Xung quanh đề xuất tăng phí đăng ký xe cá nhân: Còn nhiều băn khoăn

Thứ Sáu, 24/07/2015 15:14  | Quang Hà

|

(CATP) UBND TPHCM vừa trình HĐND TP xem xét thông qua phương án thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở thành phố. Theo tờ trình trên, nhóm ôtô dưới 10 chỗ ngồi trở xuống không kinh doanh vận tải hành khách có mức lệ phí đăng ký đề xuất tăng từ 2 triệu đồng (đang áp dụng) lên 11 triệu đồng/lần/xe.

Loại xe sơ-mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc đang có mức phí áp dụng 100 ngàn đồng tăng lên 150 ngàn đồng/lần/chiếc. Các loại xe máy từ 15 triệu đồng trở xuống có mức phí đăng ký đang áp dụng là 500 ngàn đồng tăng lên 750 ngàn đồng/chiếc. Xe máy từ 15 triệu - 40 triệu đồng có mức phí đăng ký đang áp dụng 1 triệu đồng/chiếc tăng lên 1,5 triệu đồng/chiếc. Xe máy trị giá trên 40 triệu đồng mức phí tăng lên 3 triệu, lên thêm 1 triệu đồng/chiếc so với hiện tại. Đối với xe kinh doanh vận tải hành khách công cộng được áp dụng mức thu thấp nhất để khuyến khích tăng loại xe này, mức phí mới dự định áp dụng từ 1-9-2015.

Tăng phí đăng ký phương tiện cá nhân cần chú ý tác động đến thu nhập của người lao động

Theo giải trình của UBND thành phố, các mức phí đề xuất tăng nói trên được tính theo giá trị trung bình giữa mức thu cao nhất và mức thấp nhất quy định tại Thông tư 127/TT-BTC của Bộ Tài chính năm 2013 đối với khu vực I là TPHCM và Hà Nội, theo nguyên tắc việc thu lệ phí đăng ký xe không vượt quá mức thu tối đa được quy định tại thông tư trên... Trao đổi với phóng viên Báo CATP về đợt tăng phí đăng ký này, một số chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện khoa học và công nghệ giao thông vận tải (GTVT) - Bộ GTVT:

Dưới góc độ nhà nghiên cứu theo tôi phải xem xét cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nếu dùng biện pháp tài chính, tăng phí để vừa lấy kinh phí hoạt động cũng là biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy thì không thể giảm.

Cái thứ nhất thời gian qua đã chứng minh: thuế xe máy, phí nọ phí kia tăng lên, đồng thời tại các thành phố lớn tăng cường thêm phương tiện công cộng như xe buýt... nhưng tỉ lệ tăng trưởng xe máy vẫn cứ cao thì cần phải suy nghĩ. Không thể cứ tăng phí, tăng thuế cao mãi lên để người ta hạ nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân được đâu, điều này phải nghiên cứu.

Cái thứ hai là cứ tăng giá cái gì lên là ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, làm tăng giá cả sinh hoạt chung của thị trường. Chưa biết có giải quyết được ùn tắc không nhưng vấn đề tăng giá sinh hoạt chung thì các nhà quản lý phải lưu ý.

Trong chừng mực nhất định làm cái gì cũng phải có thí điểm, thành công mới nhân rộng. Tôi hy vọng trước khi quyết định vấn đề gì, cơ quan chức năng nên phải bàn bạc kỹ, xem xét phản biện cả về các mặt xã hội, kỹ thuật, lấy ý kiến nhiều người dân thuộc mọi tầng lớp. Khi tổng hợp hết và thấy lợi hãy quyết định.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT:

Quan điểm tăng phí, đánh vào xe cá nhân bằng kinh tế là sai lầm và không hợp thời, không phù hợp điều kiện Việt Nam, không đúng đối tượng, mà thực chất là đánh vào người nghèo, hay nói cách khác là người lao động. Tại sao, bởi đi lại là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu được.

TPHCM hiện mới chỉ giải quyết được 8-10% nhu cầu này bằng xe công cộng, chưa nói đến chuyện loại xe trên chưa thu hút người dân do cũ kỹä, phục vụ không chu đáo, người điều khiển tiêu cực, vì vậy nếu tăng phí đánh vào phương tiện cá nhân thì khoảng 9 triệu người dân đi lại bằng gì để sinh sống?

Hiện một chiếc xe máy đã chịu bảy loại phí, ôtô “cõng” hàng chục khoản phí rồi, giờ lại tiếp tục tăng thì theo tôi là biện pháp rất sai lầm và thiếu nhân văn. Họ chỉ thực hiện phương thức này khi giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 30-40% nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, ở Trung Quốc, Nga, giao thông công cộng đáp ứng được 50-60% hay như tại Tokyo có hệ thống tàu điện ngầm dài 400 km, phủ kín cả thủ đô nước Nhật và chỉ cần sự cố là ùn tắc xảy ra ngay. Những nước như thế chính phủ mới áp dụng biện pháp tài chính đối với người dân được vì người dân đã có phương tiện đi lại rồi nên nếu anh sử dụng quá nhiều xe thì tôi hạn chế bằng cách tăng tiền.

Còn ở nước ta, người dân không có đường chọn, chỉ duy nhất biện pháp là phải tự mua phương tiện cá nhân mà chúng ta dùng biện pháp tài chính đánh vào đó nữa thì họ sẽ đi lại, sinh sống bằng cách nào?

Ông Trần Hồng Ninh - Giám đốc Bệnh viện Ôtô (BVOT Group):

Theo tôi, việc tăng phí phải nghĩ đến mục tiêu là tăng bây giờ thì đến bao giờ ngưng, sau này có tăng nữa không, tăng đến bao giờ? Việc này cần có lộ trình tối thiểu trước thời gian dự định tăng phí khoảng một năm. Trên thực tế, ngay cả những người mua ôtô thì việc tăng phí không phải là không ảnh hưởng nhiều vì có người mua xe phải dùng tới vốn vay, do đó tăng thêm vài triệu đã ảnh hưởng rồi.

Hơn nữa cũng cần phải khảo sát trước và cho người dân biết lý do. Ví dụ như tăng phí để lấy kinh phí phục vụ xây dựng hạ tầng thì cần công khai, cho người dân biết kinh phí đó phục vụ công trình gì, thời gian bao nhiêu năm...?

Mặt khác cần cam kết là trong năm nay tôi chỉ tăng cái này thôi, không tăng phí cái khác để người dân an tâm. Nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân vì họ không biết lúc nào sẽ nảy sinh thêm phí mới”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang