(CAO) Bản Đá Húc nằm cách trung tâm xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang khoảng 8 cây số. Từ con đường liên xã chạy qua bản nhìn lên giữa những gò đồi nhấp nhô cây cỏ dại lại nổi bật lên một màu xanh của đại ngàn.
Đó là khu rừng nguyên sinh, hay còn gọi là rừng lim xanh bản Đá Húc. Cạnh bìa rừng, một ngồi đình cổ kính, trầm mặc nhìn ra khu định cư của đồng bào Cao Lan. Phải đi tắt qua cánh đồng mới lên được sân đình. Giữa trưa hè nắng lửa, bên góc sân đình ngồi dưới gốc lim già cổ thụ, cái cảm giác mát dịu ở đâu ùa tới, ai cũng thấy khoan khoái dễ chịu.
Anh Tơ Văn Thành, trưởng bản cho biết, rừng lim xanh của đồng bào Cao Lan có từ lâu đời, khu rừng rộng khoảng 6ha với gần 200 gốc lim xanh và nhiều loại cây gỗ quý khác nhau. Đã qua bao năm tháng, rừng lim được đồng bào chăm sóc, bảo vệ như chính báu vật quý của bản mình.
Một góc đình Đá Húc
Hiện chưa có cơ quan chuyên môn nào xác nhận tuổi cây lim là bao nhiêu nhưng anh Thành được nghe các cụ cao tuổi trong bản kể lại thì rừng lim có từ lâu lắm rồi. Còn già Bản Tơ Văn Quang (82 tuổi) thì bảo: “Từ lúc tôi còn bé, rừng lim đã có rồi. Đến đời cha tôi, ông sinh ra rừng lim cũng đã như vậy!”. Anh Nguyễn Công Hiệp, cán bộ Văn hóa xã Bình Sơn chia sẻ: "Ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, việc xác định tuổi cây không khó nhưng vẫn chưa có cơ quan chức năng nào về làm việc này!".
Nhiều người đoán những cây lim phía trước cửa đình khoảng 100 đến 200 tuổi. Hai cây lim bên trái cửa đình cao chừng 50m, tán rộng khoảng 25m, thân cây to ba người ôm không xuể. Những cây lim ở phía sau đình lối hàng nhau thành từng dãy có phần nhỏ hơn. Rừng lim xanh bao nhiêu tuổi còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ nhưng những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng xung quanh rừng lim xanh và ngôi đình cổ thì có nhiều.
Già bản Tơ Văn Quang
Già bản Tơ Văn Quang kể: “Rừng lim thiêng lắm vì nó gắn liền với ngôi đình cổ nơi thờ thần Cao Sơn, thờ thần Rừng (bà Mẹ xứ sở), thờ thần Đất, thờ thần Nông và thờ Cô Bé cửa rừng”. Như thách thức cùng thời gian, rừng lim xanh từng tránh được bao hòn tên mũi đạn trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Địa bàn Mai Sưu, Nghè Mản và Đá Húc từng diễn ra những trận càn quét ác liệt của thực dân Pháp xâm lược, nhiều trận càn của giặc Pháp làm vùng rừng núi này tan hoang nhưng rừng lim vẫn hiên ngang xanh tốt.
Vẫn theo lời cụ Quang kể, năm 1948, giặc Pháp nhảy dù xuống Mai Sưu, càn quét vào Nghè Mản, bản Đá Húc, giết chết một người dân vô tội. Giữa lúc giặc Pháp đang càn quét, tàn sát dân lành thì Già Bản lại bình tĩnh lên rừng lim làm lễ tại đình. Mọi người trong bản ai cũng không hiểu tại sao. Điều này chắc chỉ có Già Bản mới biết. Vì ông rất tin thần Linh, thần Rừng sẽ che chở cho đồng bào mình. Quả nhiên sau khi làm lễ cầu thần Rừng bảo vệ đồng bào trong bản, đuổi lũ giặc Pháp xâm lược đi thì trời đổ mưa lớn. Nước lũ tràn về, giặc Pháp phải tìm cách tháo chạy. Từ đó đồng bào Cao Lan được yên ổn.
Theo lời anh Thành trưởng bản kể, năm 2003 bọn lâm tặc sau nhiều lần ngã giá với trưởng bản để mua rừng lim nhưng không được, chúng bày mưu đi cưa rễ những cây lim xanh để lim phải chết. Giữa đêm 30 tết, lâm tặc cho một nhóm người vào cưa rễ cây lim to nhất, trong lúc đang hành sự thì bị đồng bào phát hiện, kẻ gian liền bỏ trốn. Địa phương báo cho chính quyền xã lập biên bản và cho dân quân tự vệ vào canh giữ rừng lim. Được biết nhóm lâm tặc kia cũng là những người xấu ở gần bản, sau này cuộc sống gia đình họ lục đục, trâu toi, bò chết, tự họ phải lên đình Đá Húc bên rừng lim xanh làm lễ xám hối. Cũng từ đó, người dân trong bản đều tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ rừng lim coi như thần hộ mệnh của bản mình.
Người dân trong bản coi rừng lim như thần hộ mệnh của bản mình
Chẳng biết từ bao giờ ngôi đình Đá Húc bên rừng lim xanh đã trở lên rất linh thiêng và là niềm tự hào tôn kính của đồng bào Cao Lan ở nơi đây. Chẳng thế mà không ai dám tự ý chặt phá bất cứ một cành cây nào ở rừng lim. Hàng năm vào ngày lễ hội 15-3 hoặc những ngày sự lệ của đồng bào Cao Lan, mọi người lên quét dọn đình, sau đó cho phát những cây cỏ dại để chăm sóc cho rừng lim mãi mãi xanh tươi. Mỗi khi có việc đại sự của gia đình, dòng họ đồng bào thường mang lễ vật đến làm lễ ở đình để cầu thần Rừng cho may mắn, bình an.
Không xa nữa khi tuyến đường tâm linh 293 gắn sườn Tây Yên Tử được hoàn thiện, về bản Đá Húc sẽ rất thuận tiện. Khi đó rừng lim xanh và ngôi đình cổ sẽ là điểm tham quan du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn cho đông đảo du khách gần xa.
Đồng Ngọc Dưỡng - Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Giang