Chèo xuồng đưa quà về vùng ‘rốn lũ’ ở miền núi

Chủ Nhật, 23/10/2016 14:21  | Hoàng Quân

|

(CAO) Trước những đau thương, mất mát và thiệt hại nặng nề của người dân miền Trung, Quỹ từ thiện Nguyễn Quang Phục Phuc’s Fond cùng phóng viên Báo CA TP.HCM đã về các “rốn lũ” của Quảng Bình trao quà trị giá hơn 210 triệu đồng.

Xuất phát từ TP.Huế, sau gần 6 tiếng, chiều chiều 21-10, đoàn đến xã miền núi Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) trao 105 phần quà (trị giá 900 nghìn đồng mỗi suất), gồm 300 nghìn đồng và các vật phẩm: gạo, mì tôm, đường, nước mắm, xì dầu, dầu ăn, chăn bông, quần áo,… Ngoài ra, hỗ trợ 10 hộ bị thiệt hại nặng 10 suất quà trị giá 10 triệu đồng.

Tân Hóa là “rốn lũ” truyền thống của huyện Minh Hóa, thường xuyên bị chìm trong biển nước. Đợt này, thiệt hại trên địa bàn xã ước gần 25 tỷ đồng, có 1 người chết,… Hàng trăm người dân bày tỏ niềm vui mừng khi được đoàn động viên, thăm hỏi và trao những phần quà thiết thực ý nghĩa.

Chiều cùng ngày, đoàn di chuyển đến xã Thượng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đây cũng là địa phương bị thiệt hại rất nặng nề do mưa lũ, ước thiệt hại gần 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, 3 bản đồng bào Rục là bản Yên Hợp, bản Ón và Mò O Ồ Ồ của hơn 200 hộ dân với hơn 650 người đang bị chia cắt. Vượt đường rừng núi đã khó khăn, chúng tôi đành sững sờ khi giữa đường còn xuất hiện một con sông lớn, nước mênh mông.

Trước kia đây là đường vào các bản nói trên. Mưa lũ đã gây ngập nặng, hiện tại có nơi ngập đến 5m. Giờ đường đã biển thành sông. Từ ngày 14-10 đến nay, hơn 650 hộ dân bị chia cắt với bên ngoài.

Nhiều người ứa nước mắt trước tình cảnh éo le ấy. Khó khăn lắm, chúng tôi cùng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng mới vận chuyển được 102 suất quà sang bên kia sông để phát cho bà con.

Một số thành viên mang quà vào tận các bản để trao cho những người già, neo đơn, người tàn tật,… không có khả năng đi ra phía “bờ sông” để nhận quà. Cán bộ xã và trưởng các bản nói trên cho biết, 3 bản người Rục thì hầu như hộ nào cũng nghèo khó. Từ ngày bị lũ cô lập, chia cắt với bên ngoài thì đời sống bà con càng khó khăn, thiếu thốn hơn.

Người Rục vốn là những người sống ở sâu trong rừng, được công an, biên phòng phát hiện và đưa ra sống tập trung tại các bản. Tuy nhiên tâm lý “nhớ rừng” và tập tục canh tác phải dựa vào rừng, bà con vẫn bỏ bản vào rừng sống.

Ngoài ra, trình độ canh tác, sản xuất của bà con còn hạn chế, chưa bắt kịp với đồng bào các dân tộc khác nên đời sống còn lạc hậu. Hầu như quanh năm, nhà nước, chính quyền và các lực lượng chức năng đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người Rục rồi, chưa kể đến thiên tai, mưa lũ.

Đoàn trao quà xong thì trời tối, rời các bản lúc 18 giờ khi trời đã chìm trong bóng đêm. Quà hỗ trợ mưa lũ đã phát xong nhưng những chuyến xe như “nặng” hơn bởi các thành viên trong đoàn ai cũng cám cảnh, nặng lòng với những phận đời éo le và hứa hẹn sẽ quay trở lại chia sẻ với bà con.

Phuc’s Fond do anh Nguyễn Quang Phục (53 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, hiện sống và dạy học tại Na Uy) sáng lập năm 1991. Năm 2013, Phuc's Fond được công nhận là một tổ chức từ thiện phi chính phủ, tôn giáo và được hoạt động độc lập trong khuôn khổ pháp luật.

Phuc's Fond đã có nhiều hoạt động tại Huế và hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung; tổ chức các đợt cứu trợ giúp người dân vùng thiên tai, bão lũ tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam...

Phuc’s Fond có uy tín qua các chương trình: trao học bổng, tiếp sức đến trường; hỗ trợ các cơ sở tình thương; giúp trẻ mồ côi; hỗ trợ khẩn cấp các hoàn cảnh éo le, cụ già neo đơn, không nơi nương tựa; “Chén cơm nghĩa tình” tại bệnh viện; trao quà đến người nghèo… Bình quân mỗi năm Phuc’s Fond dành 1,5 – 2 tỷ đồng cho công tác từ thiện.

Một số hình ảnh đưa quà về vùng "rốn lũ" ở miền núi:

Bình luận (0)

Lên đầu trang