Đà Nẵng tạm dừng thu phí xe máy, TPHCM thì sao?

Thứ Năm, 09/07/2015 14:59  | X.Hoài - N.Anh - L.Bình - M.Nghĩa (thực hiện)

|

(CATP) Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng vừa quyết định từ ngày 7-7-2015 sẽ tạm dừng thu phí xe máy. Quyết định trên tạo được sự đồng thuận của chính quyền và người dân Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Dân rất đồng tình

Từ ngày 7 đến ngày 9-7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) tổ chức kỳ họp thứ 14. Tại kỳ họp lần này, nhiều vấn đề nóng sẽ được mổ xẻ, quyết định. Trong đó, có vấn đề về thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy đã được quyết định.

Theo Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Trần Thọ: “HĐNDTP quyết định tạm dừng thu phí giao thông đường bộ kể từ ngày 7-7-2015, UBNDTP báo cáo Chính phủ, còn Chính phủ có ý kiến như thế nào đó thì tính sau”.

Ông Nguyễn Xuân Ba, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng cho rằng: “Chủ trương này hết sức phù hợp với thực tế trong điều kiện người dân còn gặp nhiều khó khăn. TP.Đà Nẵng thực hiện là hợp lòng dân”.

Tại kỳ họp này, HĐND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm dựng thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy

Bà Nguyễn Thị Hoài Như Tâm, tổ trưởng tổ 121, phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết: “Tôi đi thu mà nhiều người họ không đồng tình, mình cũng không ép được. Họ cho rằng, trong xăng đã có phí, rồi còn chịu nhiều khoản phí khác, giờ lại thu thêm khoản phí này thì quả thật vô lý. Tại nhiều cuộc họp tổ dân phố, tôi đã kiến nghị nguyện vọng của người dân nên bỏ việc thu phí vô lý này. Giờ tạm dừng thì dân đồng tình lắm”.

Ý kiến của đại biểu HĐND và người dân TPHCM

Ông Nguyễn Văn Tùng - Hội Cựu chiến binh TPHCM, đại biểu HĐNDTP đơn vị quận 8: “Là đại biểu HĐNDTP đơn vị quận 8, chúng tôi ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của cử tri về vấn đề trên. Tất cả đều theo hướng bỏ việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy. Thứ nhất là do cuộc sống của đa số người dân, đặc biệt ở các vùng ven thành phố còn vất vả, khoản thu tuy không lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đến đời sống của họ. Hơn nữa, hạ tầng vùng ven thành phố vẫn chưa tốt mà thu phí đường bộ với người dân thì không thuyết phục. Bên cạnh đó, việc tổ chức thu phí cũng vất vả và phát sinh lãng phí với các địa phương. Theo tôi, đây là những vấn đề lãnh đạo thành phố cần quan tâm để quyết định việc bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy”.

Ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển, đại biểu HĐNDTP: “Theo tôi, dưới góc nhìn về kinh tế thì bài toán này không hiệu quả, vì nguồn thu từ việc thu phí sử dụng đường bộ không lớn, trong khi đó chi phí, công sức cho việc này lại rất cao. Bên cạnh đó, với người lao động, người có thu nhập thấp mà buộc họ đóng thêm khoản phí trên sẽ gặp khó khăn. Đó là chưa kể sẽ kéo theo sự phiền hà về giấy tờ để chứng minh việc đóng hay chưa đóng phí...

Thu phí sử dụng đường bộ để người dân có ý thức bảo vệ đường sá và thêm nguồn sửa chữa đường, mục đích này là tốt. Nhưng tôi nghĩ xe máy không gây hư hỏng đường sá bằng những phương tiện vận tải hàng hóa. Vậy chúng ta nên tập trung vào đối tượng này đúng hơn là đối với xe máy. Hơn nữa để thúc đẩy kinh tế phát triển, có nguồn thu thì phải có cách làm căn cơ như tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp và xử phạt nặng những cơ sở vi phạm pháp luật”.

Ông Vũ Đình Dâng - Tổ trưởng tổ 53C, KP4, P13Q.Bình Thạnh: “Thời gian qua, bà con trong tổ của tôi cũng phản ánh nhiều, cho rằng đã đóng nhiều quỹ như: an ninh quốc phòng, chống bão lụt, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em... Nay thêm loại phí này nữa thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân”.

Anh Lâm Văn Hoàng, chạy xe ôm ở cầu Ông Lãnh, quận 1: “Hiện nay nhiều phương tiện chở khách ra đời khiến những người chạy xe ôm như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút. Nếu TPHCM ra mức thu vài chục ngàn đồng/năm thì người nghèo chúng tôi có thể gánh được; còn với mức 600 - 700 trăm ngàn đồng/năm thì chúng tôi chỉ còn cách bán xe”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang