Vụ duyệt hồ sơ đất “2 quên, 3 không” ở huyện Bình Chánh, TPHCM:

Bài cuối: Giám đốc đăng ký đất đai “trảm” quyết định của UBND huyện

Thứ Hai, 12/06/2023 10:53

|

(CATP) Trân trọng đề nghị Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ H.Bình Chánh khẩn trương chỉ đạo kiểm tra toàn diện hồ sơ, sớm có quan điểm xử lý về vụ việc này, tiếp tục phản hồi để Chuyên đề CATP thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo...

KHI GIÁM ĐỐC “VẬN DỤNG” LUẬT

Trưng bằng chứng, đại diện bà Dung trình bày: Ngay khi hợp đồng (HĐ) thuê đất số 11/HĐTĐ-TNMT kết thúc, bà Dung nhận được văn bản 22655/TB-CCT ngày 25/4/2016 của Chi cục Thuế H.Bình Chánh thông báo nộp tiền thuê đất “sản xuất kinh doanh”. Theo đó, từ ngày 01/01/2016 đến 08/4/2016, giá thuê đất xây nhà trưng bày sản phẩm là 34.680 đồng/m2/năm; đất xây văn phòng làm việc là 44.880 đồng/m2/năm. Từ ngày 09/4/2016 đến 31/12/2016, giá thuê đất tính chung 48.552 đồng/m2/năm. Tổng số tiền bà Dung phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2016 hơn 141,27 triệu đồng.

Ngày 08/5/2017, Chi cục Thuế tiếp tục ra thông báo số tiền thuê đất bà Dung phải nộp ngân sách năm 2017 là 151,87 triệu đồng. Tại văn bản số 6672/TB-CCT ngày 24/4/2018, Chi cục Thuế ghi rõ số tiền thuê đất bà Dung phải nộp ngân sách là 162,71 triệu đồng, căn cứ theo QĐ số 1552/QĐ-UBND ngày 09/4/2011 và QĐ số 1936/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của UBND H.Bình Chánh.

Sau khi HĐ thuê đất kết thúc ngày 09/4/2016, Chi cục Thuế tiếp tục thu tiền thuê đất của bà Dung xuyên suốt cho đến nay. Từ đó, bà Dung tin rằng việc thuê thửa đất 609 đã được gia hạn. Cho đến tháng 3/2022, bà phát hiện thửa đất 609 đã được sang tên cho ông Tới từ năm 2017 nhưng vợ chồng bà không hề biết nên khởi kiện, được TAND H.Bình Chánh thụ lý ngày 31/3/2022.

QĐ số 1936/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của UBND H.Bình Chánh

Hồ sơ thể hiện: Ngày 24/01/2017, ông Tới làm đơn “đăng ký biến động (ĐKBĐ) đất đai, tài sản gắn liền với đất” đối với thửa đất 609. Tại phần kê khai của người đăng ký, ông Tới tự nhận mình là “người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất” thửa đất 609, loại đất “trồng cây lâu năm” theo GCN số BĐ 794848 (số vào sổ cấp CH00581). Lý do ĐKBĐ: “Gia hạn QSDĐ”.

Tại thời điểm 24/01/2017, GCN số BĐ 794848 vẫn đứng tên bà Dung, tài sản trên đất thuộc sở hữu của bà Dung. Quan trọng hơn, toàn bộ diện tích thửa đất 609 không còn là đất “trồng cây lâu năm”, mà được chuyển mục đích thành đất “sản xuất kinh doanh” (3.128m2) và “đất ở” (400m2), sử dụng “lâu dài” theo 2 QĐ số 1552/QĐ- UBND và số 1936/QĐ-UBND của UBND H.Bình Chánh. Cả 2 QĐ này đều được gửi UBND thị trấn Tân Túc để thi hành. Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc Nguyễn Văn Nhạc lại “vô tư” ký xác nhận ngày 17/02/2017, nội dung: “Hiện trạng thửa 609 là đất vườn, không tranh chấp, không thuộc các dự án thu hồi đất, thuận việc gia hạn QSDĐ” (?!)

Dễ dàng vượt qua “vòng 1”, hồ sơ ông Tới lọt tiếp “vòng 2”. Phớt lờ 2 QĐ của UBND H.Bình Chánh, ông Đặng Việt Hữu - cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ H.Bình Chánh kiểm tra và duyệt đơn ông Tới ngày 09/3/2017. Hồ sơ được chuyển ngay đến Chi cục Thuế theo phiếu chuyển số 2427/ PC-VPĐK-CNBC ngày 09/3/2017.

Ngày 24/3/2017, GĐ Chi nhánh Huỳnh Công Thanh ký duyệt trên GCN số BĐ 794848, cho gia hạn QSDĐ thửa đất 609 đến năm 2065 theo đơn ĐKBĐ do ông Tới lập; đồng thời cập nhật biến động toàn bộ thửa đất 609 từ bà Dung sang tên ông Tới theo HĐCN ngày 12/12/2011.

Trong phần giải trình, ông Thanh vận dụng từ Luật Đất đai, Luật Công chứng, đến các Nghị định của Chính Phủ... để chứng minh mình đúng, không hề có sai sót hay vi phạm. Cả QĐ số 1936/QĐ-UBND của UBND H.Bình Chánh, Chi cục Thuế vẫn đang thi hành, thì ông Thanh đã “trảm” từ năm 2017 vì “không còn hiệu lực thi hành” (?!)

Văn bản ngày 24/4/2018 của Chi cục Thuế căn cứ theo QĐ số 1936/QĐ-UBND

NHIỀU DẤU HIỆU SAI PHẠM, GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

HĐCN thửa đất 609 giữa vợ chồng bà Dung với ông Tới là thật hay “giả cách” sẽ được tòa án làm rõ, ra phán quyết. Vấn đề đặt ra, HĐCN công chứng ngày 12/12/2011, nhưng ông Tới “ngâm” suốt hơn 6 năm mới làm đơn “ĐKBĐ”, lộ rõ dấu hiệu bất thường. Lẽ ra, khi tiếp nhận hồ sơ, với trách nhiệm của mình, GĐ Thanh phải chỉ đạo kiểm tra toàn diện. Đồng thời, Chi nhánh có văn bản đề nghị Phòng công chứng, UBND H.Bình Chánh cho ý kiến về HĐ công chứng, các QĐ liên quan có còn hiệu lực hay không; trao đổi với Phòng TNMT về HĐ thuê đất, đã thanh lý hay tiếp tục gia hạn... Đằng này, ông Thanh không cần hỏi ý kiến hay trao đổi mà tự “phán” QĐ số 1936/QĐ-UBND “không còn hiệu lực thi hành”, rồi thoải mái ký duyệt.

Nhóm luật sư trợ giúp pháp lý cho vợ chồng bà Dung nêu quan điểm: Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu các quy định pháp luật liên quan, có cơ sở để xác định giải trình của ông Thanh mang tính quy chụp, lập luận thiếu căn cứ, vận dụng sai pháp luật. Việc ký duyệt cho ông Tới lộ rõ nhiều dấu hiệu sai phạm mang tính cố ý, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, cho đến nay, UBND H.Bình Chánh chưa có bất kỳ văn bản nào thu hồi, hủy bỏ hay thông báo “hết hiệu lực”, hoặc “chấm dứt thi hành” đối với QĐ số 1552/QĐ-UBND và 1936/QĐ-UBND của UBND H.Bình Chánh nên các QĐ này vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Chi cục Thuế vẫn đang thực thi các QĐ này. Hợp đồng thuê đất số 11/HĐTĐ- TBNT lập ngày 04/6/2013 giữa Phòng TNMT H.Bình Chánh với bà Dung sau khi kết thúc ngày 09/4/2016, hai bên chưa thanh lý. Bà Dung vẫn tiếp tục sử dụng đất, xây dựng công trình và nhà ở trên đất, liên tục nộp tiền thuê đất cho đến nay...

Căn cứ để GĐ Thanh ký duyệt sang tên cho ông Tới chính là HĐCN được công chứng ngày 12/12/2011, thời điểm QĐ số 1552/QĐ-UBND ngày 09/4/2011 đang có hiệu lực, sau được điều chỉnh bằng QĐ số 1936/QĐ-UBND. Do đó, lập luận QĐ số 1936/QĐ-UBND “không còn hiệu lực thi hành” là không có cơ sở, trái pháp luật. Hơn nữa, ông Thanh cũng không đủ tư cách và thẩm quyền để kết luận điều này.

Thứ hai, để xác định “giá trị pháp lý” của HĐCN thửa đất 609, ông Thanh căn cứ Điều 5 Luật Công chứng năm 2014. Hơn ai hết, cựu GĐ biết rõ HĐCN được công chứng ngày 12/12/2011, trong khi hơn 2 năm rưỡi sau Luật Công chứng 2014 mới ra đời, nên việc áp dụng điều luật để xác định giá trị pháp lý của HĐCN hoàn toàn không phù hợp. Hơn nữa, điều luật mà ông Thanh viện dẫn không có quy định cho phép ông Tới được quyền tự đi làm thủ tục ĐKBĐ.

Thứ ba, về thời hạn phải ĐKBĐ sau khi HĐCN có hiệu lực: Theo quy định tại điểm a, khoản 4 và khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký HĐ công chứng, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục ĐKBĐ sang tên. Nếu không đăng ký sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu không thực hiện ĐKBĐ theo quy định. Từ khi ký HĐCN đến khi ông Tới có đơn ĐKBĐ kéo dài hơn 6 năm nhưng GĐ Thanh dễ dàng bỏ qua là không đúng.

Thứ tư, thửa đất 609 được chuyển mục đích sử dụng thành đất “sản xuất kinh doanh” từ ngày 09/4/2011 theo QĐ số 1552/QĐ- UBND của UBND H.Bình Chánh. Trong khi HĐCN được công chứng ngày 12/12/2011 xác định đất “trồng cây lâu năm” là không đúng mục đích sử dụng. Tại thời điểm ông Tới đăng ký xin gia hạn ngày 24/01/2017, hiện trạng thửa đất 609 đang có căn nhà, hàng rào và cổng. Căn nhà này bị phá dỡ tháng 5/2022, nhưng vẫn còn nhiều chứng cứ chứng minh sự tồn tại như hóa đơn điện, nước do bà Dung chi trả. Việc ông Thanh ký duyệt ĐKBĐ gia hạn QSDĐ là đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm), trong khi hiện trạng trên đất đang có công trình là trái quy định pháp luật.

Thứ năm, tại thời điểm ông Tới xin gia hạn QSDĐ năm 2017, việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng bà Dung và ông Tới chưa được đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai và chưa được đăng ký vào sổ địa chính. Căn cứ khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 (“việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ, phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”), việc chuyển nhượng này chưa có hiệu lực. Ông Tới chưa phải là người sử dụng đất hợp pháp thửa đất 609 nên ông này không đủ điều kiện để tự mình thực hiện thủ tục ĐKBĐ. Việc gia hạn QSDĐ theo đơn của ông Tới là không đúng đối tượng.

Thứ sáu, với trách nhiệm của mình, ngoài kiểm tra hồ sơ của ông Tới, GĐ Thanh phải chỉ đạo kiểm tra hiện trạng sử dụng đất (có sử dụng đúng mục đích hay không?). Do không kiểm tra nên không phát hiện thửa đất 609 đã thay đổi hiện trạng, có công trình trên đất của bà Dung. Việc ký duyệt gia hạn QSDĐ và đăng bộ sang tên cho ông Tới mà không tiến hành kiểm tra là không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật...

Hoan nghênh lãnh đạo Chi nhánh VPĐKĐĐ H.Bình Chánh đã quan tâm, khẩn trương có 2 văn bản phản hồi, nêu giải trình của cựu GĐ Chi nhánh. Tại văn bản số 3807/ CNBC-ĐKCGCN ngày 16/5/2023, GĐ Chi nhánh VPĐKĐĐ H.Bình Chánh Nguyễn Lê Tuân xác định: “Trên đây là ý kiến của ông Huỳnh Công Thanh với 3 nội dung theo yêu cầu của nhà báo”. Như vậy, lãnh đạo VPĐKĐĐ H.Bình Chánh chưa có ý kiến về những nội dung mà PV đề nghị trao đổi.

Trân trọng đề nghị GĐ Chi nhánh VPĐKĐĐ H.Bình Chánh khẩn trương chỉ đạo kiểm tra toàn diện hồ sơ, sớm có quan điểm xử lý về vụ việc này, tiếp tục phản hồi để Chuyên đề CATP thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo...

Bài 1: Giám đốc đăng ký đất đai “trảm” quyết định của UBND huyện
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang