Trước khi chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, thì Ngân hàng Đại Tín đã bị âm vốn hàng ngàn tỷ đồng là do hậu quả của những sai phạm từ nhóm Phú Mỹ mà bà Hứa Thị Phấn đại diện cấu kết cùng các Lãnh đạo cũ của Ngân hàng này thực hiện, sau đó "thoát xác" và để lại hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng...
Ảnh minh hoạ
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ thời Ngân hàng Đại Tín!
Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Viện kiểm sát nêu trước khi bán Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây Dựng) cho Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch), Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc) đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng : nhóm này đã khiến ngân hàng rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng !
Viện kiểm sát phát hiện nhóm Hứa Thị Phấn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay, sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền không có tài sản hoặc nâng khống giá trị để vay tiền góp vốn cổ phần ngân hàng, mua bán tài sản cố định, mua bán nhà lòng vòng không thực hiện nộp thuế...
Điển hình là trong quan hệ của Ngân hàng Đại Tín với "Công ty Phương Trang và các Thành viên Hợp Tác Kinh Doanh" , như chính Phạm Công Danh và Phan Thành Mai nguyên Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Xây Dựng - CB khai tại phiên toà đã chỉ ra cụ thể : nhóm Hứa Thị Phấn , Hoàng Văn Toàn đã lợi dụng hồ sơ của hợp đồng mua bán trái phiếu 2.000 tỷ , nhận tài sản thế chấp, làm các thủ tục giải ngân nhưng đã sử dụng và chiếm đoạt không đồng nào giao tiền cho người vay nhưng vẫn ghi khống nợ vay cho khách vay.
Viện kiểm sát đã đề nghị khởi tố vụ án điều tra nhóm Hứa Thị Phấn về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay, Trốn thuế, Chiếm giữa trái phép tài sản...
Sai phạm toàn diện trên mọi lĩnh vực
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 7/2012, với sở hữu gần 85% cổ phần, nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín nhằm mục đích phục vụ cho bà Phấn và các công ty, dự án của bà Phấn. Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Hội đồng tín dụng Ngân hàng vi phạm pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thua lỗ nghiêm trọng cho Ngân hàng Đại Tín.
Nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn nhờ hàng chục người đứng tên để vay hơn 3.600 tỷ đồng, với tài sản là đất nông nghiệp giá trị 200.000 đồng/m2 đã được nâng đến mức 32 triệu đồng/m2; dùng gần 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng để góp vốn vào chính các dự án kinh doanh bất động sản của bà Hứa Thị Phấn, rồi sau đó chính bà Phấn là người sử dụng khoản tiền này cho mục đích cá nhân.
Ngân hàng Đại Tín tạm ứng cho Công đoàn ngân hàng này 135 tỷ lại để góp vốn với chính Công ty Lam Giang của bà Hứa Thị Phấn. Ngân hàng Đại Tín tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng, 700 tỷ đồng là số tiền Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn mang đi gửi tại các tổ chức khác cũng chưa thu hồi được …
Đặc biệt, bà Hứa Thị Phấn còn có dấu hiệu thông qua người nhà, công ty của mình mua tài sản với giá thấp, rồi nâng khống rất cao để bán lại cho Ngân hàng với giá cao nhằm thu lợi bất chính. Tổng số tiền Ngân hàng Đại Tín đã mua bất động sản hơn 3.600 tỷ đồng, số tiền vi phạm vượt mức luật cho phép hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng căn nhà số 05 Phạm Ngọc Thạch được bà Phấn mua rồi bán cho chính Ngân hàng Đại Tín hưởng chênh lệch hàng ngàn tỷ đồng.
Hứa Thị Phấn đã rút bao nhiêu tiền của ngân hàng?
Nhóm khách hàng Công ty Phương Trang thế chấp tài sản trị giá 14.500 tỷ đồng và làm các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Đại Tín, nhóm khách hàng này đã nhận 3.436 tỷ đồng tiền vay từ Ngân hàng này. Theo quy định thì Ngân hàng phải là người quản lý chặt chẽ hồ sơ vay, chủ động đối chiếu công nợ với khách.
Tuy nhiên, chính nhóm Công ty Phương Trang lại nhiều lần yêu cầu, thường xuyên thúc giục Ngân hàng Đại Tín đối chiếu công nợ, hoàn trả các chứng từ, hồ sơ vay. Phía nhóm Công ty Phương Trang cho biết, hiện vẫn đang bị Ngân hàng cầm giữ trái phép tài sản 14.500 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay chỉ có 3.436 tỷ đồng ; Khi phát hiện bị ghi khống nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhóm Công ty Phương Trang đã phải tố cáo, cầu cứu các cơ quan chức năng liên tục trong thời gian dài.
Kết quả xác minh ban đầu thể hiện nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và một số cá nhân tại Ngân hàng Đại Tín đã có dấu hiệu lợi dụng pháp nhân,các hồ sơ vay vốn của nhóm Phương Trang rút hơn 6.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín nhưng "đổ thừa" cho nhóm Phương Trang.
Theo đó, hiện nay Ngân hàng Xây Dựng hiện nay đang hạch toán ghi nợ cho nhóm Phương Trang 9.437 tỷ đồng, trong khi số tiền vay thực tế chỉ là 3.436 tỷ đồng.
Nếu xử lý bà Hứa Thị Phấn sớm hơn…
Các dấu hiệu sai phạm của Hứa Thị Phấn đã được phát hiện từ tháng 7/2012. Hơn 4 năm sau, ngày 9/9/2016, khi xử Phạm Công Danh, TAND TP HCM mới có quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm trái, Vi phạm quy định về cho vay với nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn.
Từ quyết định khởi tố vụ án này đến quyết định khởi tố bị can với Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam liệu có tiếp tục là một quãng đường dài như trước đó? Đến bao giờ vụ án mới kết thúc, số tiền khổng lồ mà nhóm Hứa Thị Phấn và Hoàng Văn Toàn đã rút ra hiện ở đâu??!
Các sai phạm của nhóm Hứa Thị Phấn xảy ra trước nhưng đã được xử lý sau Phạm Công Danh. Giá như xử lý Hứa Thị Phấn sớm hơn, thì đã không có một Phạm Công Danh phải liều mình và ngã ngựa ! Chưa kể là bao nhiêu người đã phải vướng vào vòng lao lý vì hệ lụy gây ra bởi nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn và Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam...
http://baophapluat.vn/bat-dong-san/sao-khong-xu-ly-som-ba-hua-thi-phan-296462.html