“Kỳ án” tranh chấp hợp đồng mua máy in kéo dài 8 năm: Tạm ngừng phiên tòa để giám định máy

Thứ Năm, 19/10/2023 11:13

|

(CAO) Sáng nay (19/10), sau quyết định hoãn phiên tòa theo đơn của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào ngày 29/9, TAND TPHCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm (lần 3) vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá” – liên quan đến việc mua máy in C1100 của hãng Konica Minolta đã kéo dài 8 năm. 

Một lần nữa, HĐXX sau khi thẩm vấn các bên liên quan, đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để tiến hành giám định máy in C1100. Nguyên đơn không giữ được bình tĩnh, la lớn tại tòa và bị chủ tọa cảnh báo sẽ mời khỏi phòng xử nếu tiếp tục lớn tiếng!

Phiên tòa diễn ra căng thẳng ngay từ đầu. Phía bị đơn yêu cầu giám định máy in vì hiện nay máy đã hư hỏng, không còn nguyên hiện trạng và yêu cầu HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì không lừa dối! Bị đơn nhận lại máy theo định giá sau thẩm định và trả tiền.

Phía bị đơn cũng cho rằng, bên cho thuê tài chính là ACBL soạn hợp đồng nên xuất xứ máy từ Nhật Bản không biết lấy thông tin từ đâu chứ thực tế máy có xuất xứ từ Trung Quốc. Bị đơn cũng cho rằng, Quyết định Giám đốc thẩm, hủy án là không có cơ sở!

Trong khi đó, hãng Konica - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Konica không có trách nhiệm liên đới và nghĩa vụ liên quan đến giao dịch mua bán máy C1100 giữa nguyên đơn và bị đơn.

Hai chiếc máy in C1100  chênh lệch giá tiền tỷ từng trưng ở trụ sở Saigonbook

Trước đề nghị nêu trên, ông Lương Vĩnh Kim- Giám đốc Công ty Saigonbook, nguyên đơn trong vụ tranh chấp đã không giữ được bình tĩnh: ‘‘Tôi không đồng ý với bất cứ đề nghị nào của phía Konica và Sao Nam. Lúc phải dừng doanh nghiệp, tôi đã gửi văn bản cho Sao Nam đề nghị cho không máy in C1100, không phải trả tiền để lấy lại mặt bằng cho thuê nhưng họ không nhận. Tôi đề nghị tháo dỡ ra từng cụm để đưa vào kho cất nhưng họ cũng không làm. Máy móc không hoạt động, công nhân hàng trăm người mất việc làm, chia tay tôi ra đi đầy nước mắt. Phải ở trong hoàn cảnh của tôi thì mới thấy hết sự bức xúc đối với vụ án này. Tôi là người trong cuộc, là nạn nhân, khác với người bên ngoài. Bây giờ, nếu dừng lại để thẩm định thì máy móc hư hỏng ai chịu trách nhiệm, chứ tôi trả máy cho Konica từ 2016, lúc đó máy còn mới, nhưng do tòa xử kéo dài nên tôi không có trách nhiệm bảo quản máy kéo dài như thế, mà cũng không thể bảo quản được’’.

Ông Lương Vĩnh Kim còn cho biết, tại bút lục ngày 07/03/2016 có trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ nguồn gốc máy.

Bút lục thể hiện xuất xứ của máy in

Chiếc máy tiền tỷ, theo trình bày của ông Kim tại tòa, sau khi yêu cầu di dời máy không thành, ông tự tháo máy, một phần đưa về nhà để ở phòng thờ, phần thân máy ông trùm kín để ở vỉa hè trước công ty vì chiếm dụng diện tích.

Saigonbook từng có văn bản cho không C1100 nhưng không được chấp nhận

Như Chuyên đề CATP từng thông tin, trong vụ kiện này, nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook); bị đơn là Công ty TNHH Thương mại - Tư vấn - Kỹ thuật Sao Nam (Công ty Sao Nam); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV), Công ty TNHH MTV cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACBL). Trước đó, TAND TPHCM đã 2 lần xét xử phúc thẩm, tuy nhiên cả hai bản án phúc thẩm đều bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy, chuyển trả hồ sơ để TAND TPHCM xét xử phúc thẩm lần 3.

Mua giá 'khuyến mãi" nhưng đắt hơn thị trường hàng tỷ đồng

Theo hồ sơ, ngày 15/8/2014, Saigonbook ký hợp đồng mua máy in C1070P của nhà cung cấp là KMV thông qua đại lý là Công ty Sao Nam với giá 1,32 tỷ đồng. Trong lúc máy C1070P đang chạy thử thì KMV và Sao Nam giới thiệu với Saigonbook mô hình Printing shop đang thịnh hành ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Với vị trí đắc địa Trung tâm sách Sài Gòn (số 474 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) của Saigonbook, KMV và Sao Nam hứa giúp đỡ, tài trợ để Saigonbook xây dựng mô hình Printing shop đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 20/10/2014, Saigonbook đã ký với Sao Nam mua máy in C1100 trong điều kiện được khuyến mại giảm giá đặc biệt 20%, với giá hơn 3,4 tỷ đồng. Saigonbook đã thanh toán hơn 500 triệu đồng đợt đầu ngay khi ký hợp đồng mua máy. Đến kỳ thanh toán tiếp theo để nhận máy, do kẹt dòng tiền nên Saigonbook, Sao Nam và ACBL ký lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng để ACBL cho thuê tài chính thanh toán mua máy. Theo tư vấn và thiết kế của KMV, Saigonbook đã sửa chữa Trung tâm sách Sài Gòn thành Printing Shop mang màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. KMV đã gắn bảng hiệu Printing Shop-Konica Minolta, tại trụ sở của Saigonbook.

Tuy nhiên, khi đưa máy vào hoạt động, Saigonbook nhận ra giá trang in của mình quá cao so với giá thị trường hiện hành. Qua tìm hiểu, Saigonbook cho rằng mình bị lừa dối ngay từ chiếc máy đầu tiên. Saigonbook mua máy in C1070P của Sao Nam với giá 1,32 tỷ đồng; trong khi đó Công ty Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) báo giá chỉ có 760 triệu đồng; Sao Nam bán máy C1100 hơn 3,4 tỷ đồng, thì STS bán chưa đến 1,3 tỷ đồng. Tổng giá trị hai máy Saigonbook mua từ Sao Nam chênh lệch đến 2,66 tỷ đồng. Để chứng minh điều này, Saigonbook đặt mua chiếc máy C1100 thứ hai của Công ty STS với giá chỉ hơn 1,2 tỷ đồng, đem về trưng ở trung tâm của mình làm bằng chứng. Điều đặc biệt là cả hai chiếc máy cùng model C1100 này đều từ một nhà cung cấp là KMV, Sao Nam và STS chỉ là hai đại lý thương mại của KMV.

Sau khi thu thập chứng cứ, Saigonbook yêu cầu Sao Nam và KMV thu hồi máy trả lại tiền. Ngày 6/8/2015, Sao Nam đã thỏa thuận nhận lại cả hai máy và trả lại tiền đầy đủ cho Saigonbook. Ngày 14/8/2015, Sao Nam và KMV đã thu hồi máy C1070P, trả lại đủ 1,32 tỷ đồng. Ngày 18/8/2015, Sao Nam đề nghị làm thủ tục thu hồi máy C1100 bằng hợp đồng mua bán, vì cho rằng máy C1100, Saigonbook khó khăn về tài chính nên đã ký hợp đồng thuê tài chính từ ACBL, do vậy máy này là tài sản của ACBL. Trên thực tế, Saigonbook đã tất toán khoản vay tài chính mua máy C1100 cho ACBL, nên Saigonbookb từ chối ký bán vì cho rằng mình ‘‘trả máy chứ không bán máy’’.

Gần 8 năm theo kiện, máy giờ đã hỏng!

Sau đó, Saigonbook nộp đơn khởi kiện ra tòa án, yêu cầu KMV và Sao Nam hoàn trả số tiền mua máy và các khoản thiệt hại với số tiền gần 3,8 tỷ đồng. Ngày 19/4/2016, TAND Quận 3 mở phiên sơ thẩm, tuyên buộc Công ty KMV và Công ty Sao Nam phải trả lại cho Saigonbook chỉ số tiền mua máy hơn 3,4 tỷ đồng (không chấp nhận yêu cầu về các khoản thiệt hại) và nhận lại máy C1100. Sau bản án sơ thẩm, cả Công ty KMV, Sao Nam và Saigonbook đều kháng cáo. Ngày 22/9/2016, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm, tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook.

Ngay sau khi có bản án phúc thẩm lần 1, Saigonbook đã đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, nhưng đến 4 năm sau, ngày 22/9/2020, Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM mới ban hành quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm ngày 22/9/2016 của TAND TPHCM.

Ngày 6/11/2020, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao tại TPHCM đã ban hành quyết định số 49/2020/KDTM-GĐT. Theo nhận định tại quyết định giám đốc thẩm: Về tố tụng cho thấy, Saigonbook là bên mua máy và là chủ sở hữu của chiếc máy in C1100 hiệu Konica Minolta, nên Saigonbook khởi kiện Công ty Sao Nam về việc Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là đúng quy định của pháp luật! Công ty KMV liên quan với tư cách là bên ủy quyền, Công ty Sao Nam là đại lý được ủy quyền bán chiếc máy in C1100 cho Saigonbook. Công ty ACBL là bên cung cấp tài chính một phần (bên cho vay) theo thủ tục cho thuê tài chính.

Ngoài ra, qua xem xét quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng thấy rằng phía Công ty Sao Nam đã có những vi phạm rõ ràng ở 6 điểm, cụ thể gồm: về giá bán; về khuyến mãi; về thời hạn bảo hành; về click charge (lượt in - NV); về xuất xứ hàng hoá; về chất lượng máy!

Chính vì vậy, dựa vào các tài liệu, chứng cứ cho thấy ngay từ đầu phía Công ty Sao Nam đã không trung thực trong việc giao kết hợp đồng với Saigonbook. Vì vậy, Saigonbook khởi kiện yêu cầu toà án tuyên bố Hợp đồng kinh tế số 038, Hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do lừa dối là hoàn toàn có căn cứ. Do đó, toà án cấp phúc thẩm xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook là không có căn cứ, không phản ánh đúng các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.

Còn toà án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do nhầm lẫn là không chính xác. Mặt khác, giao dịch mua bán giữa Sao Nam và Saigonbook đã bị vô hiệu do lừa dối ngay từ thời điểm giao kết, nhưng toà án cấp sơ thẩm không tuyên bố Hợp đồng kinh tế 038 vô hiệu là thiếu sót! Tuy nhiên, để tránh vụ án kéo dài nên chỉ cần huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại!.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án, quyết định huỷ bản án phúc thẩm ngày 22/9/2016 của TAND TPHCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND TPHCM xét xử phúc thẩm lại.

Ngày 15/6/2021, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm lần 2, đã quyết định hủy án sơ thẩm ngày 19/4/2016 của TAND Quận 3, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu. Saigonbook lại đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm lần 2, và lần này, Chánh án TAND cấp cao cũng kháng nghị, đề nghị hủy án bản án phúc thẩm lần 2.

Tại phiên giám đốc thẩm lần 2, Ủy Ban Thẩm phán nhận định: Tại quyết định Giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM có hiệu lực pháp luật đã xác định Hợp đồng 038, Hợp đồng 03 và Phụ lục hợp đồng 03 đều vô hiệu do lừa dối, hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Quá trình giải quyết lại vụ án, tòa án cấp phúc thẩm xác định Hợp đồng 038, Hợp đồng 03 và Phụ lục hợp đồng 03 đều vô hiệu do lừa dối là đúng với quyết định giám đốc thẩm nêu trên. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm không tuyên bố các hợp đồng này vô hiệu mà lại hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu là không đúng.

Theo đó, tòa nhận định, việc tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm phát sinh tình tiết mới là hiện nay máy in C1100 đã bị hư hỏng, không còn như hiện trạng ban đầu nên phải giao cấp sơ thẩm thực hiện việc xem xét, định giá để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, theo quyết định Giám đốc thẩm thì “việc này là không cần thiết, nếu cấp phúc thẩm xét thấy cần tiến hành trưng cầu giám định thì cấp phúc thẩm vẫn tiến hành được theo thẩm quyền!.

Quyết định Giám đốc thẩm cũng chỉ ra rằng, cấp phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ về yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn, nhưng vấn đề này thực tế cấp sơ thẩm đã thu thập, chứng từ có trong hồ sơ.

Quyết định Giám đốc thẩm lần 2 cũng nói rõ: “...Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tuyên bố Hợp đồng 038 vô hiệu, nhưng về hậu quả pháp lý của Hợp đồng 038 vô hiệu đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết chung trong hậu quả pháp lý của Hợp đồng 03 vô hiệu. Do đó, trong trường hợp này, tòa án cấp phúc thẩm chỉ cần sửa bản án sơ thẩm, tuyên bố Hợp đồng 038, Hợp đồng 03 và Phụ lục hợp đồng 03 vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của cả hai hợp đồng vô hiệu trên, mà không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm...”.

Ông Lương Vĩnh Kim (phải) bên hành lang phòng xử sau khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa

Từ đó, Ủy Ban Thẩm phán quyết định Giám đốc thẩm lần 2, chấp nhận đề nghị kháng nghị của nguyên đơn, kháng nghị của Chánh án, hủy toàn bộ án phúc thẩm lần 2, yêu cầu xét xử phúc thẩm lại lần 3.

Vụ việc kiện tụng giữa hai bên, kéo theo nhiều bên liên quan vào cuộc, đã kéo dài nhiều năm, với nhiều cấp tòa xét xử, hao tốn thời gian, công sức của các bên mà vẫn chưa đi đến hồi kết. Mong rằng phiên xét xử sắp tới, HĐXX xem xét toàn diện, thấu đáo, đúng bản chất vụ việc, và áp dụng chính xác các quy định của pháp luật, để tuyên xử đúng đắn nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan.

https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/saigonbook-va-8-nam-theo-duoi-vu-kien-mua-may-in-khuyen-mai-dat-hon-thi-truong-21-ty_153094.html

Bình luận (0)

Lên đầu trang