Trước đó, VNCB tuyên bố đã khởi kiện “nhóm Phương Trang”. Nhóm Phương Trang thì tố VNCB đang quản lý tài sản hơn 10.000 tỷ đồng của Phương Trang, gây thiệt hại cho Phương Trang. Vậy sự thật về khoản nợ của “nhóm Phương Trang” là gì, tại sao cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
6.000 tỷ đồng đi đâu?
Năm 2010, Công ty Phương Trang và 14 cá nhân, 16 pháp nhân cùng hợp tác kinh doanh có làm thủ tục vay vốn tại Trustbank với 47 Hồ sơ vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo “nhóm Phương Trang”, sau khi hoàn thiện các hồ sơ, ký các chứng từ theo hướng dẫn của Trustbank vớicác tài sản bảo đảm cho các khoản vay gồm bất động sản, xe ô tô với tổng giá trị do chính Ngân hàng định giá là 14.500 tỷ đồng. Trusbank giải ngân cho “nhóm Phương Trang” 3.436 tỷ đồng, đồng thời nhiều hồ sơ đã ký không được Ngân hàng trả lại cho khách hàng. Sau đó, nhóm Phương Trang nhiều lần đề nghị Trustbank hoàn trả lại chứng từ, đối chiếu công nợ nhưng Ngân hàng không thực hiện. “Nhóm Phương Trang” thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình với khoản vay đã nhận là 3.436 tỷ đồng.
Riêng khoản mua bán trái phiếu mà bên phát hành trái phiếu là Công ty Trường Vỹ, bên mua là Trustbank với số tiền 2.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ, vì Trustbank không giải ngân nên Công ty Trường Vĩ đòi lại tài sản thế chấp. Trustbank trả lại tài sản thế chấp là bất động sản tại 289 Trần Hưng Đạo, quận I, TP.HCM. Còn 1 tài sản là quyền sử dụng đất tại xã Tân Túc, Bình Chánh, TP.HCM Trustbank không trả lại và sau đó giải ngân 2.000 tỷ sử dụng cho những mục đích cá nhân của nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn (Chủ Tịch HĐQT Ngân hàng).
Đại diện “nhóm Phương Trang” cho biết “Quá trình điều tra ban đầu thông qua việc đối chiếu công nợ, xác minh các chứng từ, dòng tiền… đã thể hiện nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và một số cá nhân tại Ngân hàng Đại Tín đã có dấu hiệu lợi dụng pháp nhân, hồ sơ vay vốn của chúng tôi để rút hơn 6.000 tỷ đồng của Trustbak. Chính vì hành vi này của nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn… mà cho đến nay VNCB vẫn đang hạch toán ghi nợ cho chúng tôi là 9.437 tỷ đồng. Mặc dù số tiền chúng tôi thực nhận từ Ngân hàng Đại Tín là 3.436 tỷ đồng”. Việc này thể hiện rất rõ là nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn tự chi trả lãi vay của số tiền nợ mà đã tự rút ra, “nhóm Phương Trang” không trả lãi cho các khoản này. Trustbank không hề xác nhận công nợ với “nhóm Phương Trang” cho đến khi “nhóm Phương trang chủ động gửi văn bản đến Trustbank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công An, Thủ tướng Chính Phủ .. đề nghị xem xét, xử lý vụ việc.
Như vậy, số tiền được cho là đã bị nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn rút ra là xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Cho đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang thụ lý xem xét Đơn tố cáo của “nhóm Phương Trang”
Ai gây ra nợ xấu của Phương Trang, ai bị thiệt hại?
VNCB thì quyết liệt đòi số tiền hơn 9.400 tỷ đồng, “nhóm Phương Trang” khẳng định chỉ nợ hơn 3.400 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của “nhóm Phương Trang” hiện có giá trị hơn 14.500 tỷ đồng. “Nhóm Phương Trang” mong muốn và nhiều lần đề nghị được trả nợ, xác định rõ số nợ và giải tỏa tài sản thế chấp nhưng không được. Văn bản của “nhóm Phương Trang” chỉ rõ “Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với Ngân hàng Xây Dựng, các cơ quan liên quan cho chúng tôi được đối chiếu công nợ, thanh toán dứt điểm các khoản nợ để lấy lại tài sản thế chấp nhưng không được xem xét giải quyết. Chính vì vậy, dư nợ của chúng tôi là nợ xấu trên báo cáo của Ngân hàng Xây Dựng”. “Nhóm Phương Trang” khẳng định mình không gây ra nợ xấu cho VNCB.
Trái với thông tin cho rằng “nhóm Phương Trang” gây thiệt hại cho VNCB, “nhóm Phương Trang” cho rằng “Chúng tôi mong muốn trả nợ VNCB nhưng không thực hiện được. Tất cả các tài sản thế chấp của chúng tôi theo giá trị hiện nay chắc chắn cao hơn 14.500 tỷ đồng (giá khi nhận thế chấp), đất bị bỏ hoang, tài sản là xe ô tô xuống cấp, hư hỏng, gây thiệt hại cho chúng tôi và gây lãng phí của cải cho xã hội rất lớn”.
Tại sao VNCB (trước đó là Trustbank) bị lỗ?
Nhóm bà Hứa Thị Phấn, sở hữu gần 85% cổ phần của Trustbak, đã cùng với Hoàng Văn Toàn có hàng loạt các hành vi: nhờ hàng chục người đứng tên để vay hơn 3.600 tỷ đồng, với tài sản là đất nông nghiệp giá trị thực tại thời điểm thế chấp không quá 200.000 đồng/m2 đã được nâng thành 8 – 32 triệu đồng/m2; dùng gần 1.000 tỷ đồng của Trusbank để góp vốn vào chính các dự án kinh doanh bất động sản của bà Hứa Thị Phấn, rồi sau đó chính bà Phấn là người sử dụng khoản tiền này cho mục đích cá nhân; Trustbank tạm ứng cho Công đoàn ngân hàng này 135 tỷ đồng để góp vốn với Công ty Lam Giang của bà Hứa Thị Phấn; Trustbank tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng cũng chưa thu hồi được …
Đặc biệt, bà Hứa Thị Phấn còn có dấu hiệu thông qua người nhà, công ty của mình mua tài sản với giá thấp, rồi bán lại cho Trustbank với giá cao. Bất động sản số 05 Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM được bà Phấn mua sau đó bán cho Trustbank với giá 1.260 tỷ đồng, tương đương với đơn giá không ai tưởng tượng được là 2 tỷ đồng/m2. Chênh lệch bà Hứa Thị Phấn hưởng từ giao dịch này xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Tổng số tiền nhóm bà Hứa Thị Phấn mua nhà đất cho Trustbank lên đến hơn 3.600 tỷ đồng, trên vốn của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Bất chấp quy định của pháp luật là đầu tư mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng không vượt quá 50% vốn điều lệ, tức không vượt quá 1.500 tỷ đồng với Trustbank.Ngoài ra, Bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn còn dùng hơn 700 tỷ đồng của Trustbank gửi tại các tổ chức khác không thu hồi được.
Như vậy, bà Hứa Thị Phấn đóng vai trò chủ chốt, chỉ đạo, cùngHoàng Văn Toàn và các cộng sự khác là “thủ phạm” gây lỗ cho Ngân hàng và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về tinh thần và vật chất cho chúng tôi.
“Nhóm Phương Trang” không chiếm đoạt, chây ỳ
“Nhóm Phương Trang” nhấn mạnh: Trong suốt quá trình trước và sau khi vay vốn, “nhóm Phương Trang” luôn hợp tác với Ngân hàng, đồng thời chủ động, hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng để cùng Ngân hàng đối chiếu công nợ, làm rõ sự việc. “Nhóm Phương Trang” sẵn sàng trả hết số nợ đã nhận để thanh lý các khoản vay và nhận lại khối tài sản giá trị rất lớn đang bị giữ ở VNCB. “Nhóm Phương Trang” không có ý định và không thể chiếm đoạt tiền của VNCB vì tổng tài sản thế chấp tại VNCB lớn hơn nhiều so với khoản vay, kể cả khoản đã bị nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn rút trái phép.Trường hợp các bên không tự giải quyết được sự việc, “Nhóm Phương Trang” đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết và chấp nhận phán quyết của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị xem xét đến nguyên nhân gây ra thua lỗ của VNCB, đề nghị xem xét các hành vi của nhóm Hứa Thị Phấn. Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án để điều tra các sai phạm của Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và các cá nhân khác.
Quỳnh Trang (Người đưa tin - An ninh Tiền tệ)