(CAO) Liên quan đến phản ánh của Chuyên đề CATP về công trình kè gần trăm tỷ đồng làm 14 năm chưa xong, bị sạt lở, hiện người dân cũng đang phản ánh, cống của bờ kè thoát nước kém, gây ngập lụt.
Dẫn phóng viên ra thăm hơn 1,4 héc-ta trồng cây lâu năm, hoa màu và ao cá của gia đình bị thiệt hại do lũ, bà Hoàng Thị Mùa (ngụ thôn Đông Sông, TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) kể, những năm chưa có bờ kè sông Pô Kô, gia đình cũng xảy ra ngập lụt nhưng thiệt hại không đáng kể. Lũ lên gây ngập nhưng thoát cũng rất nhanh, ít ảnh hưởng đến cây trồng và tài sản.
“Hai năm nay, từ khi làm bờ kè và khu vực này bị đổ đất, gia đình liên tục bị ngập lụt. Nước lũ lên nhưng thoát nước chậm, gây ngập úng lâu ngày, làm chết cây trồng. Hai năm trở lại đây, nước lũ vào nhà, hơn 1,4 héc-ta cây trồng, ao cá của gia đình thường xuyên bị ngập”, bà Mùa buồn rầu nói.
Hệ thống thoát nước kè sông Pô Kô được thiết kế cách đây hơn 14 năm, giờ không còn phù hợp với thực tế.
Ông Đỗ Duy Tuyền, Trưởng thôn Đông Sông, TT.Đăk Glei cho biết, cống thiết kế nằm sâu dưới bờ kè, thường xuyên bị cát bồi lấp. Cả đoạn bờ kè sông Pô Kô đi qua thôn dài hơn 1km, nhưng cống thoát nước thưa và nhỏ. Khi có lũ, nước thoát qua cống không kịp, gây ngập úng cục bộ cho người dân.
Theo ông Thuyền, từ khi làm bờ kè, các hộ dân sinh sống trong thôn liên tục bị ngập lụt do cống của bờ kè thoát nước không kịp. Lũ lớn thì không nói, còn lũ nhỏ khi chưa có kè, nước thoát nhanh. Còn khi có kè, lũ lớn, lũ nhỏ nước thoát đều chậm, gây ngập lụt cho người dân trong thôn. Như năm 2022, xảy ra 3 trận lụt ở thôn, gây thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của người dân”, ông Tuyền phản ánh.
Cống nằm dưới chân kè nên thường xuyên bị bồi lấp.
Tại biên bản kiểm tra hiện trạng kè sông Pô Kô vào ngày 27/4/2023, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cũng xác nhận, trên tuyến kè thiết kế 7 cống (D100cm và D150cm) thoát nước từ phía trong ra sông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dòng chảy qua các năm, gây bồi lấp cửa ra cống thoát nước. Bên cạnh đó, khi mưa lớn, nước sông dâng cao, làm ảnh hưởng khả năng thoát nước của cống.
Ngoài ra, đơn vị thi công dự án san ủi khu trung tâm huyện Đăk Glei đổ đất thải lấp hoàn toàn hố thu cống thoát nước 3A, dòng chảy vào mùa mưa sẽ tập trung cống thoát nước số 3 và 4 của bờ kè.
Miệng cống ở bờ kè sông Pô Cô
Cũng liên quan đến bờ kè sông Pô Kô, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum (chủ đầu tư) cho biết, hiện chủ đầu tư đã giao nhà thầu (Công ty TNHH Tuấn Dũng) khắc phục đoạn hư hỏng của bờ kè. Kinh phí khắc phục sẽ do nhà thầu tự bỏ ra. Hiện nhà thầu đã huy động máy móc và nhân công tiến hành khắc phục đoạn hư hỏng. Dự kiến sau 1 tháng, nhà thầu sẽ khắc phục xong bờ kè.
Đất đổ đầy tràn lên bờ kè cùng gây khó khăn cho thoát nước khi có mưa lớn.
Như Chuyên đề CATP đã phản ánh, kè chống sạt lở sông Pô Kô đi qua TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có chiều dài hơn 1,9km, tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum.
Vào năm 2009, kè được triển khai thi công, đến năm 2013 thì tạm ngừng vì thiếu vốn. Năm 2019, công trình tiếp tục được bố trí vốn hơn 11,8 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục cần thiết còn lại nhằm phát huy hiệu quả, đồng thời đưa vào bàn giao, sử dụng. Tuy nhiên, đến năm 2022, bờ kè đã hoàn thiện nhưng chưa được bàn giao, một số đoạn bị sạt lở, gây trôi mái kè. Từng mảng bê tông bị nứt, trượt xuống sông Pô Kô và đang có dấu hiệu lan rộng.
(CAO) Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô (TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được đầu tư hơn 93 tỉ đồng nhưng triển khai 14 năm vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, những đoạn kè đã hoàn thành lại bị sạt lở, nay phải thi công lại.