Viết tiếp bài "Hàng giả, hàng gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ":

Công ty Nhựa Bình Minh Việt nói gì?

Thứ Sáu, 13/10/2023 10:20

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM ngày 13/9/2023 có bài phản ánh việc một số công ty đưa ra thị trường sản phẩm ống nhựa là hàng giả, hàng gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty CP Nhựa Bình Minh (địa chỉ ở Q6, TPHCM). Điều này đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bảo đảm tính minh bạch trên thị trường

Nội dung bài viết thông tin, ngày 22/3/2022 Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM bắt quả tang Phạm Quốc Nhật tổ chức cho 2 nhân công bốc xếp các ống nhựa giả nhãn hiệu Bình Minh tại một căn nhà ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Nhật khai "số hàng trên mua từ Công ty Lý Hứa Kỳ do Thi và Nguyên đồng sáng lập vào tháng 9/2020". Hiện Giám đốc Thi đã bỏ trốn, đang bị truy nã.

Ngoài ra, ngày 28/8/2023 Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT tỉnh Long An "kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất (SX), kinh doanh (KD) hàng hóa" tại Công ty TNHH vật liệu xây dựng - điện nước Quốc Tài (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tại đây, đoàn đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong số hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh" của Công ty Nhựa Bình Minh được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) số 180400, gồm 43 ống nhựa nhãn hiệu "NHUA BÌNH MINH VIET" do Công ty Nhựa Bình Minh Việt (Q7) SX.

Cục QLTT tỉnh Long An đã giám định hành vi vi phạm về nhãn hiệu và tên thương mại Bình Minh Việt tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) và đã có kết quả giám định sở hữu công nghiệp số NH737-23TC ngày 31/8/2023. Theo đó, dấu hiệu "NHUA BÌNH MINH VIET" trên ống nhựa của Công ty Nhựa Bình Minh Việt "là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 77 Nghị định 65/2023) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 180400 của Công ty Nhựa Bình Minh".

Như vậy, thông tin của bài báo đã căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước ban hành trên đây.

Hàng mới vẫn vi phạm?

Sau khi báo phát hành, ngày 14/9/2023 ông Nguyễn Đức Thịnh có giấy ủy quyền (GUQ) từ Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh Việt - Nguyễn Hoàng Nghĩa đến liên hệ tại Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM. Giấy ủy quyền từ ông Nghĩa căn cứ theo căn cước công dân, không căn cứ theo giấy phép KD của công ty là nhân danh cá nhân, không phải nhân danh pháp nhân. Theo quy định của Luật Công chứng, GUQ giữa cá nhân với nhau phải được công chứng theo quy định. Việc ông Nghĩa dùng con dấu công ty đóng trên GUQ giữa cá nhân là sai quy định.

Theo ông Thịnh, từ ngày 09/6/2023 công ty đưa ra thị trường lô hàng ống nhựa PVC có logo "BVM NHUA BINH MINH VIET 176/14B Nguyen Thi Thap, Phuong Binh Thuan, Quan 7, TP.HCM". Ngày 10/8, công ty đã tự nguyện thu hồi logo cũ vì có thể gây nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác.

Sản phẩm của Công ty Nhựa Bình Minh Việt được đưa đi giám định

Công ty Nhựa Bình Minh Việt cho rằng số ống nhựa mà Cục QLTT tỉnh Long An lập biên bản tạm giữ tại huyện Đức Hòa ngày 28/8 là hàng tồn của đại lý thuộc lô hàng SX từ tháng 6/2023, đã có thông báo chấm dứt SX và thu hồi từ ngày 10/8/2023. Hiện công ty đang SX theo logo mới "BVM CONG TY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET 176/14B Nguyen Thi Thap, Phuong Binh Thuan, Quan 7, TPHCM".

Tuy nhiên, ngày 02/10 Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã có kết quả giám định sở hữu công nghiệp số NH828-23YC. Theo đó, dấu hiệu "BVM" gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 77 Nghị định 65/2023) đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho nhóm 19 theo GCNĐKNH) số 73870 của Công ty Nhựa Bình Minh.

Bên cạnh đó, dấu hiệu "BINH MINH VIET" trong tên "CONG TY CO PHAN NHUA BINH MINH VIET" gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 77 Nghị định 65/2023) đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho nhóm 19 theo GCNĐKNH số 180399 của Công ty Nhựa Bình Minh.

Đại diện Công ty Nhựa Bình Minh Việt cung cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, có quyết định chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ). Tuy nhiên, số giấy tờ trên không có giá trị cho việc bảo hộ nhãn hiệu "Bình Minh Việt" (!). Các sản phẩm ống nhựa của công ty này từ trước đến nay đều không có GCNĐKNH do Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo quy định tại luật này. Do đó, dù là nhãn hàng cũ hay mới thì công ty này đã nhiều lần bị giám định và đều bị kết luận về "yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ...".

Luật sư (LS) Đặng Thị Thúy Huyền - Giám đốc Công ty Luật TNHH HPL và cộng sự (Đoàn Luật sư TPHCM) - cho biết, Công ty Nhựa Bình Minh Việt chỉ mới có đơn xin GCNĐKNH mà chưa được cơ quan chức năng công nhận đã đưa hàng hóa ra bán ngoài thị trường được coi là hàng nhái.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền

Chung quan điểm, LS Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng LS Gia Đình, TPHCM - cho biết, nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo hoặc xâm phạm quyền nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giả mạo, xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý SX, KD mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo, xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 1 trong 2 tội sau: Tội SX, buôn bán hàng giả (điều 192) hoặc Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (điều 226 Bộ luật Hình sự).

Bình luận (0)

Lên đầu trang