Hệ thống của Agribank gồm 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch cùng đội ngũ cán bộ hùng hậu, thông thuộc địa bàn, cộng với gần 30 năm kinh nghiệm
hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn với mô hình phát triển “hệ thống chân rết” tới từng thôn bản, Agribank đã chứng tỏ bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh của người tiên phong cung cấp nguồn tín dụng cũng như giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, nguồn lực cho nông nghiệp được huy động khá hơn với tổng vốn nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng gần gấp hai lần so với 5 năm trước, đạt trên 610.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã có những bước tiến đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trước sức ép của nông sản nhập ngoại.Cùng với đó, chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã có những thành công khi thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyển hướng tham gia tập trung đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra những chuỗi sản xuất khép kín có ứng dụng công nghệ cao.
Về phía nông dân, những “va đập” của thị trường trong thời gian qua cũng đã thay đổi nhận thức của nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất “cái thị trường cần chứ không phải cái mình có”.
Trong bối cảnh đó, nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng và các ngân hàng đang đóng vai trò như một “bà đỡ” đón đầu và khơi nguồn để đất đai, đồng bãi, chuồng trại, ao đầm,… “đẻ” ra tiền. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại đổ xô cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, khai phá và trụ vững được ở thị trường nông thôn không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi công nghệ, mạng lưới, nhân lực, mà còn cả kinh nghiệm.
Thương hiệu mạnh trên thị trường tài chính tín dụng nông thôn
Không giống như nhiều ngân hàng khác, chỉ tập trung phần lớn tín dụng nông nghiệp cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư lớn, Agribank phát triển mạng lưới chân rết đến từng thôn, bản tại các vùng nông thôn hẻo lánh nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của nông dân và duy trì vị thế là người tiên phong cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam. Cắm chặt tại các địa bàn mà các ngân hàng khác khó đủ lực bám trụ, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân nên tăng trưởng huy động và cho vay của Agribank đều tốt.
Xác định rõ vai trò cho vay vốn góp phần quan trọng tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân; đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn, Agribank đã phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Cung ứng đủ vốn đầu tư giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh, đẩy lùi cho vay nặng lãi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tăng mức sống. Hàng năm có hàng triệu lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, tạo lập hàng triệu việc làm, thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp.
Thông qua các tổ chức chính trị, xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Tổ nhóm vay vốn,...), Agribank tạo lập kênh dẫn vốn đến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 980.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn trên 911.000 tỷ đồng, tăng tối thiểu 13,3% so với cuối năm 2015, đạt mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 735.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đạt kế hoạch đề ra; trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Góp sức cho một nền nông nghiệp an toàn
Năm 2016, ngoài việc Agribank tích cực triển khai thực hiện các Chính sách ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với hộ nông dân và các ngành nghề cần thúc đẩy phát triển như cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay tái canh cây cà phê; triển khai thí điểm cho vay cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên cả nước; triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm “tiếp sức” ngư dân bám biển và chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, Agribank nhận thức rất rõ những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó đầu ra cho nông sản Việt là “bài toán” sống còn.
Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.
Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank cũng gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội,…
Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…
Đặc biệt, chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, phát sóng trên kênh VTV1 từ tháng 11/2016, Agribank với tư cách là NHTM Nhà nước được lựa chọn đồng hành cùng chương trình lả một minh chứng nữa cho việc Agribank đã sẵn sàng “vào cuộc” góp sức cho một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi tư duy và hành động của người sản xuất, người tiêu dùng ...
50.000 tỷ dành cho nông nghiệp sạch
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản số 4432-NHNo-KHND về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; Văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai thực hiện với quy mô tài trợ vốn cho chương trình là không hạn chế, trước mắt dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai cho vay với lãi suất cho vay khi khách hàng thực hiện 1 và/hoặc trong 3 khâu (cung ứng, sản xuất, tiêu thụ) sẽ được Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/.
Phí dịch vụ được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh, Agribank hôm nay đã có diện mạo thân thiện, gần gũi và ngày càng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập, kiên định với mục tiêu đầu tư cho tam nông là nhiệm vụ chủ lực trong giai đoạn mới, coi “nông nghiệp công nghệ cao” là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Đây cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.
Trên thực tế, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, để triển khai thành công mô hình này trong tương lai, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể với các chương trình này. Các cấp chính quyền, nhất là chính quyền địa phương có sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Vì thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Agribank đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp,…
Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho vay cầm cố giấy tờ có giá/thẻ tiết kiệm…
Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.