Chuyện lạ ở Quận 7, TPHCM: Hai thửa đất liền kề, giá bồi thường "chênh" hơn 8,4 lần (kỳ cuối)

Thứ Năm, 15/06/2023 16:30

|

Từ 2,72 tỷ đồng hạ xuống... 393,2 Triệu (?!)

Ông Đoàn Văn Phương (SN 1973, ngụ 393 Lê Văn Lương, Q7, TPHCM) trình bày: Ông được UBND Q7 và P.Tân Phong mời đối thoại, xác định diện tích nhà và đất bị thu hồi là 47,8m2, trong đó có 9m2 thuộc lộ giới; 38,8m2 là giá đất ở, bồi thường 70,64 triệu đồng/m2. Thông tin này thể hiện rõ trong "phương án bồi thường - hỗ trợ - tái định cư” (BT-HT-TĐC) số 4825 được Trưởng Ban BTGPMT Q7 Nguyễn Thị Hồng ký ngày 31/10/2022 và Chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC dự án (Phó Chủ tịch UBND Q7) Lê Văn Thành ký ngày 24/11/2022. Cùng ngày 24/11, Chủ tịch UBND Q7 Hoàng Minh Tuấn Anh ký QĐ "phê duyệt phương án BT-HT-TĐC", xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông Phương là 2,729 tỷ đồng. Trong đó, đất được bồi thường 70,64 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên vài tuần sau, vợ chồng ông Phương nhận được phương án BT-HT-TĐC số 5384 cũng do bà Trưởng ban Nguyễn Thị Hồng ký (không ghi ngày tháng năm), Chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC dự án Lê Văn Thành ký ngày 16/12/2022 và Chủ tịch UBND Q7 phê duyệt cùng ngày, xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 508,4 triệu đồng (đất được bồi thường 8,325 triệu đồng/m2).

Đến giữa tháng 5, vợ chồng ông Phương bất ngờ nhận được phương án BT-HT-TĐC mới số 2302 cũng do bà Hồng ký ngày 09/5/2023 và ông Thành ký ngày sau đó. Phương án này được Chủ tịch UBND Q7 ký phê duyệt ngày 10/5/2023, xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 393,2 triệu đồng.

Ông Phương bày tỏ: "Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ số tiền bồi thường hỗ trợ từ 2,729 tỷ đồng tuột xuống còn 393,2 triệu! Gia đình tôi tự nguyện thực hiện theo chính sách, chủ trương của Nhà nước, sẵn sàng giao đất để xây dựng công trình công cộng, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Nhưng việc thu hồi đất phải bảo đảm đúng thực tế mục đích sử dụng đất ở của gia đình tôi, đồng thời tạo mọi điều kiện cho người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi và có cuộc sống mới được tốt hơn theo đúng chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước".

Phóng viên Chuyên đề CATP tiếp xúc các hộ dân khiếu nại, kêu cứu

Sốc vì những con số "nhảy múa"

Bà Huỳnh Thị Tý (SN 1948, ngụ Lê Văn Lương, Q7) trình bày: Nhà đất số 2 Lê Văn Lương, Q7 của mẹ chồng Trần Thị Cảnh sử dụng trước năm 1975, để lại cho gia đình bà 316,9m2 đất. Năm 2010, gia đình bà đã giao 210,9m2 cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) để quy hoạch làm Dự án KDC Ven Sông. Phần còn lại để ở chỉ 106m2 thì nay lại bị thu hồi 91,1m2 cho Dự án cầu Rạch Đĩa. Theo phương án BT-HT-TĐC số 5280/PABT-HĐBT do bà Nguyễn Thị Hồng ký ngày 29/11/2022 và ông Lê Văn Thành ký ngày 16/12/2022, tổng giá trị bồi thường cả nhà và đất là 849,269 triệu đồng (đất được bồi thường giá đất nông nghiệp 8,325 triệu đồng/m2). Cả bà Hồng và ông Thành cùng xác định trong phương án: "Không đủ điều kiện tái định cư vì giải tỏa một phần". Phương án này đã được Chủ tịch UBND Q7 Hoàng Minh Tuấn Anh phê duyệt bằng QĐ ký ngày 16/12/2022.

Ông Nguyễn Văn Phụng (con trai bà Tý) bức xúc: "Thu hồi đất mặt tiền đường Lê Văn Lương nhưng không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ 8,352 triệu đồng/m2. Gần 13 năm trước, khi gia đình bị thu hồi 209,6m2 đất, Công ty Tân Thuận chi trả cho bà nội tôi là cụ Trần Thị Cảnh 24 triệu đồng/m2 (bồi thường 5 triệu đồng, hỗ trợ 19 triệu), hồ sơ hiệp thương do chính Ban BTGPMB Q7 lập. 13 năm sau, phần đất còn lại của gia đình tiếp tục bị thu hồi, Ban BTGPMB Q7 lại lập phương án rất khó ngờ! Càng khó ngờ hơn, gia đình chỉ có 106m2, bị thu hồi 91,1m2, vậy mà quận xác định chỉ "giải tỏa 1 phần" nên không đủ điều kiện tái định cư? Xin thưa, gia đình tôi sẽ ổn định cuộc sống bằng cách nào với khoảng 15m2 đất còn lại và số tiền 849,269 triệu đồng?".

Biên bản thỏa thuận việc hiệp thương đền bù

Ông Phụng đặt vấn đề: Người dân cùng sinh sống mặt tiền đường Lê Văn Lương, cùng chung mục đích sử dụng đất, nhưng giá đền bù lại chênh nhau hơn 8,4 lần! Điều này quá bất hợp lý, không công bằng, gây bức xúc cho nhiều gia đình. Tương tự, gia đình ông Đoàn Văn Mười Ba (SN 1968, ngụ 61 Lê Văn Lương, Q7) trước đây bị thu hồi 264,9m2 cho Dự án KDC Ven Sông, được Công ty Tân Thuận chi trả 24 triệu đồng/m2 vào tháng 10/2009. Nay, gia đình tiếp tục bị thu hồi 142,3m2, trong đó 41,2m2 thuộc lộ giới. Còn lại 101,1m2 chia làm 2 loại, trong đó 8,9m2 được bồi thường và 92,2m2 được hỗ trợ với cùng số tiền 8,352 triệu đồng/m2. Tổng số tiền ông Ba nhận được nhận 844,478 triệu đồng.

Ông Ba trình bày: "Ngày 23/02/2023, tôi có đơn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cung cấp thông tin phần đất bị thu hồi. Ngày 30/3/2023, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM có văn bản số 2371/VPĐK-LT, xác định: Phần đất bị thu hồi theo tài liệu 299/TTg và tài liệu 02/CT-UB là đất thổ và thổ tập trung. Tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến Ban BTGPMB và UBND Q7 đều nhận được câu trả lời không có cơ sở để áp giá bồi thường đất ở. Do đó, tôi và gia đình mong muốn lãnh đạo UBNDTP chỉ đạo UBND Q7 xem xét, xác định lại loại đất cũng như đơn giá bồi thường cho tôi, cũng như những hộ dân khác".

Dự án KDC Ven Sông năm 2009 giá 24 triệu đồng/m2

Sáng 02/6/2023, phóng viên (PV) Chuyên đề CATP đã đến UBND Q7 để nắm thông tin. Chánh văn phòng UBND Q7 đã tiếp và nghe PV trình bày sơ nét vụ việc. Sau đó, vị này đề nghị PV sang bộ phận tiếp công dân của Q7 để ghi nhận những vấn đề cần tìm hiểu, báo cáo lãnh đạo UBND quận. PV đã chuyển đơn của các hộ dân, đồng thời nêu rõ bằng văn bản, nội dung:

Vừa qua, tòa soạn có nhận được đơn kêu cứu của cụ Nguyễn Thị Mười và 3 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng Cầu Rạch Đĩa. Theo đơn, các hộ dân cho rằng việc áp giá bồi thường không công bằng, có hộ được nhận giá hơn 70 triệu đồng/m2, nhưng có hộ chỉ nhận 8,3 triệu/m2. Trong khi nguồn gốc, quá trình sử dụng đều trước năm 1975. Để thông tin đa chiều, trân trọng đề nghị UBND Q7 trao đổi một số nội dung sau:

1) Trong các QĐ bồi thường, nhiều hộ được áp giá đất ở, một số hộ được áp giá đất nông nghiệp, mặc dù hiện trạng sử dụng đất giống nhau là có nhà ở, không có GCN và có nguồn gốc sử dụng lâu dài, ổn định. Lý do vì sao có sự khác biệt này và căn cứ pháp lý nào để áp giá bồi thường?

2) Được biết, đây là khu đất ở tập trung, cơ sở pháp lý nào để xác định là đất nông nghiệp để áp giá bồi thường chênh lệch gấp gần 8,4 lần?

3) Đặc thù, đối với gia đình nông thôn (Q7 trước đây là vùng ven TP) thường xây nhà ở phía trong, còn phía trước chừa đất làm sân nhà nhằm có không gian vui chơi, sinh hoạt gia đình. Nếu cho rằng họ không có xây dựng gì ở phần đất này mà áp giá là đất nông nghiệp thì có thiệt thòi cho họ không?

4) Được biết, đất bị thu hồi thuộc Dự án khu đô thị mới Nam Sài Gòn từ năm 1994, không được cấp GCN sau đó là Dự án KDC Ven Sông, đến nay là một phần Dự án xây dựng cầu Rạch Đĩa, thể hiện thực trạng "quy hoạch chồng quy hoạch", quy hoạch treo. Người dân đã bị thiệt hại nhiều quyền lợi, bây giờ lại nhận bồi thường đất nông nghiệp, làm sao ổn định cuộc sống? Lãnh đạo UBND Q7 có biện pháp nào hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ bị thu hồi đất?

Đến nay, PV và tòa soạn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo UBND Q7.

‘Chuyện lạ’ ở Quận 7, TPHCM: Hai thửa đất liền kề, giá bồi thường
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang