Theo đó, 77 dự án này được chủ đầu tư đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Danh sách cũng bao gồm các cá nhân, tổ chức mua nhà trong dự án đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố.
Thế chấp ngân hàng là bình thường
Tại buổi tọa đàm ‘Thế chấp dự án: Bình thường và bất thường’ do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM cho rằng, 77 dự án này “được công bố” chứ không phải “bị công bố”.
Theo ông, xét về chuyên môn thì việc các doanh nghiệp trong danh sách này thuộc trường hợp được công bố và có 3 cách để thực hiện thủ tục vay vốn ngân hàng gồm: thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thế chấp dự án đang triển khai; thế chấp bằng quyền tài sản.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM nêu ý kiến tại buổi tọa đàm
Sau khi 77 dự án bị thế chấp được công bố thì trong dư luận đặt vấn đề rằng tại sao không công bố hết tất cả các dự án đang thế chấp ở ngân hàng thì ông Liên thông tin rằng, nếu doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thì cơ quan này nắm rất rõ hồ sơ. Tuy nhiên, có những hồ sơ khó phân biệt loại hình thế chấp, trong khi đó, thủ tục của các chủ đầu tư chuyển nhượng đất trãi qua quá nhiều công đoạn.
Ông Liên cho biết, hiện nay Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM không có thông tin về mục đích thế chấp của các doanh nghiệp và ông đề nghị để đạt yêu cầu trong việc công bố công khai thông tin dự án thế chấp cần có sự tham gia của bên cho vay là ngân hàng mới thống nhất nội dung nào sẽ được công bố.
Còn bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản thì nêu quan điểm, cần làm rõ mục đích của việc công bố dự án thế chấp là để làm gì?.
“Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hơn 500 dự án đang được triển khai, đầu tư xây dựng. Một dự án có thể được thế chấp ở nhiều giai đoạn khác nhau. Những dự án nào huy động vốn thì mình công bố, còn những trường hợp mới vay tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chưa trở thành dự án thì không cần công bố”, bà Khuyên cho biết.
Giới kinh doanh bất động sản và người dân như ngồi trên đống lửa khi 77 dự án nhà ở thế chấp ngân hàng được công bố
Bà Khuyên cho rằng, theo quy định của Luật nhà tại điều 67, doanh nghiệp vay tiền đế phục vụ cho phát triển nhà ở, trong đó có nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, từ tổ chức tín dụng… đang hoạt động ở Việt Nam đều hợp pháp. Do đó, chuyện doanh nghiệp thế chấp dự án ở ngân hành là điều bình thường.
“Theo quy định của pháp luật, khi chọn chủ đầu tư để làm dự án phát triển nhà ở thì phải xem xét về năng lực tài chính. Những dự án có quy mô sử dụng đất lớn hơn 20 hecta thì năng lực tài chính của chủ đầu tư chỉ cần vốn của chủ sở hữu lớn hơn hoặc bằng 15% tổng mức đầu tư của tất cả các dự án mà doanh nghiệp đang làm chủ. Đối với những dự án nhỏ hơn 20 hecta thì vốn chủ sở hữu lớn hơn hoặc bằng 20% tổng mức đầu tư của tất cả các dự án mà doanh nghiệp đang làm chủ.
Điều này, có nghĩa là nhà nước không bắt doanh nghiệp bỏ toàn bộ 100% vốn ra để làm dự án. Do đó, 80% vốn còn lại là vay, huy động vốn khách hàng. Vì vậy, một dự án thế chấp ngân hàng để vay vốn là chuyện hết sức là bình thường, phù hợp với quy định của nhà nước. Điều bất thường là dự án không đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cụ thể là không có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng mà vẫn đi huy động vốn”, bà Khuyên cho hay.
Nên công bố theo thời gian thật
Đây là ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Ông Châu cho rằng, việc công khai các dự án này là một bước đột phá và cần phải công khai để minh bạch thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ông, những giai đoạn chưa tác động đến người mua thì không cần thiết phải công bố thông tin. Có trường chủ đầu tư thế chấp dự án nhưng một, hai ngày sau đã huy động đủ vốn để giải chấp thì việc công bố sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
“Vấn đề là thế chấp đó có đúng pháp luật hay không? Ngân hàng nhận thế chấp có đồng ý? Có những dự án thế chấp nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, chúng ta phải biết chọn thời điểm để công bố sao cho hợp lý nhằm tránh gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản”, ông Châu phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Châu cho rằng, nên công bố theo thời gian thật và cho biết khe hở lớn khó kiểm soát là thế chấp quyền tài sản. “Tôi mong Sở Tư pháp hỗ trợ tham gia để làm rõ các dự án đang thế chấp theo hình thức này”, ông Châu đề nghị. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nêu quan điểm không nên công bố danh tính cá nhân, tổ chức vì ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân.
Còn theo bà Khuyên, mục đích của việc công bố là cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn, quyết định mua nhà ở hình thành trong tương lai ở dự án đó. Bà Khuyên cũng thông tin, Sở Xây dựng đã có văn bản xác nhận 49 dự án đủ điều kiện bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai, kể từ ngày 1-7-2015 trở lại.
Về ý kiến, trong danh sách 77 dự án được công bố có cả cá nhân, tổ chức mua nhà gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân, bà Dương Thị Thanh Lan, Phó phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã quy định dự án phải công khai thông tin trong đó có nội dung hạn chế quyền sở hữu bất động sản đó.
Bà Dương Thị Thanh Lan, Phó phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM
Tiếp đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định cụ thể hơn về ba hình thức: thông tin trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, trụ sở BQL dự án và sàn giao dịch. “Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn các cơ quan nhà nước thì có Thông tư 09 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp sẽ có hiệu lực 8-8-2016 quy định rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường đăng trên website về việc thế chấp dự án”, bà Lan nói.
Thế chấp để bảo vệ khách hàng Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa cho biết, công ty đến giờ này dư nợ bằng 0. Dự án 1.700 căn đã xây hết 1 lần, chuẩn bị cất nóc một block, 2 block còn lại đến cuối năm là xong. Dự án thế chấp là để thực hiện bảo lãnh của ngân hàng theo Luật Kinh doanh bất động sản, chứ không phải thế chấp để vay vốn. “Tôi thế chấp với mục đích duy nhất là bảo vệ khách hàng”, ông Mạnh cho biết. Theo ông Mạnh, trước khi công bố thông tin này, Sở Tài nguyên Môi trường nên họp với các doanh nghiệp cùng với các cơ quan báo chí để minh bạch, hướng dẫn dư luận và không có sự ngộ nhận xảy ra làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, việc vay vốn là chuyện thương tình của các doanh nghiệp bất động sản. “Nếu doanh nghiệp đi vay mức độ vừa phải và tiến độ vẫn tốt thì đó là dự án tốt. Còn nếu doanh nghiệp đã bàn giao nhà rồi nhưng mà vẫn còn cầm cố ở ngân hàng thì người dân cũng không phải lo lắng. Vì nếu ngân hàng có xiết nợ thì xiết doanh nghiệp chứ không thể xiết tài sản sở hữu của người dân”, ông Đực khẳng định. |