Từ chủ doanh nghiệp thành vô gia cư…
Kèm hồ sơ và đơn kêu oan, ông Viễn trình bày: Ông và bà Bùi Thị Ngọc Lan sống như vợ chồng từ năm 1986, không đăng ký kết hôn, không có con chung. Quá trình chung sống, 2 người tạo lập được khu đất 1.180m2, thuộc thửa 41a, tọa lạc tại KP.Khánh Sơn 1, được UBND H.Ninh Hải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) năm 2004.
Cuối năm 2004, ông Viễn và bà Lan lập DNTN xăng dầu Khánh Sơn, xây dựng cây xăng gồm 4 trụ bơm và nhà điều hành (văn phòng và nhà kho) trên thửa đất 41a, với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng. Năm 2008, hai người xây căn nhà 125m2 để ở, trị giá 1,1 tỷ đồng.
Bà Lan mắc bệnh hiểm nghèo nên ngày 07/3/2013, bà cùng ông Viễn ký hợp đồng (HĐ) tặng cho ông Bùi Văn Thức (cháu ruột bà Lan, SN 1966) DNTN Khánh Sơn. Tiếp đến, ngày 20/3/2013, hai người ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 41a và tài sản trên đất (gọi tắt "HĐCN ngày 20/3/2013") cho ông Thức với giá 6 tỷ đồng, nhưng công chứng chỉ 300 triệu để giảm thuế. Theo thỏa thuận miệng, số tiền 6 tỷ đồng, ông Thức phải trả cho ông Viễn 3 tỷ, còn lại 3 tỷ bà Lan cho ông Thức.
Cây xăng đang xảy ra tranh chấp
Do không có tiền, ông Thức đề nghị các bên hoàn tất thủ tục sang tên để ông thế chấp vay ngân hàng trả tiền cho ông Viễn. Tuy nhiên sau khi sang tên, ông Thức không trả.
Liên quan đến căn nhà 125m2, hai bên thỏa thuận không chuyển nhượng mà để ông Viễn, bà Lan ở; đến khi bà Lan qua đời thì để ông Thức quản lý, thờ cúng. Tuy nhiên, ông Thức đã đuổi ông Viễn khỏi nhà. Hiện, ông Thức và vợ là Dương Thị Hồng đang quản lý toàn bộ thửa đất và tài sản trên đất.
Ông Viễn khởi kiện ngày 10/7/2016, yêu cầu: Hủy HĐCN ngày 20/3/2013; hủy sổ đỏ số CH01359 ngày 18/6/2013 do UBND H.Ninh Hải cấp cho ông Thức; hủy HĐ tặng cho DNTN; chia tài sản chung do ông Viễn, bà Lan tạo lập theo tỷ lệ 5/5.
Bị đơn Thức không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện vì ông Viễn, bà Lan đã ký HĐ tặng cho DNTN và HĐCN ngày 20/3/2013 cho ông với giá 300 triệu đồng. Ông đã trả đủ tiền cho bà Lan. DNTN Khánh Sơn được chuyển thành Công ty TNHH dịch vụ xăng dầu Khánh Hải do ông Thức làm Giám đốc.
Xét xử sơ thẩm lần 1, TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên bản án ngày 29/9/2017, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn. TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xử phúc thẩm ngày 13/11/2018, y án sơ thẩm.
Cả 2 bản án trên đã bị Chánh án TAND Tối cao kháng nghị ngày 24/3/2020. Bản án Giám đốc thẩm số 39/2020/DS-GĐT ngày 06/8/2020 của TAND Tối cao tuyên hủy cả 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Ninh Thuận xét xử lại sơ thẩm.
TAND Tối cao nhận định: Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định thửa đất 41a là tài sản riêng của bà Lan là không đúng, không phù hợp với quy định về xác lập quyền sở hữu chung. Cả 2 cấp tòa chưa xác minh, làm rõ giá chuyển nhượng thửa đất 41a theo thỏa thuận của 2 bên là bao nhiêu và ông Thức đã thanh toán đủ tiền hay chưa, nhưng lại bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn là chưa đủ căn cứ, không đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn. Ông Thức cho rằng đã trả đủ 300 triệu đồng cho bà Lan nhưng không có giấy tờ chứng minh...
Ông Ngô Quang Viễn viết đơn kêu oan
… Đến chia nửa tài sản rồi trắng tay!
TAND tỉnh Ninh Thuận đưa vụ án xét xử sơ thẩm lần 2 với HĐXX do Thẩm phán Trần Thị Dịu ngồi ghế Chủ tọa, tuyên bản án ngày 29/9/2022: Chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông Thức phải trả cho ông Viễn 3,925 tỷ đồng.
HĐXX nhận định: Theo chứng thư thẩm định, tài sản tranh chấp có tổng giá trị là 7,851 tỷ đồng. Ông Thức không chứng minh được đã trả đủ tiền của HĐCN ngày 20/3/2013 cho bà Lan, ông Viễn. Chính bị đơn xác định chỉ giao tiền cho bà Lan nhưng không có giấy giao tiền, cũng không có ai làm chứng. Bị đơn cũng không chứng minh được nguồn thu nhập để có tiền thanh toán. Bản thân ông Thức thừa nhận từ nhỏ đến lớn sống chung với ông Viễn - bà Lan, không có tài sản riêng.
Liên quan đến chữ ký của bà Lan, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TPHCM đã kết luận giám định (KLGĐ): "Chữ ký trong HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013 và HĐCN ngày 20/3/2013 không phải chữ ký của bà Lan".
Về giá trị thửa đất 41a và tài sản trên đất: Theo kết quả định giá để cho vay ngày 27/4/2012 của ngân hàng là 1,052 tỷ đồng, cao hơn giá HĐCN nhiều lần.
HĐXX kết luận: Thửa đất 41a và tài sản trên đất là tài sản chung của ông Viễn - bà Lan chưa được phân chia. Bà Lan không ký vào các giấy tờ liên quan và ông Thức không chứng minh được đã trả tiền cho ông Viễn dẫn đến HĐCN ngày 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN bị vô hiệu. Do đây là tài sản chung nên ông Viễn yêu cầu chia tỷ lệ 5/5 là có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 22/9/2023, TAND Cấp cao tại TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán Chung Văn Kết (Chủ tọa), Phạm Công Mười và Hoàng Minh Thịnh, tuyên Bản án số 673/2023/DS-PT (Bản án 673): Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Viễn.
Ông Viễn trình bày trong nước mắt: "TAND Tối cao chỉ ra 2 điểm mấu chốt của vụ án là giá chuyển nhượng và nghĩa vụ thanh toán. Tòa sơ thẩm đã tập trung làm rõ nhưng bị cấp phúc thẩm bác toàn bộ. Sau hơn 7 năm đáo tụng đình, tốn bao công sức, tiền bạc, thời gian, tôi lại trắng tay. Bản án 673 lộ rõ oan sai nên tôi tiếp tục hành trình tìm công lý”.
Trong đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và đơn kêu oan, ông Viễn cùng nhóm luật sư trợ giúp pháp lý chỉ ra hàng loạt bất thường của Bán án 673:
Thứ nhất, liên quan dấu vân tay và chữ ký của bà Lan: Bản án 637 cho rằng dấu vân tay của bà Lan trên các mẫu so sánh và HĐCN ngày 20/3/2013 là "cùng một người in ra". Trong khi KLGĐ số 102/KLGĐ ngày 12/12/2014 lại xác định "không đủ yếu tố giám định" do vân tay "bị nhòe mực, ít đặc điểm riêng đặc trưng". Còn KLGĐ số 662/C54B ngày 27/01/2016 chỉ xác định dấu vân tay bên phải, riêng dấu vân tay bên trái "không đủ yếu tố giám định" do "bị mờ nhòe".
Về chữ ký: Án sơ thẩm đã xác định rõ chữ ký trong HĐCN ngày 20/3/2013 và HĐ tặng cho DNTN không phải của bà Lan. Đây là điểm mấu chốt của vụ án, nhưng Bản án 637 "quên" đề cập.
Thứ hai, về giá trị HĐCN ngày 20/3/2013 và nghĩa vụ trả tiền: Bản án 673 chấp nhận HĐCN giá 300 triệu đồng và cho rằng, quyền và nghĩa vụ của các bên đã thực hiện xong. Xuyên suốt tất cả các phiên tòa, ông Viễn luôn xác định giá trị HĐCN ngày 20/3/2013 là 6 tỷ đồng, công chứng ghi 300 triệu để giảm thuế. Ông Thức xác định giá 300 triệu gồm tất cả tài sản (1.180m2 đất, 1 căn nhà ở, 1 phòng làm việc, 4 trụ bơm xăng dầu...). Rồi cũng chính ông Thức thừa nhận: "Giá trị các tài sản nêu trên không rõ bao nhiêu tiền". Tòa sơ thẩm đã làm rõ, giá trị các tài sản cao hơn nhiều lần so với giá ghi trong HĐCN. Ngay cả số tiền 300 triệu, ông Thức khai đã trả cho bà Lan cũng là "nói miệng", nên đã bị tòa sơ thẩm bác bỏ với chứng cứ thuyết phục.
Thứ ba, liên quan đến chứng thực: HĐCN ngày 20/3/2013 đã được Văn phòng công chứng (VPCC) Thanh Hằng công chứng cùng ngày (số công chứng 874) và "công chứng bổ sung" ngày 26/6/2013 (sau khi bà Lan qua đời ngày 24/4/2013), có nhiều dấu hiệu trái luật nhưng không được HĐXX phúc thẩm xem xét, làm rõ. Cụ thể, theo ông Thức khai, VPCC Thanh Hằng chỉ cử nhân viên xuống cây xăng lập HĐCN, không có Công chứng viên đi cùng. Khi ký công chứng, ông Viễn - bà Lan và ông Thức không có mặt cùng lúc mà ký ở 2 nơi khác nhau. Thực tế, bà Lan cũng không ký vào HĐCN ngày 20/3/2013.
Thứ tư, DNTN Khánh Sơn của bà Lan được ông Thức chuyển thành Công ty Khánh Hải căn cứ vào HĐ tặng cho DNTN ngày 07/3/2013. HĐ này chỉ có chứng nhận "bản sao đúng với bản chính" của UBND TT.Khánh Hải, không phải chứng thực, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Quan trọng hơn, theo KLGĐ, chữ ký trong HĐ này không phải của bà Lan.
Thứ năm, liên quan đến căn nhà 125m2 xây năm 2008 trên thửa đất 41a: Căn nhà này ông Viễn, bà Lan sử dụng để ở và thờ cúng. Trong HĐCN, các bên không thỏa thuận bán căn nhà này. Sổ đỏ số CH01359 đứng tên ông Thức thể hiện rõ thửa đất số 41a là đất trống. Vấn đề này cũng chưa được hai cấp tòa làm rõ...