(CATP) Tuyến đường nhựa, kè Nha Mân - Phú Long dọc theo sông Nha Mân - Tư Tải dài gần 5km được UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đầu tư với kinh phí cả chục đồng để người dân vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế.
Thế nhưng đường làm xong không bao lâu nhiều đoạn đã bị sạt lở xuống sông. Cơ quan chức năng cho rằng, dự án trên được làm theo diện thử nghiệm, không được khảo sát địa chất…
Một trong những điểm sạt lở ở tuyến đường nhựa
Nha Mân – Phú Long.
ĐƯỜNG TRÔI SÔNG, DÂN BỨC XÚC
Tính từ ngày 10-6-2020 đến nay, tuyến đường nhựa Nha Mân - Phú Long (thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, cuốn đi bờ kè và toàn bộ mặt đường dài hơn 200m, khiến cho giao thông của hàng trăm hộ dân thuộc 2 ấp Tân Hòa và Tân Thanh, xã Tân Nhuận Đông rơi vào cảnh khổ sở. Vụ sạt lở gần nhất diễn ra vào sáng ngày 29-6. Theo đó bờ kè và toàn bộ mặt đường dài gần 50m thuộc ấp Tân Hòa trôi theo dòng nước.
Gần 30 năm sinh sống tại đây, ông Cao Văn Bản (55 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa) bức xúc nói: “Ngày trước xe tải chạy tuyến này vô tư, còn giờ xe đạp đi lại cũng khó. Họ làm đường mà móc hết đất đưa hết ra ngoài, rồi bơm cát vào lòng đường nên lâu ngày bị xói mòn, sạt lở là điều tất nhiên. Ngoài ra, lòng sông này sâu hơn 10m mà đóng cọc làm kè chỉ 3 – 4m thì sao đảm bảo. Sạt lở đường nên học sinh, người dân đi lại vô cùng khó khăn”.
Sau sạt lở, UBND xã Tân Nhuận Đông phân luồng giao thông cho xe 2 bánh đi vào đường đất rộng chưa đến 1m và vận động người dân mở đường tạm trước sân nhà để thoát khỏi đoạn sạt lở. Đối với xe ô tô muốn ra được Quốc lộ 80 như trước đây phải đi đường vòng qua địa phận xã Tân Bình giáp ranh, xa hơn 5km.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn đường trên, toàn tuyến đường Nha Mân - Phú Long tổng chiều dài 4,8km đã bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở 4 vị trí khác, với chiều dài hơn 200m. Ngoài ra còn nhiều địa điểm khác cũng bị lún đất, răn nứt có thể tiếp tục sạt lở trong thời gian tới.
Được biết, tuyến đường này UBND huyện Châu Thành giao cho Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư, còn phần bờ kè bê-tông bảo vệ đường chủ đầu tư là UBND xã Tân Nhuận Đông. Qua tìm hiểu, tổng kinh phí xây dựng kè và đường lên đến cả chục tỷ đồng.
Người dân cho rằng kè, đường bị sạt lở do làm kiểu áng chừng.
NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Ban Quản ký dự án – phát triển quỹ đất huyện Châu Thành cho biết: Trước đây, kè công trình được làm theo diện thử nghiệm, không được khảo sát địa chất, cọc đóng có mấy mét, trong khi đó lòng sông sâu mười mấy mét.
Theo thiết kế nền đường rộng 5m, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m và chịu tải trọng 2,5 tấn để phục vụ đi lại lâu dài cho hàng trăm hộ dân đi lại. Công ty TNHH xây dựng thương mại Nam Truyền (trụ sở TP.Sa Đéc) trúng thầu thi công và Công ty TNHH Thái Hà là đơn vị tư vấn, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo ông Nhân, trong tháng 6 các điểm sạt lở diễn ra ở đoạn từ cầu Nha Mân đến cầu Ông Yên dài 2.028m. Đoạn này được khởi công ngày 22-12-2017 và hoàn thành ngày 21-5-2018. Đến thời điểm xảy ra vụ sạt lở, công trình đã hết thời gian bảo hành.
Riêng đoạn còn lại từ cầu Ông Yên đến ngã 3 Tân Hựu khởi công đầu tháng 10-2018 và dự kiến hoàn thành ngày 29-4-2019. Tuy nhiên trong ngày 29-4 chuẩn bị tráng nhựa mặt đường tại đoạn cuối cùng (thuộc khu vực ngã 3 Tân Hựu) bất ngờ bờ kè và nền đường dài khoảng 100m bị lở xuống sông Nha Mân - Tư Tải. Từ đó đến nay, đoạn sạt lở này bị dở dang chưa được khắc phục.
Ông Bùi Văn Phong (ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Nhuận Đông) có nhà ngay điểm sạt lở nói: “Chất lượng kè và đường này quá tệ, đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã bị lở, lún nhiều chỗ. Có chỗ chưa thi công xong đã sạt lở rồi. Lúc đầu huyện cho hay 3 tháng sau khi sạt lở sẽ khắc phục, nhưng đã gần 1 năm rồi mà không thấy triển khai. Tưởng đâu có đường nhựa ngon lành, ai dè làm xong còn tệ hơn đường đan đã có trước đây”.
Ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành - nhận định: “Việc làm bờ kè để giữ lại mặt đường, bảo vệ nhà cửa phía bên trong. Thời điểm đó làm kè không khoan khảo sát địa chất. Việc móc đất lòng đường để bơm cát là nguyên nhân gây sạt lở, nhưng nguyên nhân chính vẫn là dòng chảy.
Tình hình sạt lở đường dọc theo sông Nha Mân-Tư Tải đang rất nguy cấp. Hiện huyện đã cấm biển báo nguy hiểm, mở đường phụ cho dân đi, đồng thời tổ chức vận động người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Phòng đã tham mưu với huyện kiến nghị tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp để xây dựng bờ kè dọc tuyến đường này”.
Sau khi UBND huyện Châu Thành báo cáo về sự cố sạt lở bờ kè và tuyến đường ven sông Nha Mân - Tư Tải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đã yêu cầu huyện tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thẩm định công trình, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 20-7.