Vu khống người khác bị xử lý thế nào?

Thứ Bảy, 29/08/2015 21:29  | Luật gia Đặng Thu Hiền

|

(CATP) Hỏi: Tôi bị công an mời làm việc vì có người tố cáo dùng điện thoại nhắn tin nói xấu họ. Kết quả xác minh không có, tuy nhiên việc bị công an triệu tập làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi tại địa phương. Tôi có thể kiện người tố cáo về tội vu khống và đòi bồi thường thiệt hại không? Trần Quang Hùng (đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM)

Trả lời:

Những hành vi như bịa đặt chuyện xấu cho người khác, hư cấu những chuyện không có thật, loan truyền điều biết rõ là vu oan cho người khác, bịa đặt chuyện người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước... được xem là vu khống.

Hành vi này có thể thực hiện thông qua hình thức truyền miệng, viết bài, gửi đơn hoặc thư tố giác, nặc danh. Hậu quả là nạn nhân mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp.

Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (khoản 1).

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (khoản 3).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo điều 611 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang