(CAO) Dù bị liệt hai chân và bị vẹo hai cổ tay nhưng người phụ nữ vẫn nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã, gắn bó với nghề đan thổ cẩm của người Mạ.
Đó là bà Ka Mol (52 tuổi, ngụ tại xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai), sống trong căn nhà tình thương được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Lâm Đồng trao tặng vào năm 2007.Bà Ka Mol mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới lên 7 tuổi, lại mang trong mình nhiều di chứng của chất độc da cam. Dù được người cô ruột cưu mang nhưng thời thơ ấu của bà vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Dù tật nguyền nhưng bà Ka Mol vẫn nỗ lực vượt qua cuộc sống khó khăn
Đôi chân tật nguyền không thể di chuyển, đôi tay mỏng manh của một đứa trẻ 7 tuổi không cầm nắm chắc vật gì đã khiến bà gần như tuyệt vọng, chỉ muốn tìm đến cái chết. Năm 11 tuổi, với nghị lực, sự cố gắng đã giúp bà tự di chuyển, tự chăm sóc bản thân và tập tành bước vào nghề truyền thống đan thổ cẩm của người Mạ. Từ đôi tay yếu ớt, không thành thạo với khung dệt, với từng sợi thổ cẩm mỏng manh nay bà Ka Mol đã dệt được hàng trăm tấm thổ cẩm sắc xảo, đẹp mắt và được nhiều người trong làng yêu thích. Việc này đã góp phần giữ cho “hồn’ làng, cho nghề truyền thống không bị mai một.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả trong cái ăn, cái ngủ nhưng bà Ka Mol không muốn làm phiền đến người thân mà phải nỗ lực để tự lo cho sinh hoạt hàng ngày. Đôi chân bị liệt, đôi tay dị tật, mỗi lần nhà hết củi, hết nước, bà lại gom góp vài chục ngàn để nhờ người kiếm củi, xách nước về dùng. Còn việc cơm, nước đều do tự tay bà lo liệu. Cảnh đời bất hạnh khiến cho hàng xóm, các nhà hảo tâm cảm thương và thường xuyên giúp đỡ bà.
Đồ thổ cẩm mà bà Ka Mol làm ra được nhiều người trong thôn, trong xã biết đến, thậm chí được các khách hàng là người dân tộc thiểu số ở trên Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh… đến mua và đặt hàng. Gần đây, dường như số người đến mua ít dần, chủ yếu là người trong thôn, trong xã đặt hàng nên cuộc sống của bà trở nên khó khăn hơn.