Canh tác hợp pháp gần 50 năm, bất ngờ bị tòa tuyên trả đất cho người khác

Chủ Nhật, 28/05/2023 20:22  | Hà An

|

(CATP) Hộ gia đình một thương binh đến ở và canh tác đất từ năm 1977, sau đó được cấp GCN QSDĐ từ 1997. Thế nhưng sau gần 50 năm sinh sống, canh tác hợp pháp trên mảnh đất của mình, họ bất ngờ khi bị tòa án tuyên trả một phần đất đã được cấp cho thân nhân người chủ cũ. Câu chuyện "dở khóc dở cười" đã gây bức xúc cho nhiều người trong cuộc.

Diễn tiến vụ việc

Theo hồ sơ gửi Chuyên đề Công an TPHCM, bà Nguyễn Thị Mỹ Lợi (SN 1957, ngụ thôn Thiết Đính Bắc, P.Bồng Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: Từ năm 1977, bà Lợi cùng chồng là ông Bùi Mon (thương binh, đã mất năm 2003) và các con đến dựng nhà ở và canh tác ổn định tại thửa đất khoảng 6.000m2 tại thôn Thiết Đính Bắc.

Ngày 21/7/1997, UBND huyện Hoài Nhơn cấp giấy chứng nhận QSD đất. Sau hơn 30 năm canh tác, sử dụng đất ổn định, khi cơ sở hạ tầng, đường sá khu vực được chỉnh trang, mở rộng và nhựa hóa, gia đình bà Lợi bất ngờ trở thành bị đơn trong vụ kiện tranh chấp QSD thửa đất mà gia đình bà được cấp giấy chứng nhận hợp pháp nêu trên.

Theo đó, ngày 31/3/2008, bà Trần Thị Đào (SN 1953, ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) là nguyên đơn khởi kiện, đòi lại toàn bộ diện tích 6.054,6m2 đất mà gia đình bà Lợi đã được cấp trước đó với lý do thửa đất này bà Bùi Thị Cẩm (mẹ bà Đào, đã mất) được hưởng thừa kế từ dòng họ Bùi vào năm 1951.

Ngày 23/4/2009, TAND tỉnh Bình Định tuyên buộc gia đình bà Lợi phải trả lại cho bên nguyên đơn 4.305,3m2 diện tích thửa đất nói trên. Sau bản án sơ thẩm, gia đình bà Lợi kháng cáo toàn bộ bản án, bà Đào cũng kháng cáo đòi toàn bộ diện tích đất. Tại phiên tòa ngày 25/9/2009, TAND tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm cho rằng, việc bà Đào dựa vào tờ giấy chia di sản ngày 16/01/1951, được lập tại trụ sở Ủy ban hành chánh xã Hoài Tân, nhưng chỉ là bản photo và việc UBND huyện Hoài Nhơn xác nhận việc cấp GCN QSDĐ cho hộ ông Bùi Mon là đúng trình tự, quy định của pháp luật nên từ đó hủy án sơ thẩm.

Ngày 20/5/2014, TAND tỉnh Bình Định mở lại phiên tòa sơ thẩm, qua đó bác đơn khởi kiện đòi đất của bà Đào vì thửa đất tranh chấp trên bà Lợi quản lý, sử dụng ổn định. Dù là đất có nguồn gốc của dòng tộc để lại, nhưng qua các thời kỳ Nhà nước thực hiện chính sách quản lý đất đai, gia đình bà Đào không quản lý và đăng ký kê khai phần diện tích đất tranh chấp nói trên, nên theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 thì bà Đào không có quyền đòi lại đất tư hữu do cha mẹ để lại.

Mặt khác, gia đình ông Bùi Mon, bà Lợi đã được UBND huyện Hoài Nhơn cấp GCN QSDĐ từ năm 1997 theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, cân đối giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình xã viên HTX nông nghiệp nên bà Đào không có quyền đòi lại đất. Hơn nữa, vợ chồng bà Lợi đã quản lý sử dụng đất ổn định từ năm 1977 cho đến ngày nguyên đơn khởi kiện là trên 30 năm. Căn cứ khoản 1, Điều 247 Bộ luật Dân sự quy định về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì vợ chồng bà Lợi được quyền sử dụng đất. Từ đó, bản án sơ thẩm bác đơn khởi kiện đòi lại đất của bà Đào.

Mảnh đất hộ gia đình bà Lợi đã sử dụng ổn định từ năm 1977

Khi tòa cấp dưới "ngó lơ” chỉ đạo tòa cấp cao

Những tưởng vụ việc đã được tòa cấp cao xem xét và phân xử hợp lý, nào ngờ mọi việc vẫn chưa dừng lại. Nhận được kết quả như trên, bà Đào kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Theo bản án phúc thẩm 57/2014/DS-PT TAND Tối cao tại Đà Nẵng, kết quả bất ngờ khi HĐXX tuyên: Sửa bản án sơ thẩm; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Đào, buộc bà Lợi phải giao trả cho bà Đào 5.518m2 đất, bà Đào được quyền sử dụng toàn bộ số cây của bà Lợi trồng.

Ngày 22/8/2017, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm 57/2014/DS-PT, đề nghị hủy bản án của Tòa phúc thẩm. Quyết định GĐT số 03/2018/DS-GĐT, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định: Nguyên đơn bà Trần Thị Đào trình bày, thửa đất trên là của cụ Bùi Thị Cẩm (mẹ của bà Đào) được hưởng di sản của gia tộc họ Bùi theo Biên bản chia di sản ngày 16/01/1951. Năm 1975, cụ Cẩm cùng các con là bà Trần Thị Đào và ông Trần Ngọc Bích chuyển về TPHCM sinh sống, nhưng có nhờ ông Bùi Đá là người bà con trông coi. Năm 1977, thấy vợ chồng ông Bùi Mon và bà Lợi có hoàn cảnh khó khăn không chỗ ở nên hỏi ông Đá xin ở nhờ trên đất.

Đất tuy có nguồn gốc của cụ Bùi Thị Cẩm được thừa kế từ gia tộc họ Bùi để lại, nhưng từ sau năm 1975, các con của cụ Cẩm là bà Trần Thị Đào, ông Trần Ngọc Bích không quản lý, sử dụng, không kê khai đăng ký và không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Bị đơn là bà Nguyễn Thị Mỹ Lợi là người quản lý, sử dụng từ năm 1975, đăng ký kê khai và được UBND huyện Hoài Nhơn cấp GCN QSDĐ ngày 21/02/1997.

Trong khi đó, UBND huyện Hoài Nhơn có công văn ngày 22/6/2017 khẳng định: căn cứ kết quả điều tra nhân khẩu và cân đối ruộng đất, do hộ ông Bùi Mon là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Bồng Sơn nên việc cấp đất cho hộ gia đình ông Bùi Mon là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Vì các lẽ trên, Quyết định GĐT đã chấp nhận kháng nghị GĐT của Chánh án TAND Tối cao, quyết định hủy án số 03/2014/DSST và phúc thẩm số 57/2014/DS-PT.

Tại bản án sơ thẩm số 29/2019/DS-ST, HĐXX TAND tỉnh Bình Định tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đào về việc đòi lại toàn bộ diện tích đất thửa đất số 818 tờ bản đồ số 23 và yêu cầu hủy GCN QSDĐ đã cấp cho hộ ông Bùi Mon năm 1997. Bà Đào kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm 29/2019/DS-ST.

Mở lại phiên xử và bản án sơ thẩm số 33/2022/DS-ST, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đào, yêu cầu gia đình bà Lợi phải trả lại một phần diện tích đất của thửa đất số 818 tờ bản đồ số 23 là 3.994,3m2. Bà Lợi kháng cáo, phiên phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng ngày 20/02/2023 tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà Lợi, y án sơ thẩm...

Điều đáng bàn ở đây, cùng một vụ việc, TAND 2 cấp ra 8 bản án nhưng tất cả các bản án vẫn không làm rõ yêu cầu của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn trong QĐ GĐT: Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cần xem xét, làm rõ HTX đã thực hiện việc cân đối đất cho gia đình ông Mon, bà Lợi không? Phần đất nào đã được cân đối thì phải xác định là Nhà nước đã thực hiện chính sách ruộng đất đối với người đang quản lý, sử dụng đất ổn định. Còn phần đất Nhà nước chưa cân đối, điều chỉnh thì vẫn thuộc quyền sử dụng của người cho ở nhờ (cụ Cẩm).

Hơn nữa, TAND tối cao bằng văn bản số 169/2002/KHXX ngày 15/11/2002 hướng dẫn V/v đường lối giải quyết các khiếu kiện, các tranh chấp đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng, thực hiện chủ trương của Chính phủ. Theo đó, TAND tối cao yêu cầu tòa án các cấp khi giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng phải căn cứ áp dụng khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai 1993, không thừa nhận việc đòi lại đất cũ đã giao cho người khác sử dụng ổn định lâu dài trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước.

Tại sao Luật đã quy định, Tòa Tối cao đã có văn bản hướng dẫn xét xử để bảo đảm việc giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng được thống nhất, đúng pháp luật nhưng trong vụ việc tranh chấp này lại bị bỏ qua? Câu hỏi không chỉ gây bức bối cho người trong cuộc mà vấn đề đặt ra là: Những người thừa hành Luật có cố tình áp dụng và hiểu sai Luật để khiến vụ việc phức tạp và làm phiền hà người dân hay không?!

Bình luận (0)

Lên đầu trang