MỘT TUẦN TĂNG GẦN 20.000 ĐỒNG/KG
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết, chưa năm nào ngành chăn nuôi heo lại lao đao như năm nay. Đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Việt Nam, đến tháng 6-2019 đã lan ra 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố. Tổng số heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 3.306.038 con, chiếm khoảng 11% tổng đàn heo cả nước. Thời điểm ấy, người tiêu dùng đã quay lưng với thịt heo nên có thời điểm giá con heo hơi 100kg chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng.
Giá heo hơi mua tại các trang trại ở Đồng Nai đang cao
Sau khi “bão” dịch đi qua, đầu tháng 9-2019 giá thịt heo bắt đầu tăng. Theo khảo sát của chúng tôi, ngày 18-11 tại một số chợ trên địa bàn TPHCM: Tân Thuận, Bà Chiểu, Thị Nghè, Hòa Bình..., các tiểu thương cho biết, giá các loại thịt heo bán lẻ trong 1 tháng gần đây không ngừng tăng.
Cụ thể, giá thịt nạc những ngày đầu tháng 11 từ 80 - 100 ngàn đồng/kg thì nay lên 110 - 140 ngàn đồng/kg, ba rọi và các loại khác cũng tăng lên từ 135 - 150 ngàn đồng/kg, ba rọi rút xương hơn 170 ngàn đồng/ kg, thịt đùi 110 - 120 ngàn đồng/ kg; giá sườn non đã lên đến đỉnh điểm từ 170 - 190 ngàn đồng/kg. Như vậy, so với cách đây 2 tuần, giá thịt tăng 30 - 50 ngàn đồng/ kg tùy loại.
Một số tiểu thương cho hay, từ tháng 10 đến nay sức mua so với thời điểm dịch bệnh tăng mạnh là nguyên nhân khiến thịt heo tăng giá. Nhiều chị em nội trợ đã chuyển qua các loại thực phẩm khác, có “tốc độ” tăng giá chậm hơn. Tuy nhiên, với các hàng, quán... thường sử dụng thịt, giò heo phục vụ “thượng đế” thì để cắt lỗ, họ đành giảm khẩu phần, chứ không thể đổi thực đơn.
Theo nhiều tiểu thương chợ đầu mối, trước đây heo đủ trọng lượng từ 90 - 110kg mới được giết mổ, thì nay loại 70 - 80kg/con về chợ rất nhiều và tuy giá cao nhưng có ngày không lấy được thịt do nguồn cung thiếu hụt. Bây giờ, lượng thịt về chợ giảm đến 20% so với đầu tháng, trong khi giá heo mảnh tăng gần 15.000 đồng/kg chỉ trong vòng 10 ngày. Một con heo xuất chuồng 100kg hiện có giá 7 triệu đồng, sau khi vào lò giết mổ, tăng lên gần 10 triệu, bán đến tay người tiêu dùng thì con heo có giá khoảng 13 triệu.
GIÁ THỊT HEO TĂNG DO TÁC ĐỘNG PHỨC HỢP
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Công, đợt DTLCP vừa qua khiến những hộ chăn nuôi ở Đồng Nai - nơi được xem là thủ phủ cung cấp heo cho thị trường phía Nam - thiệt hại nặng nề. Tính đến nay, tỉnh này có 5,3 ngàn hộ bị thiệt hại với tổng số heo phải tiêu hủy gần 442,5 ngàn con, tương đương trên 23,5 triệu tấn thịt.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn như: Định Quán, Tân Phú, Long Khánh, Thống Nhất, Long Thành, Xuân Lộc, tổng đàn heo giảm hơn 50% và khó tái đàn trong giai đoạn hiện nay nên “cơn sốt giá” thịt heo sẽ khó “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
Heo thịt được chuyển về chợ đầu mối Hóc Môn
Trong khi đó, tại các trang trại, giá heo hơi đều được các thương lái đẩy lên mỗi ngày. Giá heo hơi bán lẻ tại một số hộ gia đình đã chạm mốc 72 - 75 ngàn đồng/kg. Theo người chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá heo hơi có thể lập kỷ lục mới và sẽ vượt xa rất nhiều con số 80 ngàn đồng/kg như ngành Công thương dự báo, vì hiện ở một số tỉnh phía Bắc, giá heo hơi đã gần chạm ngưỡng này.
Hiện nay tại Đồng Nai, nhiều thương lái phải vào nhà dân lùng mua heo trong các trại chăn nuôi với giá 75 ngàn đồng/kg, tăng từ 10 ngàn đồng/kg so với đầu tháng. Tuy nhiên, đa số người chăn nuôi nhỏ lẻ không còn heo cung cấp ra thị trường.
Nguồn heo cung cấp cho các thương lái chủ yếu là các trang trại lớn, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi với giá bán ra ở mức 66 - 67 ngàn đồng/kg, nhưng không phải thương lái nào cũng có thể tiếp cận được nguồn này, mà phải mua qua một số đầu nậu trung gian với giá cao hơn cả triệu đồng/con.
Anh Trần Văn Huỳnh, chủ trại heo ở Trảng Bom - Đồng Nai, cho biết trại vừa xuất bán 550 con heo thịt, giá 70 ngàn đồng/kg hơi, cao nhất từ trước tới nay. Tuy giá heo tăng cao nhưng chi phí phục vụ cho ngành chăn nuôi cũng tăng đến chóng mặt: giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng 20%, cộng thêm các chi phí khác như: thuốc thú y, vắc-xin, công lao động... đều tăng. Nếu trước đây, chi phí bình quân nuôi 1 con heo là 1 triệu đồng thì hiện đã tăng gấp 3. So với mặt bằng giá thịt heo hiện là 70 ngàn đồng/kg hơi thì với mỗi con heo, chủ trang trại chỉ lãi được 500 - 700 ngàn đồng.
Cũng theo ông Công, hiện tượng giá thịt heo tăng mạnh thời gian qua là do tác động phức hợp của nhiều nguyên nhân: năm 2019, dịch bệnh diễn ra liên miên, đặc biệt là DTLCP kéo dài làm tan tác 60% đàn heo cả nước; bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, dịch PRRS cũng góp phần làm tiêu hao tổng đàn.
Thời gian qua, do chênh lệch giữa giá heo trong nước và bên Trung Quốc nên có hiện tượng xuất heo ra nước ngoài. Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là việc tái đàn không thể diễn ra một sớm một chiều cũng là nguyên nhân khiến giá heo tăng cao. Chính vì thế, trong tương lai gần, khả năng giá thịt heo vẫn chưa thể “hạ nhiệt”.
Trước tình trạng heo hơi tăng giá mạnh, ngày 18-11 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã họp khẩn với một số DN chăn nuôi, kinh doanh thịt heo cùng các bộ ngành và các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Hưng Yên... để điều tiết giá, tìm giải pháp phù hợp, sớm ổn định nguồn cung trong nước.
Ngày 11-11, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp lượng thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá heo. Về phần mình, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành tính toán nguồn ngân sách và tình hình giá cả để có phương án bình ổn giá thịt heo.
Chiều 18-11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban điều hành giá - có cuộc họp với các bộ ngành liên quan bàn cách kiểm soát bình ổn giá thịt heo từ nay đến cuối năm, với sự tham dự của các bộ ngành liên quan.