(CAO) Có nghi vấn trong quá trình triển khai thực hiện công trình, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã không làm tròn trách nhiệm.
CẦU SẬP GIỮA ĐÊM
Ngày 9-8-2016, chúng tôi có mặt tại hiện trường cầu bắc qua kênh Ô Rô (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Đơn vị thi công cầu đã cho giăng dây báo hiệu địa điểm cầu sập cho các phương tiện lưu thông trên kênh Ô Rô biết, nhằm tránh tai nạn.
Kể lại giây phút chứng kiến cây cầu bất ngờ đổ sập giữa đêm khuya, ông Nguyễn Hoàng Phương không giấu được sự hốt hoảng: “Khoảng 1 giờ ngày 5-8, tôi giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng động rất lớn. Tôi chạy ra xem thì một phần cây cầu đã chìm xuống nước. Cũng may là cầu sập ban đêm, chớ sập ban ngày thì nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng đến tính mạng”.
Năm 2013, UBND huyện Ngọc Hiển được giao làm chủ đầu tư công trình trên. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Phú chịu trách nhiệm giám sát, Công ty Tư vấn thiết kế Minh Anh tư vấn thiết kế bản vẽ. Công trình trên có vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Thế nhưng sau 3 năm thi công, đơn vị mới cho thông xe, chưa khánh thành và cũng chưa nghiệm thu lại xảy ra vụ tai nạn hy hữu trên.
Chiếc cầu 6 tỷ đồng xây chưa nghiệm thu xong đã sập - Ảnh: Thiện Thảo
Theo người dân địa phương, sau những cơn mưa đầu mùa, mố cầu có dấu hiệu bị lún do thi công quá sơ sài, nhà thầu không lường trước được sự cố sụp đất. Một người dân nói: “Công trình có đơn vị giám sát thi công, nhưng lại thực hiện qua loa. Cầu Ô Rô gần cửa biển, lại gần ngã ba sông. Dòng kênh rất sâu, khoảng 18 - 20m, dòng nước luôn chảy xiết, tùy theo nước ròng, nước lớn mà dòng nước “ăn” xoáy vào hai móng cầu. Nhưng khi xây dựng, các mố cầu được làm quá sơ sài, xảy ra sự cố không sớm thì muộn. Hiện chân cầu còn lại cũng có hiện tượng đất sụt lún”.
Ông Ngô Phương Nam - Phó giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng huyện Ngọc Hiển - xác nhận: “Chúng tôi đã báo cáo sự cố cầu Ô Rô về tỉnh, đề nghị các ngành chức năng lập hội đồng khảo sát thực tế để xác định nguyên nhân cầu sập, khi đó mới có hướng giải quyết cụ thể. Cầu mới cho thông xe, chưa nghiệm thu, cũng chưa xác định ngày khánh thành. Do chưa xác định nguyên nhân cầu sập, nên hiện tại chưa biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để khắc phục. Để thuận tiện cho người dân đi lại, huyện mới đưa ra hướng sẽ lập bến phà hay làm đường bê-tông nối vào đường Hồ Chí Minh”.
THÀNH LẬP TỔ ĐIỀU TRA
Theo ông Lê Thành Huấn - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau - tuyến đường ôtô đến trung tâm xã Đất Mũi do Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư. Tuyến đường dài 13.400m, gồm 6 cây cầu. Các cầu cơ bản đã hoàn thành, trong đó cầu Ô Rô thiết kế với tải trọng H8, gồm 5 nhịp, dài 84,6m. Rạng sáng 5-8-2016, hai mố của cầu bị sạt lở, hai nhịp gác phía trên đã sập hoàn toàn xuống sông. Phần nền đường dài 15m bị sụp hoàn toàn, phần mặt đường bị xé nứt, có nguy cơ sụp lún với chiều dài khoảng 10m.
Tất cả những gì còn lại của chiếc cầu chưa nghiệm thu - Ảnh: Thiện Thảo
Trong báo cáo ngày 9-8-2016, Sở GTVT tỉnh Cà Mau nhận định: “Có thể là do mố A cầu Ô Rô chỉ cách mố B cầu Cái Dày khoảng hơn 50m. Trong khi đó, đường đầu cầu đi trên phần bãi bồi giữa hai tuyến sông có địa chất khá yếu; hơn nữa cầu bắc qua sông Ô Rô cách ngã ba Đình khoảng 150m có sông sâu, nước chảy mạnh nên đường đầu cầu có nguy cơ mất ổn định cao. Vì vậy, với chiều cao đắp khá lớn, khi đường đầu cầu bị sạt lở dẫn đến gãy cột mố, sập 2 nhịp và trụ T1”.
Sở này đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập tổ điều tra sự cố, gồm các cơ quan chức năng trong tỉnh giám định nguyên nhân để có biện pháp xử lý.
Hiện trường vụ việc - Ảnh: Thiện Thảo