Ninh Thuận.

QĐ kháng nghị nêu rõ: Thửa đất số 41a và tài sản trên đất là tài sản chung theo phần của ông Viễn - bà Lan. Quá trình giải quyết vụ án, ông Viễn thừa nhận chữ ký và dấu vân tay tại HĐCN 20/3/2013 là do ông ký tên, điểm chỉ; đồng thời xác định giá chuyển nhượng là 6 tỷ đồng; ghi trong HĐ 300 triệu đồng để giảm thuế. Ông Viễn cho rằng ông Thức chưa thanh toán 300 triệu đồng.

QĐ kháng nghị số 76/2024/KN-DS của Chánh án TAND Tối cao

Thực tế, ông Thức không chứng minh được đã trả hết số tiền của HĐCN 20/3/2013 cho bà Lan - ông Viễn. Bản thân ông Thức cũng thừa nhận không có giấy giao tiền, không có ai làm chứng và chỉ giao tiền cho một mình bà Lan, còn bà Lan có giao tiền cho ông Viễn hay không thì không biết. Ông Thức cho rằng giá chuyển nhượng là 300 triệu đồng là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, có cơ sở khẳng định giá trị của thửa đất 41a và tài sản trên đất tại thời điểm năm 2013 là cao hơn 300 triệu đồng. Mặt khác, nghĩa vụ chứng minh việc đã trả tiền nhận chuyển nhượng là của ông Thức.

Mặc dù không chứng minh được đã thanh toán tiền nhận chuyển nhượng, nhưng ông Thức đã có công sức tu bổ, cải tạo, xây dựng nhà đất và đã quản lý, sử dụng từ năm 2013 cho đến khi tranh chấp. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm giao cho ông Thức được sở hữu 1/2 giá trị các tài sản là có căn cứ, hợp tình, hợp lý.

Như vậy, giá trị quyền sử dụng thửa đất số 41a và tài sản gắn liền trên đất là tài sản chung của ông Viễn, bà Lan chưa được phân chia. Bà Lan không ký vào HĐCN 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013 (theo Kết luận giám định số 1023/C54B ngày 08/5/2017 của Phân viện khoa học hình sự tại TPHCM). Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tạm giao cho ông Thức quản lý 1/2 tài sản là có căn cứ. Những người thừa kế của bà Lan có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật bằng một vụ án khác.

Chánh án TAND Tối cao xét thấy: "Tòa án cấp phúc thẩm nhận định HĐCN 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013 giữa ông Viễn, bà Lan với ông Thức có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ các bên đã thực hiện xong và ông Viễn phải có nghĩa vụ chứng minh ông Thức còn nợ tiền chuyển nhượng, từ đó không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn là không đúng quy định pháp luật".

Nhận được QĐ số 76/2024/KN-DS, ông Viễn bày tỏ niềm vui trong nước mắt: "Đây là lần thứ 2, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm đối với cả hai bản án của TAND Cấp cao tại TPHCM. Tôi tin tưởng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, ra phán quyết công tâm, khách quan, để tôi sớm ổn định cuộc sống, khép lại hành trình hơn 8 năm đi tìm công lý...".

Kỳ án ở Ninh Thuận: Nhà đất, cây xăng trị giá 6 tỷ đồng, bán… 300 triệu (?!)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang