Gia tăng các vụ vi phạm
Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2023, cơ quan chức năng kiểm tra 51.378 vụ (tăng 3,15 % so với cùng kỳ năm trước), trong đó tổng số vụ vi phạm chuyên ngành và liên ngành là 3.201 vụ (tăng 71,35% so với cùng kỳ năm trước). Kèm với việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm hàng hóa, tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 61 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy các vụ vi phạm liên quan đến hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.
Điển hình, tối 21/9, Đội QLTT số 12 vừa phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an quận 12 và Công an phường Tân Thới Nhất kiểm tra điểm kinh doanh chứa trữ hàng hóa trên Quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12), phát hiện 4.608 chiếc bánh Trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn sử dụng và không có hóa đơn, chứng từ liên quan.
Trước đó một ngày, lực lượng này cũng đã phát hiện gần 3.600 bánh Trung thu trôi nổi đang được đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngày 08/9, đơn vị hữu trách kiểm tra hộ kinh doanh G.H (P11Q5), phát hiện 68.320 đơn vị sản phẩm dược liệu làm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng này được mua trôi nổi trên thị trường để bán lại kiếm lời.
Bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
Trong 9 tháng qua, các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngoài mặt hàng thuốc lá điếu, lực lượng còn tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuốc lá thế hệ mới cả trên thị trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử với 68 vụ vi phạm; thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu, gần chục ngàn điếu xì gà là hàng cấm và gần 7.500 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử cùng phụ kiện thuốc lá điện tử nhập lậu; tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng phối hợp còn xử lý hàng ngàn vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ cả triệu đơn vị sản phẩm đồ dùng cá nhân, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, thực phẩm, mắt kính, dụng cụ làm đẹp... ước tính trị giá hơn 36 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện và xử lý hơn 850 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tạm giữ hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, đồng hồ... giả Nike, Chanel, Valentino, Versace, Louis Vuitton, Hermes, Gucci... với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng.
Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng
Song song với việc kiểm soát thị trường, theo cơ quan chức năng tại TPHCM, việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm cũng luôn được đơn vị chú trọng đúng quy trình, bảo đảm theo quy định và cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng này đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá gần 50 tỷ đồng (tăng 56,37% so với cùng kỳ năm trước); trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 108 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 7 tỷ đồng.
Kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ kiện, thiết bị điện thoại
Mới đây, vào các ngày 18, 21 và 26/9, tại Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần môi trường Việt Úc (KCN Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh), cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TPHCM cùng một số đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, nhập lậu gồm 9.150 bao các nhãn hiệu như 555, Jet, Hero, Esse Change, Scott...
Tương tự, ngày 15/9, các đội hữu trách vừa thực hiện giám sát buộc tiêu hủy các lô hàng hóa vi phạm là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo các nhãn hiệu và bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, tại Chi nhánh Công ty CP Môi trường Thiên Thanh - Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Vĩnh Tân (Đồng Nai), lực lượng chức năng thực hiện 25 quyết định xử phạt VPHC; buộc tiêu hủy 7.512 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo họa tiết rằn ri, quần áo thời trang, giày dép, dược phẩm, thuốc phòng chữa bệnh, thực phẩm... các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổng trị giá hàng tiêu hủy là gần 322 triệu đồng.
Cùng ngày, lực lượng cũng đã giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy hàng hóa đối với 3.886 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm (nón, giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, thực phẩm... là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Nike, Dior, Porsche, Burberry, Adidas...) có tổng trị giá hơn 191.281.000 đồng tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, huyện Bình Chánh. Trước đó một ngày, tại Công ty Môi trường Đô thị Sài Gòn (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), cơ quan chức năng thực hiện giám sát tiêu hủy hàng hóa đối với 7.800 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, tổng trị giá hơn 348 triệu đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại TPHCM, những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại sẽ hoạt động rầm rộ và phức tạp hơn. Vì vậy, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các đội liên ngành tập trung đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng tại địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.
Do kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu đem lại lợi nhuận lớn nên vẫn còn nhiều đối tượng dù bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra tại các tuyến phố, cơ sở kinh doanh và các trung tâm thương mại; tập trung toàn lực để thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.