Chuyện hy hữu:

Luật gia kiện đòi tiền hứa thưởng hơn trăm tỷ, tòa tuyên 61,3 tỷ đồng

Thứ Tư, 01/06/2022 11:29  | Quốc Phong

|

(CATP) Vụ kiện hy hữu này kéo dài từ năm 2011 đến nay, với hàng loạt tranh chấp liên quan đến ngôi nhà số 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai (Q3, TPHCM; hiện là trụ sở Ngân hàng Á Châu, viết tắt là ACB) có diện tích 827m2, trị giá nhiều trăm tỷ đồng.

Khi thân chủ là Việt kiều Mỹ về nước đi đòi nhà, được luật gia Đặng Đình Thịnh nhận thực hiện hợp đồng hứa thưởng, giúp kiện ra tòa. Từ xét xử sơ thẩm (TAND TPHCM), đến phúc thẩm (TAND Cấp cao tại TPHCM), rồi giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án; đến lần này, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm lần 2.

Vụ kiện kéo dài hơn chục năm

Trong nhiều vụ tranh chấp liên quan đến ngôi nhà trên, có vụ luật gia Đặng Đình Thịnh kiện yêu cầu những người thừa kế của thân chủ cũ là Việt kiều Mỹ, phải trả 113 tỷ đồng theo hợp đồng hứa thưởng đòi nhà hàng chục năm trước. Vụ án được TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, sau đó TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên án phúc thẩm, đến Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định hủy cả 2 bản án sơ và phúc thẩm, giao cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.

Trong các ngày 23, 25, 27, 30 và 31-5-2022, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ án này lần 2. Trong đó, có vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng giữa ông Đặng Đình Thịnh với bị đơn là bà Vương Thị Khanh cùng con trai là Nguyễn Đắc Quang (cả hai đã chết). Những người thừa kế của bà Khanh và ông Quang tham gia phiên tòa sơ thẩm lần 2 với tư cách là bị đơn. Trong cùng vụ án, TAND TPHCM cũng xem xét nhiều yêu cầu tranh chấp khác. Trước đây, ông Thịnh từng được tòa án hai cấp tuyên thắng kiện, buộc phía bị đơn phải trả khoản tiền hứa thưởng tương đương hơn 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bản án này đều bị quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy.

Vụ kiện xung quanh ngôi nhà số 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai (Q3) thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha (đã chết trước đây) và bà Vương Thị Khanh. Trong thời gian gia đình bà Khanh, ông Kha đi xuất cảnh, ngôi nhà được UBND TPHCM quản lý theo diện nhà vắng chủ, rồi giao cho Công ty Quản lý nhà TPHCM quản lý. Sau đó, công ty này cho Ngân hàng Á Châu thuê làm trụ sở.

Khi về Việt Nam, bà Khanh và con trai là Nguyễn Đắc Quang muốn đòi lại ngôi nhà. Vào năm 2007, mẹ con bà Khanh và luật gia Đặng Đình Thịnh ký hợp đồng tư vấn pháp lý đòi lại ngôi nhà này, với nội dung: "Ông Thịnh sẽ thay mặt bà Khanh liên hệ các cơ quan có thẩm quyền khiếu nại để đòi nhà. Bà Khanh sẽ trả thưởng cho ông Thịnh 35% tổng giá trị nhà và đất sau khi đòi lại được".

Ông Đặng Đình Thịnh trình bày tại tòa

Đến ngày 28-6-2011, Bộ Xây dựng ra quyết định trả nhà cho bà Khanh. Sau đó, UBND TPHCM ban hành quyết định trả nhà cho bà này. Tuy nhiên, ngôi nhà lại vướng vào hàng loạt tranh chấp khác. Vụ kiện phát sinh với nhiều tình tiết xung quanh ngôi nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng này. Ngoài hứa thưởng với ông Thịnh, ông Quang còn ký thỏa thuận bán ngôi nhà này cho nhiều người, trong đó nhận cọc của bà Đặng Thu Hà số tiền 210 tỷ đồng, nhận cọc của ông Vũ Huy Hoàng hơn 21 tỷ đồng; ông Quang cũng ký hợp đồng cho Ngân hàng Á Châu thuê ngôi nhà.

Đòi tiền hứa thưởng 113 tỷ đồng

Quá trình giải quyết vụ án của các cấp tòa án, ông Thịnh cho biết, phải bỏ ra công sức đi làm việc với nhiều cơ quan chức năng trong suốt 5 năm để đòi lại nhà cho bà Khanh. Mẹ con bà Khanh hứa thưởng 35% giá trị nhà đất nói trên, song không thực hiện hợp đồng. Người đại diện theo ủy quyền của bà Khanh thừa nhận bà có hứa thưởng, nhưng chỉ đồng ý trả 15% giá trị nhà và đất thuộc phần sở hữu của bà Khanh. Đây là tài sản chung của vợ chồng (bà Khanh, ông Kha), nhưng việc hứa thưởng chỉ do một mình bà Khanh thỏa thuận với ông Thịnh. Trước khi chết, ông Kha không để lại di chúc nên phần tài sản của ông được chia cho 9 người con (người thừa kế), không phụ thuộc vào việc hứa thưởng do bà Khanh ký với ông Thịnh.

Tháng 02-2015, TAND TPHCM xử sơ thẩm lần đầu, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thịnh, buộc bà Khanh và ông Quang phải trả 35% tổng giá trị nhà, đất theo hợp đồng hứa thưởng. Ngôi nhà và đất được định giá là 156 tỷ đồng, do đó, tòa buộc bà Khanh phải trả cho ông Thịnh gần 55 tỷ đồng. TAND TPHCM cũng chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Huy Hoàng về hủy hợp đồng mua bán, buộc ông Quang và bà Khanh trả lại tiền cọc đã nhận. Một số yêu cầu của những người khác chỉ được tòa chấp nhận một phần hoặc bác yêu cầu. Bà Khanh cùng một số đương sự kháng cáo. Viện KSND TPHCM cũng kháng nghị, cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng, vụ án có nhiều quan hệ tranh chấp, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm, tách các quan hệ tranh chấp còn lại thành một vụ án khác.

Ngôi nhà hiện là trụ sở Ngân hàng Á Châu

Đến năm 2016, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm về phần hứa thưởng, đồng thời hủy các quan hệ tranh chấp khác, giao cho TAND TPHCM xét xử lại. Đến năm 2017, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án sơ và phúc thẩm, yêu cầu TAND TPHCM xét xử vụ án lại từ đầu, theo hướng giải quyết tất cả các tranh chấp liên quan đến tài sản này trong cùng một vụ án, để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên.

Tòa chỉ giải quyết phần hứa thưởng 61,3 tỷ đồng

Tại phiên xử sơ thẩm lần 2, ông Thịnh cho biết vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, buộc các đồng thừa kế của bà Khanh và ông Quang phải trả 35% giá trị nhà, đất đòi được theo giá hiện nay là 113 tỷ đồng. Đại diện phía bị đơn cho rằng, bà Khanh và ông Quang ở thời điểm hứa thưởng không có quyền quyết định đối với toàn bộ tài sản này, vì chưa có ý kiến của các đồng thừa kế khác. Phía bà Đặng Thu Hà, ông Vũ Huy Hoàng và những người khác liên quan cũng giữ nguyên yêu cầu. Trong đó, bà Hà yêu cầu những người thừa kế của ông Quang, bà Khanh thực hiện hợp đồng mua bán nhà, còn ông Hoàng đề nghị trả lại khoản tiền đã nhận theo hợp đồng đã ký.

Đến trưa 31-5-2022, TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm lần 2. Theo đó, chấp nhận các đồng thừa kế của bà Khanh và ông Quang chịu trách nhiệm trả cho ông Thịnh hơn 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa cũng buộc ông Thịnh phải trả lại cho ông Quang 6,7 tỷ đồng mà ông Thịnh đã nhận trước đây. Sau khi đối trừ các khoản, ông Thịnh được nhận 61,3 tỷ đồng là tiền hứa thưởng.

Tòa còn tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Hoàng về việc hủy hợp đồng đặt cọc, buộc những người thừa kế của ông Quang và bà Khanh trả lại số tiền cọc hơn 21 tỷ đồng. TAND TPHCM cũng tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Hà, công nhận hợp đồng mua bán nhà vì bà Hà mua bán ngay tình, căn cứ trên các giấy tờ do ông Quang và bà Khanh cung cấp (tờ đoạn mãi 1958, quyết định trả nhà số 3327 của UBND TPHCM, văn bản khai nhận thừa kế đã được niêm yết công khai, tờ khai nộp lệ phí trước bạ theo ủy quyền của bà Khanh...).

Hội đồng xét xử cho rằng, việc khai nhận di sản thừa kế bỏ sót người (8 người thừa kế) là lỗi của ông Quang và bà Khanh, còn bà Hà ngay tình, không biết việc này. Thời điểm mua bán nhà, bà Hà đã thanh toán 84% giá trị ngôi nhà. Bà Hà có trách nhiệm thanh toán 16% giá trị nhà, đất còn lại theo định giá của tòa án, với số tiền là hơn 51 tỷ đồng. Tòa án cũng ghi nhận sự tự nguyện của bà Hà đồng ý trả thêm gần 49 tỷ đồng cho các đồng thừa kế.

Đối với Ngân hàng Á Châu, tòa án ghi nhận số tiền thuê nhà mà ngân hàng đã trả vào tài khoản của ông Quang là gần 19 tỷ đồng. Các đồng thừa kế nhà có trách nhiệm thanh toán lại giá trị đã xây dựng làm tăng giá trị ngôi nhà (hơn 3 tỷ đồng). Tòa tuyên buộc Ngân hàng Á Châu giao nhà cho bà Hà ngay sau khi bản án có hiệu lực. Hội đồng xét xử còn tuyên hủy di chúc của bà Khanh để tài sản cho bà Phượng (cháu nội của bà Khanh), vì trước đó bà Khanh đã có hợp đồng ủy quyền hứa thưởng và hợp đồng tặng cho ông Quang (cha ruột của bà Phượng) toàn bộ giá trị ngôi nhà, nên bà Khanh không còn di sản để lại.

Sau khi cấn trừ các nghĩa vụ nêu trên, tòa án cấp sơ thẩm lần 2 còn tuyên số tiền hơn 40 tỷ đồng (ngôi nhà hiện tại định giá là 323 tỷ đồng) giao lại cho các đồng thừa kế tự quản lý, phân chia. Trường hợp các đồng thừa kế có tranh chấp thì khởi kiện một vụ án mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang