(CATP) Là người mua bán ngay tình, ông Hà Thế Huỳnh (SN 1963, ngụ thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã ký hợp đồng (HĐ) mua bán nhà, đất với ông Nguyễn Văn Trong (SN 1974, ngụ ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang).
Sau khi đã trả đủ tiền, bất ngờ ông Huỳnh bị lôi vào vòng kiện tụng, để rồi sau hai phiên tòa cấp sơ và phúc thẩm, ông trở thành “kẻ trắng tay” khi hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp pháp của ông đã bị tòa hủy bỏ.
Mua bán hợp pháp
Trong đơn kiện gửi các cơ quan chức năng, ông Huỳnh trình bày: Đầu tháng 12-2010, ông Trong đến nhà gặp ông rao bán phần nhà 317,8m2 (thuộc thửa 3577, UBND huyện Cai Lậy cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ ngày 4-10-2007, quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) ngày 20-1-2009) và 2.000m2 (đất trồng cây lâu năm được UBND huyện Cai Lậy cấp GCN QSDĐ ngày 12-10-1999) của bà Lê Thị My Sên (SN 1955) ở ấp 17 và ấp 8, xã Long Trung, huyện Cai Lậy.
Ông Huỳnh đồng ý nhận chuyển nhượng và ngày 3-12-2010 tại Phòng công chứng (CC) số 3 tỉnh Tiền Giang, ông Trong cho biết vì bận việc nên bốn người trong gia đình bà Sên gồm: bà Sên cùng chồng là Đoàn Văn Lộc và hai con Nguyễn Lê Bá Chí, Lê Hải Đăng đồng loạt ký vào giấy ủy quyền (có CC) cho ông Trong đứng ra chuyển nhượng QSDĐ và QSHNƠ cho ông Huỳnh.
Ông Huỳnh trình bày sự việc
Căn cứ theo đó, ông Trong đã ký HĐCN hai thửa đất trên cho ông Huỳnh và công chứng viên (CCV) đã CC HĐCN đất và nhà ở của ông Trong cho ông Huỳnh. Cũng tại đây, ông Huỳnh đã trả đủ 300 triệu đồng cho ông Trong rồi làm thủ tục đăng bộ sang tên theo quy định.
Tuy nhiên, do ông Trong chỉ đưa cho gia đình bà Sên 140 triệu, do đó ngày 17-8-2011 bà Sên đã yêu cầu xã, huyện ngăn chặn không cho ông Huỳnh được làm thủ tục chuyển nhượng. Đồng thời, ngày 30-7-2012 bà Sên khởi kiện ông Trong ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cai Lậy. Trong đó, ông Huỳnh là người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan.
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 4-6-2013, TAND huyện Cai Lậy không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Sên, chấp nhận đề nghị của ông Huỳnh về việc gia đình bà Sên tiếp tục thực hiện HĐCN QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất, buộc gia đình bà Sên thực hiện nghĩa vụ sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng nhà và đất ở cho ông Huỳnh đúng pháp luật; đồng thời buộc ông Trong phải giao trả trọn một lần cho bà Sên 160 triệu đồng... Tuy nhiên, sau đó bà Sên đã kháng cáo lên TAND tỉnh Tiền Giang.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 30-9-2013, cả bà Sên và ông Trong cùng thỏa thuận hủy hợp đồng ủy quyền (HĐUQ) có CC khi cả hai cùng xác nhận bà Sên chỉ ủy quyền cho ông Trong được đại diện thế chấp giấy tờ nhà, đất để vay tiền ngân hàng (NH), chứ không hề ủy quyền cho ông Trong được bán tài sản nhà, đất. Ông Trong còn bịa chuyện khi đặt vấn đề thế chấp giấy tờ nhà, đất để vay tiền thì ông Huỳnh đã yêu cầu ông phải lập HĐ mua bán nhà, đất mới cho vay. Mục đích của ông khi ký HĐ mua bán nhà, đất với ông Huỳnh chỉ đơn giản là “giúp đỡ gia đình bà Sên” (!).
Dựa vào đó, TAND tỉnh Tiền Giang ra quyết định (QĐ) hủy bỏ HĐCN QSDĐ giữa ông Trong với ông Huỳnh, buộc ông Huỳnh nhận lại số tiền vốn và lãi 401,135 triệu đồng từ ông Trong, dù ông không cho ông Trong vay xu nào?
“Thực tế tôi đã bỏ tiền ra để mua nhà, đất của ông Trong và việc mua bán là hợp pháp, được CC hẳn hoi thì tại sao tôi lại bị hủy bỏ HĐCN QSDĐ?”, ông Huỳnh bức xúc.
Và những nghịch lý
Phiên tòa phúc thẩm xác định: ông Trong chuyển nhượng đất cho ông Huỳnh mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu (gia đình bà Sên) là tùy tiện nên tòa tuyên bố HĐCN QSDĐ vô hiệu.
Theo ông Huỳnh, nghịch lý nhất là trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang không xem xét hiệu lực pháp luật của các HĐ có CC. Rõ ràng trên thực tế, việc được ủy quyền và chuyển nhượng QSDĐ đã hoàn thành hợp pháp thì đúng ra theo quy định tại khoản 2 điều 147 và khoản 2 điều 589 Bộ luật dân sự, việc ủy quyền đã chấm dứt.
Theo đó, HĐ giao dịch của người được ủy quyền ký kết là ông Trong có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành vì đã ký kết đúng quy định. Thế nên việc ông Trong và gia đình bà Sên cùng thỏa thuận hủy HĐUQ đã ký trước đó là không cần thiết, vì nó đã hết hiệu lực. Do đó, HĐCN QSDĐ đã ký kết là hợp pháp thì không có lý do gì bị hủy bỏ. Thực tế cho thấy việc TAND tỉnh Tiền Giang ban hành QĐ hủy bỏ HĐCN QSDĐ của ông Trong cho ông Huỳnh là không đúng pháp luật.
Việc bên ủy quyền và được ủy quyền tự thỏa thuận chấm dứt HĐ tại phiên tòa phúc thẩm vẫn không có giá trị hồi tố đối với các giao dịch hợp pháp do người được ủy quyền ký. Nhưng không hiểu vì sao TAND tỉnh Tiền Giang lại chấp nhận việc này dù nó không phù hợp với thực tiễn và trái pháp luật.
“Việc cấp tòa phúc thẩm thụ lý việc hủy HĐUQ và HĐCN QSDĐ là chưa đúng. Nếu tòa thụ lý thì đây là vụ án bà Sên kiện ông Trong đòi tài sản mới hợp lý, vì bà Sên đã nhận của ông Trong 140 triệu; còn lại 160 triệu tiền bán nhà, đất, ông Trong giữ mà không giao cho bà Sên, chứ không thể hủy bỏ HĐ như bản án phúc thẩm ngày 30-9-2013.
“Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, tôi đã tuân theo QĐ thi hành án (THA) của Cục THA dân sự ngày 27-12-2014. Do nhiều lần bị CHV Nguyễn Thị Mộng Thu thúc ép, ngày 12-1-2015 tôi đã giao toàn bộ giấy tờ nhà, đất của bà Sên cho CHV Thu giữ. Trong biên bản kèm theo, tôi có ghi thêm nội dung “khi nào tôi được ông Trong giao trả đủ 401,135 triệu đồng thì cơ quan THA mới được trả giấy tờ nhà lại cho ông Trong theo nội dung bản án phúc thẩm đã tuyên...
Tiếp đó, ngày 13-1-2015 Chi cục THA huyện Cai Lậy đã trả cho tôi 180.640.725 đồng. Sau một thời gian dài chờ đợi tôi đã tìm gặp ông Trong và được biết sau khi giao nộp số tiền trên trả cho tôi, bà Sên đã được CHV Thu giao trả trực tiếp các loại giấy chủ quyền nhà, đất... Qua vụ việc này có thể thấy CHV Thu không thực hiện đúng QĐ của tòa phúc thẩm, lại tự tiện hoàn trả các loại giấy chủ quyền. Nếu bà Sên tẩu tán tài sản thì tôi sẽ mất trắng phần tiền còn lại. Tôi đã tiếp tục khiếu nại lên TAND tối cao với hy vọng công lý sẽ thuộc về lẽ phải”, ông Huỳnh thể hiện rõ quan điểm.