Khánh thành nhà máy chế biến nông sản lớn nhất Việt Nam

Thứ Tư, 24/08/2016 13:08  | Huy Văn

|

(CAO) Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo và Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thế Ngọc, đại diện một số tỉnh miền Tây Nam bộ cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến dự lễ khánh thành giai đoạn I Nhà máy chế biến đông lạnh trái cây và rau củ quả xuất khẩu Thuận Phong (tọa lạc ấp Long Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được tổ chức long trọng vào sáng 22-8-2016.

Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Bến Tre do Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong làm chủ đầu tư, với tổng vốn lên đến 500 tỷ đồng, khởi công vào đầu năm 2016, chia làm ba giai đoạn.

Ông Phạm Văn Tứ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong bày tỏ lời cám ơn trước sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Bến Tre và huyện Châu Thành, để dự án được triển triển khai và sớm đi vào hoạt động. Thay mặt công ty, ông Tứ đã trao số tiền 300 triệu đồng cho Quỹ học bổng của huyện Châu Thành như một lời tri ân của doanh nghiệp với địa phương.

Chúc mừng nhà máy đi vào hoạt động, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Công ty Thuận Phong hoạt động và ngày càng phát triển bền vững; kết nối với người nông dân, tạo ra chuỗi sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, đóng góp GDP cho địa phương.

Ngay sau buổi lễ, khách được mời tham quan nhà máy gần 20.000m2 (trong đó kho đông lạnh hơn 10.000m2) với nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống cấp đông nhập từ Thụy Điển; hệ thống máy nén khí gas lạnh nhập từ Nhật Bản; hệ thống máy lạnh và giải nhiệt…

Buổi lễ khánh thành nhà máy 

Trong giai đoạn I, nhà máy sẽ cho ra 6.000 tấn sản phẩm/tháng, chế biến từ trái cây như xoài, chuối, thanh long, thơm, sầu riêng, mít…cùng các loại rau củ quả. Sản phẩm chủ lực giai đoạn II của nhà máy là các loại trái cây và rau củ quả đóng hộp, nước ép trái cây, trái cây sấy dẻo. Giai đoạn III là các sản phẩm từ dừa với các mặt hàng chủ lực như nước cốt dừa (coconut milk), kem sữa dừa (coconut cream), bột sữa dừa (coconut milk powder)…Hoàn tất ba giai đoạn, nhà máy sẽ đạt công suất 300.000 tấn/năm, toàn bộ sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang các nước Nhật, Hàn Quốc, Úc, châu Âu…

Ông Phạm Văn Tứ chia sẻ: Lâu nay, người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước luôn nơm nớp nỗi lo cho đầu ra cho sản phẩm…Việt Nam có một nền nông nghiệp trù phú, đa dạng với hàng trăm loại trái cây, rau củ quả ngon nổi tiếng, nhưng sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết, đầy rủi ro. Đáng quan tâm nhất hiện nay chính là vấn nạn sử dụng thuốc, phân bón tùy tiện, không được kiểm soát dẫn đến sản phẩm thu hoạch không đạt yêu cầu về chất lượng. Chính về thế mà điệp khúc “được mùa, mất giá”, cứ lập đi lập lại trong suốt một thời gian dài và chưa có hồi kết. Chịu thiệt thòi nhất vẫn là bà con nông dân.

Ông Phạm Văn Tứ trao số tiền 300 triệu đồng cho đại diện UBND huyện Châu Thành tiếp nhận

Nhà máy Thuận Phong đi vào hoạt động không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại tỉnh Bến Tre mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất và có nguồn thu nhập ổn định. Xa hơn là tìm giải pháp nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản không chỉ quê hương xứ Dừa mà còn các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng như cả nước.

Trước mắt, Thuận Phong đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cùng UBND hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) tiến hành khảo sát, vận động người dân hợp tác trồng xoài cát chu theo đúng tiêu chuẩn với sự trợ giúp của các chuyên gia giàu kinh nghiêm, tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững cho nhà máy. Công ty sẽ hỗ trợ cho bà con vay vốn không lãi suất, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với giá ổn định ở mức cao, đảm bảo có lãi. Đây chính là mô hình liên kết “bốn nhà”, vấn đề bấy lâu nay các ngành chức năng đang dồn nhiều công sức để thực hiện.

Nhà máy Thuận Phong 
Khách tham quan nhà máy, xem công nhân làm việc 

Bình luận (0)

Lên đầu trang