Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại TPHCM năm 2024:

Bảo đảm lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng

Thứ Hai, 25/03/2024 11:00  | Trung Hiếu

|

(CATP) Nhằm triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", theo Sở Công thương TPHCM; thành phố (TP) đã, đang và sẽ định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước theo hướng hiện đại; từ đó xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng (NTD) TP hướng đến văn minh, hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả; bảo đảm lợi ích về sức khỏe NTD; cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường (BOTT), đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước...

"Tự hào hàng Việt Nam"

Trong báo cáo tình hình thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, Sở Công thương TPHCM cho biết, thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hưởng ứng Cuộc vận động với khẩu hiệu "Tự hào hàng Việt Nam" tại các điểm bán hàng BOTT, bao gồm các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn như Co.opmart, Co.opFood, Satramart, SatraFood, Winmart... và các cửa hàng tạp phẩm phủ khắp các khu dân cư trên địa bàn TP; đồng thời đã xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam.

Được biết, năm 2023 với nhiều điểm mới (về cơ chế thực hiện, về giá bán bình ổn, về hoạt động truyền thống...), chương trình có 44 doanh nghiệp (DN) đầu mối tham gia BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, 11 DN BOTT các mặt hàng phục vụ học tập và 6 DN BOTT các mặt hàng dược phẩm; phần lớn là DN quy mô lớn, chiếm thị phần cao, nhờ đó đã bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Năm 2023, TPHCM tổ chức nhiều chương trình, hội nghị nhằm kết nối giao thương, giới thiệu hàng Việt tới người tiêu dùng (ảnh CTV)

Đáng chú ý, chương trình kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành cũng được quan tâm đúng mức. Năm 2023 được xem là năm cao điểm TP đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. TP đã tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 6 vùng kinh tế trên cả nước. Hoạt động kết nối hai chiều này không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, đặc sản vùng miền, mà còn bổ sung nguồn hàng BOTT, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NTD TP. Nổi bật là đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP các tỉnh, thành; có 45 địa phương tham gia với 500 gian hàng không chỉ mang đến TP hàng nghìn đặc sản vùng miền mà còn trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc của cả nước; không gian kết nối B2B là nơi trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối lớn nhất cả nước và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành. Nhờ đó, người dân TP đã được tiếp cận hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền trên cả nước.

Tiếp tục xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng việt nam

Sở Công thương TPHCM cũng cho biết, nhằm nâng cao Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, Sở cũng đặc biệt lưu tâm đến công tác hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, Sở đã phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với các hoạt động kết nối trực tiếp, trưng bày năng lực cung ứng và nhu cầu nội địa hóa nhằm giúp cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có kế hoạch đầu tư dài hạn, tạo điều kiện thúc đẩy các giá trị đầu tư từ các DN đầu tư nước ngoài qua việc gia tăng liên kết đầu tư với mạng lưới cung cấp trong nước...

Đẩy mạnh tuyên truyền "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong năm 2023, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; đã phát huy vai trò của DN Việt, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Cuộc vận động đã gắn với nhiều Chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP, tạo sức lan tỏa lớn; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế TP.

Nhờ vậy, trong năm qua, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn TP tương đối ổn định, lượng hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của NTD, chất lượng hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa ổn định; công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được tập trung; công tác phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ các DN tham gia chương trình BOTT được chú trọng; hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần BOTT. Trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục nỗ lực phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, Sở Công thương TPHCM sẽ có những phương hướng hoạt động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 233 chợ (trong đó có 3 chợ đầu mối); 267 siêu thị với 106 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành; 48 trung tâm thương mại và 3.321 cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang