Báo Công an TP.HCM chia sẻ mất mát với bà con vùng lũ Quảng Bình

Thứ Ba, 18/10/2016 19:03

|

(CAO) Ngày 18-10, Báo Công an TP.HCM tiếp tục về vùng lũ miền Trung, trao tận tay bà con những phần quà ý nghĩa, chan chứa tình cảm của bạn đọc, nhà hảo tâm...

Trên hành trình thiện nguyện, chúng tôi tiếp tục ghi nhận những cảnh đời cơ cực, éo le do mưa lũ.

Nặng lòng ở “rốn lũ”

Khi nước đang còn đọng lại trong những vùng lũ, chiều 17-10, đoàn từ thiện của Báo Công an TP.HCM cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Tiến Hóa (huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã về với bà con xã Văn Hóa. Đoàn trao 100 phần quà (mỗi phần trị giá 300 nghìn đồng cho 100 hộ dân bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Văn Hoá là xã vùng hạ lưu của sông Gianh. Trận mưa lũ lịch sử vừa qua, “rốn lũ” truyền thống Văn Hóa là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Báo Công an TPHCM và Công an huyện Tuyên Hóa trao quà cho một gia đình nghèo, đông con

Toàn xã với gần 100% hộ dân (1.050 hộ/3.760 nhân khẩu) bị ngập từ 2,5 – 4,5m. Hệ thống giao thông bị tê liệt, mất điện nước… Cơ sở vật chất, hạ tầng hư hỏng nghiêm trọng. Do chủ động các phương án phòng chống mưa lũ, di dời dân đến nơi an toàn nên không xảy ra thương vong về người, chỉ có 4 người bị thương, hiện sức khỏe tạm ổn định. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản là rất nặng nề với nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, hàng chục tấn lương thực, hoa màu, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng. Khung cảnh sau mưa lũ hoang tàn, xóm làng xơ xác, cây cối gãy, ngã, bật gốc; đường sá nham nhở, sạt lở, đầy bùn lầy...

Hiện chính quyền và các lực lượng chức năng: công an, bộ đội, vệ sinh môi trường… cùng người dân đang ra sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ để khôi phục, sớm ổn định lại cuộc sống cho người dân. Những phần quà của Báo Công an TP.HCM đem theo tình cảm của bạn đọc, các nhà hảo tâm góp phần nhỏ bé, chung tay khắc phục khó khăn, thiếu thốn hiện tại của bà con xã Văn Hóa.

Chiều cùng ngày, đại diện Báo Công an TP.HCM cùng chính quyền, lực lượng công an địa phương lội bùn đến thăm gia đình vợ chồng ông Lê Đức Tráng và bà Đào Thị Thánh (cùng SN 1945, trú thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa) và trao số tiền 10 triệu đồng. Nhà ông Tráng bị ngập nặng, thiệt hại tài sản như nhiều hộ dân khác. Nhưng hơn hết, hoàn cảnh gia đình ông Tráng vô cùng bi đát...

Trao quà cho bà con xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa

Vợ chồng ông Tráng có 5 người con nhưng 3 người con gái bị tâm thần và 1 người con trai đang có biểu hiện không bình thường. Ba năm qua, gia đình ông Tráng sống trong cảnh đau thương, tan nát khi những đứa con cùng bị bệnh. Mỗi khi lên cơn, những người con chửi mắng, đánh đập, đuổi cha mẹ già ra ngoài đường. Chính quyền địa phương, bà con hàng xóm cũng như đoàn công tác của Báo Công an TP.HCM nhìn cảnh gia đình ông Tráng vật lộn với lũ mà không khỏi đau lòng.

Xót xa miền núi Tuyên Hóa

Sáng 18-10, đoàn công tác của Báo Công an TP.HCM lê đường đến xã miền núi Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa). Con đường độc đạo chạy song song con sông và cánh rừng từ Quốc lộ 12A đến trung tâm xã bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Khó khăn lắm, chúng tôi mới đến được trụ sở UBND xã. Hàng chục người dân có mặt từ sớm. Cán bộ và nhân dân vui mừng bởi sau mưa lũ, đây là đoàn từ thiện đầu tiên đến xã. Báo trao 66 suất quà (mỗi suất 300 nghìn đồng) cho người dân bị thiệt hại.

Toàn xã có 820 hộ với 3.200 nhân khẩu thì có đến 37% hộ nghèo và 28% cận nghèo. Đời sống người dân chủ yếu làm nông, trồng rừng và chăn nuôi. Cơn lũ lịch sử khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập, cuốn trôi nhiều tài sản, làm hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng… ước tính thiệt hại gần 30 tỷ đồng; đây là một con số rất lớn đối với xã miền núi. Nhiều gia đình cạn lương thực, thiếu nước uống...

Đại diện Công an huyện Tuyên Hóa trao quà cho bà con vùng lũ

Trong túp lều tranh rách nát, vợ chồng anh Nguyễn Minh Thông (SN 1977), chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1979, trú thôn Vĩnh Xuân) và 4 đứa con nhỏ ôm nhau, bơ phờ nhìn ra khu vườn tàn tạ. Nhà anh Thông thuộc hộ nghèo (nghèo nhất xã Văn Hóa), tài sản chẳng có gì cũng bị mưa lũ cuốn đi hết. Khổ sở hơn khi đôi vợ chồng trẻ và 4 con nhỏ quay quắt trong sự túng thiếu. Các cháu nhỏ gầy gò, ốm yếu, ăn uống bữa đói bữa no. Anh Thông làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, còn chị Thắm tất bật cả ngày với 4 đứa con nhỏ nên cuộc sống không “thấy anh sáng”.

Chiều cùng ngày, đoàn vượt hơn 40km đường rừng núi đến với xã miền núi Ngư Hóa. Và chúng tôi cũng là những người đầu tiên đặt chân đến Ngư Hóa để san sẻ với khó khăn, thiếu thốn của bà con sau lũ. Đoàn trao hơn 20 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là đợt lũ lớn nhất từ sau cơn lũ lịch sử năm 2007. Nước sông Rào Trổ dâng cao hơn bình thường, có nơi đến 5m, nhấn chìm nhiều tài sản trên địa bàn. Toàn xã ngổn ngang, hoang tàn, ước thiệt hại toàn xã gần 6 tỷ đồng. Có ba căn nhà bị lũ cuốn trôi.

Ngồi thẩn thờ trên nền móng căn nhà, vợ chồng anh Trần Văn Chín (SN 1989, trú thôn 4) và chị Nguyễn Thị Hạnh như những người mất hồn. Đêm 14 rạng sáng 15-10, nước lũ dâng cao cuốn trôi toàn bộ căn nhà bằng gỗ của vợ chồng chị Hạnh xuống sông Rào Trổ. Vợ chồng anh chị phải chạy đến nhà hàng xóm ở trên cao lánh nạn. Sau lũ, hai vợ chồng ra sông chỉ vớt được vài cột gỗ, một số xoong nồi.

Vớt vát lại ít tài sản từ căn nhà bị lũ cuốn trôi
Một gia đình nghèo còn ít tài sản

Gia đình người hàng xóm bên cạnh là anh Chu Văn Huy (SN 1984) cũng bị lũ cuốn phăng căn nhà. Ở thôn bên cạnh, nhà ông Trần Huy Lập cũng bị lũ cuốn trôi và rơi vào tình cảnh khốn khó tương tự như hai gia đình trên. Mấy ngày nay, các hộ dân phải sống nhờ nhà bà con hoặc hàng xóm trong sự túng thiếu trầm trọng.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Phong ngậm ngùi: “Toàn xã có 155 hộ (hơn nửa là hộ nghèo và cận nghèo - PV) với 553 nhân khẩu sống ở vùng núi cao, bên cạnh là con sông hung dữ. Con đường độc đạo vào xã đã bị hư hỏng nghiêm trọng nên gần như bà con tách biệt với bên ngoài. Lâu nay, người dân chủ yếu làm nương rẫy, trồng rừng, sống dựa vào rừng nhưng mưa lũ làm hư hại, cuốn trôi đi nhiều thứ. Hiện đời sống bà con đang rất khó khăn, thiếu thốn, rất cần sự quan tâm, sẻ chia của chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các nhà hảo tâm để khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống và đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất”.

Chúng tôi cũng đến thăm, hỗ trợ hơn 10 triệu đồng cho các gia đình ở xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa). Đặc biệt ở xã có 2 căn nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều gia đình đang rất túng thiếu.

Ngày mai (19-10), Báo Công an TPHCM về trao quà bà con vùng lũ ở thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch – là những địa phương bị mưa lũ nhấn chìm và thiệt hại nặng nề.

Bình luận (1)

Cám ơn Quý Báo đã giúp đỡ người dân nghèo khó Quê tôi

Trần Văn Ninh - Chủ Nhật, 23/10/2016, 22:41 Trả lời | Thích
Lên đầu trang